Các kịch bản đối phó với COVID-19 của ngành hàng không đến nay đều bị "phá sản" vì thị trường nội địa đã phải hạn chế tối đa, việc duy trì một số ít đường bay trọng điểm và mỗi hãng chỉ khai thác 1 chuyến bay/ngày thì hy vọng cũng coi như hết, các hãng rơi vào tình cảnh cạn kiệt nguồn lực.
Nguy cơ sống còn
Trong tháng 3, các hãng hàng không Việt Nam đã phục vụ 2,8 triệu lượt khách, giảm 38% so với cùng kỳ 2019. Trong đó, sản lượng khách nội địa đạt 2,4 triệu khách, giảm 25%. Thiệt hại lớn nhất của ngành hàng không là nằm ở các đường bay quốc tế với sản lượng chỉ đạt 480.000 khách, giảm 67% so với cùng kỳ. Các chuyến bay chở hàng cũng giảm sản lượng từ 27 đến 30% .
Tính chung 3 tháng đầu năm nay, các hãng bay Việt vận chuyển được 11,4 triệu hành khách, giảm 11,4% so với năm ngoái. Trong đó, khách quốc tế giảm 32,7%, nội địa giảm 0,7%. Các hãng hàng không Việt Nam cắt giảm liên tục các đường bay đến Hàn Quốc, châu Âu và các nước Đông Nam Á do ảnh hưởng của dịch bệnh. Vietnam Airlines và Bamboo Airways đã thực hiện các chuyến bay quốc tế cuối cùng trong ngày 25.3 trước khi tạm dừng các đường bay quốc tế.
Thiệt hại đối với các doanh nghiệp, cảng hàng không, quản lý bay đã được thể hiện rõ qua lượng hành khách quốc tế đi và đến trong tháng 3 giảm tới 71% so với cùng kỳ. Sản lượng điều hành bay đi/đến giảm 26%.
Tổng giám đốc Vietnam Airlines Dương Trí Thành dự kiến, năm 2020, Vietnam Airlines sẽ giảm tải cung ứng khoảng 60%; doanh thu giảm 50.000 tỉ đồng, tương đương giảm 65% so với kế hoạch.
"Cũng như các hãng hàng không khác, chúng ta đang đối mặt với những thách thức mang tính sống còn trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Trong thời gian qua, đã có hơn 2.000 cán bộ nhân viên, trong đó có hơn 400 cán bộ là lãnh đạo tổng công ty, cán bộ các cấp phải cách ly, thậm chí đã có 4 cán bộ nhân viên của Vietnam Airlines nhiễm bệnh", ông Thành nêu.
Theo ông Dương Trí Thành, dịch bệnh đã “kéo” hàng không chậm lại 3-4 năm và làm cho tích lũy của 4-5 năm trước coi như về 0. Theo dự báo của Cục Hàng không Việt Nam vào giữa tháng 3 vừa qua, thiệt hại của ngành hàng không lên tới khoảng 30.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, theo nhận định của Cục trưởng Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng, con số này ở thời điểm hiện tại chắc chắn sẽ gia tăng gấp thêm nhiều lần vì đường bay quốc tế đóng cửa, trong khi hầu hết các đường bay trong nước cũng tạm thời dừng lại.
Gánh nặng chi phí
Hiện doanh thu gần như không có, dòng tiền đã mất hết, không có dòng tiền nhưng các hãng hàng không Việt Nam vẫn phải chi trả hàng loạt chi phí như trước. Một số hãng phải chi trả cả hàng nghìn tỉ đồng để trả tiền thuê máy bay, bảo trì bảo dưỡng, đậu đỗ, duy trì bộ máy, trả lương nhân viên,…
Đơn cử, đội bay của hãng Vietnam Airlines (VNA) hiện có 108 chiếc, trong đó có 15 chiếc Boeing 787 và 14 chiếc Airbus 350. Mỗi tháng, riêng tiền thuê, lãi ngân hàng của một chiếc rơi vào khoảng 1 triệu USD, cả đội tàu bay thân rộng sẽ lên tới gần 30 triệu USD/tháng.
Hãng Vietjet Air hiện đang có 75 tàu bay Airbus 320, Airbus 321 khai thác, ước tính khoản tiền phải trả có thể lên tới 20 triệu USD/tháng, con số này có thể cao hoặc thấp hơn tùy thuộc vào mức giá mà từng hãng đàm phán được khi ký hợp đồng thuê.
Ngoài chi phí thuê tàu hoặc trả lãi vay, các hãng hàng không mỗi tháng còn phải trả hàng chục tỉ đồng cho tiền đậu đỗ. Được biết, tiền đậu đỗ tại sân bay mỗi ngày của một chiếc Airbus 321 khoảng 1,6 triệu đồng, với dòng Boeing 787 là 4,16 triệu đồng.
Như vậy, riêng tiền sân đỗ máy bay, mỗi tháng Vietnam Airlines phải chi hơn 6 tỉ đồng; Vietjet khoảng 3,6 tỉ đồng; Bamboo Airways khoảng 1,24 tỉ đồng; Jetstar Pacific Airlines khoảng 720 triệu đồng/tháng (số liệu này dựa trên mức giá thuê bãi đỗ được quy định trong thông tư của Bộ GTVT). Chi phí thuê máy bay cũng được cho là gánh nặng lớn khi mỗi tháng phải mất khoảng 0,4-1 triệu USD/chiếc.
Trước thực trạng trên, Bộ GTVT đã đề xuất giảm một số chi phí và dịch vụ cho các hãng, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cũng giảm giá 7 loại dịch vụ. Song, các khoản được giảm này vẫn được cho là chưa thấm vào đâu so với thiệt hại đang tăng hàng ngày, hàng giờ của các hãng hàng không.
Theo một lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam, các kịch bản ứng phó với COVID-19 được xây dựng giờ đều bị "phá sản". Đến thời điểm này, không thể đánh giá đầy đủ về tình hình. "Bây giờ, việc tính toán không phải là thiệt hại bao nhiêu mà là cứu vãn được bao nhiêu. Thậm chí, chúng tôi còn lo lắng có hãng không trụ được, dẫn tới phá sản. Lịch sử ngành hàng không Việt Nam chưa bao giờ rơi vào tình trạng khó khăn, bi đát như bây giờ", vị lãnh đạo này chua xót nói.
Để vượt qua giai đoạn này, Vietnam Airlines cho biết sẽ thực hiện một số giải pháp như: tái cơ cấu lao động, tinh giản biên chế; tổ chức lại bộ máy, dây chuyền sản xuất; điều chỉnh thu nhập; cắt toàn bộ các khoản chi chưa thực sự cấp bách; giãn/hoãn các khoản chi có thể; đàm phán để giảm đơn giá, giảm giá đối với các hợp đồng đã ký kết…
Những điều chỉnh trên chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tất cả cán bộ công nhân viên trong toàn tổng công ty, khi hơn 50% người lao động của hãng phải ngừng việc; toàn bộ người lao động phải giảm lương, thậm chí cán bộ từ cấp ban trở lên tự nguyện không nhận lương.
Giai đoạn đến tháng 6 hoặc lâu hơn nữa sẽ rất khó khăn, nhưng hãng sẽ triển khai quyết liệt các giải pháp đã có cùng với việc tiếp tục chủ động trong phòng chống dịch bệnh. Cùng đó, sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ theo lệnh của Chính phủ, và chuẩn bị sẵn sàng cho sự phục hồi của thị trường hàng không trong tương lai.
Theo ước tính của Trung tâm hàng không châu Á - Thái Bình Dương (CAPA), đến cuối tháng 5, nếu không nhận được các nguồn trợ lực từ các quốc gia, hàng loạt hãng hàng không trên thế giới sẽ rơi vào tình cảnh phá sản.
Tuyết Nhung