PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng các ngân hàng Việt Nam hiện nay chưa thực sự hoạt động theo các chuẩn mực của kinh tế thị trường. Nếu hoạt động theo kinh tế thị trường, ngân hàng tự huy động và sử dụng vốn, nếu không kinh doanh được thì phá sản, không cần vấn đề hạn mức tín dụng.
Hiện nay nhu cầu vay vốn của cá nhân và doanh nghiệp khá cao, nhất là trong bối cảnh đang triển khai gói hỗ trợ theo Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội. Tuy nhiên, những tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng tăng mạnh nên nhiều ngân hàng đã chạm trần hạn mức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước cấp hồi đầu năm và đang trình xin nới thêm room.
Theo Ngân hàng Nhà nước, đến ngày 31.5, tín dụng tăng 8,04% so với cuối năm 2021 và tăng 16,94% so với cùng kỳ năm 2021; 4/5 lĩnh vực ưu tiên có mức tăng cao hơn cùng kỳ và 3/5 lĩnh vực ưu tiên có mức tăng cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung; tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát.
Tại hội nghị toàn ngành ngân hàng về triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% mới đây, nhiều ngân hàng cũng đồng loạt đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng.
Lý do là năm nay nhu cầu vốn của nền kinh tế rất cao, khi các lĩnh vực chịu ảnh hưởng bắt đầu giai đoạn phục hồi. Trong khi đó, "room" (dư địa) để các ngân hàng có thể cho vay không còn nhiều. Việc triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% trong thời gian tới dự kiến còn thúc đẩy nhu cầu tín dụng cao hơn.
Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, chuyên gia kinh tế, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng để kinh tế phục hồi tốt hơn thì việc mở tỷ lệ tín dụng cho các ngân hàng sẽ có lợi cho khách hàng và doanh nghiệp.
Theo chuyên gia này, việc nới room tín dụng sẽ không có nhiều tác động đến lạm phát nếu như việc điều phối của NHNN tiếp tục linh hoạt. Nới room tín dụng không phải dễ dàng với tất cả ngân hàng trong bối cảnh hiện nay, khi chủ trương của NHNN là kiểm soát chặt chất lượng khoản vay”, ông Thịnh nói và cho rằng nếu nợ xấu, các khoản cho vay rủi ro của ngân hàng vẫn trong giới hạn cho phép thì Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng nới room tín dụng. Hiện nay chỉ nên nới hạn mức với những ngân hàng có sức khỏe tốt.
Tuy nhiên, về đề xuất bỏ hạn mức tín dụng, ông Thịnh cho rằng các Ngân hàng Việt Nam hiện nay chưa thực sự hoạt động theo các chuẩn mực của kinh tế thị trường. Nếu hoạt động theo kinh tế thị trường thì tự huy động và sử dụng vốn, nếu không làm ăn được thì phá sản, không cần vấn đề hạn mức tín dụng.
Ngoài ra, quyền cho ngân hàng phá sản phải trở thành bình thường, thì khi đó NHNN chỉ quản lý một số yêu cầu, không cần áp dụng định mức tín dụng, mức độ tín nhiệm... vì ngân hàng phải tự xoay sở theo cơ chế thị trường.
Tuy nhiên, ông Thịnh cho rằng cần có một lộ trình cụ thể, để thị trường tài chính tiền tệ trở thành một thị trường thực thụ, các ngân hàng tự do kinh doanh, tự do cạnh tranh. Việc quản lý Nhà nước khi đó chỉ nằm trên khuôn khổ luật pháp là chính. Các ngân hàng kinh doanh đúng luật sẽ được hưởng lợi, nếu phá sản sẽ phải tự xử lý với nhà đầu tư và với khách hàng, tự xử lý các vấn đề tài chính khác.
Trả lời chất vấn về vấn đề này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đặc thù của nền kinh tế Việt Nam là vốn đầu tư dựa rất lớn vào nguồn vốn tín dụng của hệ thống ngân hàng.
Do đó, kiểm soát tăng trưởng tín dụng được Ngân hàng Nhà nước áp dụng biện pháp này từ những năm 2011 và thấy đây là một biện pháp rất hiệu quả trong tổ chức điều hành, đưa thị trường tiền tệ tín dụng ổn định trở lại.
Theo Thống đốc, hiện nay hệ thống ngân hàng vẫn đang trong quá trình tái cơ cấu và dần tiến tới chuẩn mực quốc tế. Vừa qua, Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ, các ngành nghiên cứu để phát triển thị trường vốn.
“Khi phát triển thị trường vốn thì đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn vay trung, dài hạn từ những phân khúc thị trường này và chỉ vay vốn ngắn hạn phục vụ cho vốn lưu động trong hoạt động sản xuất, kinh doanh từ hệ thống ngân hàng. Khi đó áp lực đối với việc kiểm soát tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng Nhà nước sẽ bớt đi”, bà Hồng nêu.
Về cách thức, theo bà Hồng, thường là đầu năm trên cơ sở chỉ tiêu lạm phát cũng như GDP của Quốc hội đề ra, Ngân hàng Nhà nước sẽ đưa ra một chỉ tiêu định hướng cho cả năm và chỉ tiêu này có thể sẽ được điều hành phù hợp với tình hình thực tiễn. Bởi vì chính sách tiền tệ cũng là ngắn hạn và nền kinh tế cũng sẽ chịu tác động bởi rất nhiều yếu tố trong và ngoài nước và khách quan.
Về phân bổ cho các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước đều có những nguyên tắc chung, trên nền tảng phân loại các tổ chức tín dụng. Tổ chức tín dụng nào có tình hình lành mạnh, quản trị tốt hơn thì được tăng trưởng tín dụng cao hơn.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, trên thực tế có các cặp sở hữu chéo giữa các tổ chức tín dụng với nhau và giữa tổ chức tín dụng với doanh nghiệp. Hiện nay Thủ tướng Chính phủ cũng đang chỉ đạo Bộ Công an kết nối hệ thống dữ liệu công dân. Khi đó, tất cả các giao dịch của một cá nhân có căn cước công dân gắn chip đều được lưu giữ lại. Sau này các giao dịch trong nền kinh tế ngày càng minh bạch hơn thì việc phát hiện ra những vấn đề không trung thực hoặc nhờ người đứng tên hoặc cố tình che giấu thì cũng sẽ dễ dàng được phát hiện hơn.
Trong khi đó, Đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An cho rằng cơ chế này còn dáng dấp của quản lý theo kiểu bao cấp và có lẽ không phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Một khi đã cấp hàng năm dẫn đến chuyện năm nào cũng phải cấp lại, khi cần thiết các ngân hàng lại phải đi xin để nới room.
Đặc biệt trong bối cảnh này, đang triển khai gói 2% của gói chính sách tài khóa, tiền tệ theo Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội, tức là có tiền mà lại không cho vay được, các ngân hàng muốn cho vay cũng khó. Trong khi mục tiêu đề ra là cấp bách quyết liệt thực hiện Nghị quyết 43.