Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhiều quan chức Mỹ thời gian qua đều sử dụng khái niệm “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” (Indo - Pacific) thay vì “Châu Á - Thái Bình Dương” (Asia - Pacific) như trước đây. Dụng ý của Mỹ chính là thể hiện châu Á là khu vực rộng lớn chứ không phải chỉ là “sân sau” của các nước Đông Á, trong đó có Trung Quốc.

Hàm ý chiến lược khi Mỹ gọi tên mới cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương

Cẩm Bình | 04/11/2017, 16:26

Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhiều quan chức Mỹ thời gian qua đều sử dụng khái niệm “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” (Indo - Pacific) thay vì “Châu Á - Thái Bình Dương” (Asia - Pacific) như trước đây. Dụng ý của Mỹ chính là thể hiện châu Á là khu vực rộng lớn chứ không phải chỉ là “sân sau” của các nước Đông Á, trong đó có Trung Quốc.

Trong nhiều thập niên qua, khoảng không gian địa lý (gồm đại dương và lục địa) trải dài từ Úc đến Ấn Độ đều được chính quyền Washington gọi bằng khái niệm “Châu Á - Thái Bình Dương”, nơi mà sự hiện diện của nước này tại đây là tự nhiên và ổn định.

Tuy nhiên, tờ The Washington Post chỉ ra rằng trước thềm chuyến công du của Tổng thống Mỹ Donald Trump, nhiều quan chức Nhà Trắng và thậm chí cả tổng thống đều không dùng “Châu Á - Thái Bình Dương” mà thay vào đó là “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” (Indo - Pacific) trong phát biểu của mình.

Cụ thể, khi cung cấp những thông tin về chuyến công du của Tổng thống cho báo giới hôm 2.11, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ H.R.McMaster đã nhiều lần nhắc đến “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”. Ông cũng cho biết Tổng thống Trump từ khi lên nhậm chức đến nay “đã có 43 cuộc điện đàm với lãnh đạo các nước Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”.

Trước đó ông Trump phát biểu công khai sau cuộc họp nội các hôm 1.11 cũng dùng đến khái niệm này, The Washington Post cho hay.

The Washington Post cũng cho biết khái niệm ấy không có gì mới mẻ. Nhiều chuyên gia về chính sách đối ngoại và các nước Úc, Ấn, Indonesia cũng đã dùng tới khái niệm trên trong vài năm qua.

Theo The Washington Post, chính quyền Trump vẫn muốn đảm bảo “Mỹ vẫn hiện diện đầy đủ trong khu vực vào thế kỷ 21” như những gì người tiền nhiệm Barack Obama đã từng phát biểu. Nhưng nước này phải có điều chỉnh khi đối thủ chính tại đây là Trung Quốc ngày càng tỏ ý khiêu khích.

Bằng cách sử dụng “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”, chính quyền Trump muốn truyền đi thông điệp rằng khu vực mà Washington vốn gọi là “Châu Á - Thái Bình Dương” rất rộng lớn chứ không chỉ gồm “sân sau” của Trung Quốc và những “con hổ kinh tế” Đông Á, The Washington Post cho biết.

Chính quyền Washington phải điều chỉnh khi đối thủ chính Trung Quốc ngày càng tỏ ý khiêu khích - Ảnh: Reuters

Điều chỉnh này đã được Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson làm rõ vào hai tuần trước khi ông nói về chuyện mở rộng quan hệ hợp tác chiến lược với Ấn Độ, nước có cùng mối lo ngại về sự trỗi dậy của Trung Quốc với Mỹ.

Theo Ngoại trưởng Tillerson, Mỹ và Ấn Độ nên là đối tác trong khuôn khổ “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mở và tự do” vì Ấn Độ đã nổi lên như một cường quốc có trách nhiệm, bảo vệ luật pháp quốc tế và tự do hàng hải.

Ngoài ra, Ngoại trưởng cũng đề cập đến hợp tác giữa các nước dân chủ đồng minh của Mỹ, bao gồm Úc và Nhật Bản. Trong bài phát biểu mình, ông Tillerson dùng đến 15 lần từ “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”.

Phó chủ tịch phụ trách châu Á và Nhật Bản của Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS) Michael J.Green cho biết điều này gợi nhớ đến một ý tưởng xây dựng một “bộ tứ” Anh - Mỹ - Nhật - Đức nhằm giúp Mỹ chống lại những đối thủ tiềm năng trên lĩnh vực hàng hải được đưa ra vào thế kỷ 19.

Theo tiến sĩ Green, với khái niệm “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”, Đức được thay bằng Ấn Độ và Anh được thay bằng Úc. Như vậy, rõ ràng chính quyền Trump muốn lập ra “bộ tứ” Úc - Mỹ - Nhật - Ấn để đối phó với một nước Trung Quốc mà họ cho là không đáng tin cậy.

Trước đó, phía Nhật cũng đã đưa ra đề xuất xây dựng một cuộc đối thoại chiến lược 4 bên giữa nước này với Mỹ, Úc và Ấn Độ.

Cẩm Bình (theo The Washington Post, Channel News Asia)
Bài liên quan
Thị trường chủ lực Mỹ có phải là 'điểm sáng' cho con tôm Việt Nam?
Liệu thị trường chủ lực như Mỹ có phải là điểm sáng cho các doanh nghiệp xuất khẩu tôm không khi mặt hàng này dù có cơ hội so với đối thủ cạnh tranh nhưng vẫn còn khó về giá cả, giữ thị phần, các rào cản thương mại, biến động thị trường...

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh quản lý nhà nước về thương mại điện tử
1 giờ trước Theo dòng thời sự
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 119/CĐ-TTg ngày 25.11.2024 yêu cầu một số bộ liên quan và các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hàm ý chiến lược khi Mỹ gọi tên mới cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương