Ngày cuối của 1 tuần đầy ắp những thông tin buồn của ngành giáo dục, về chuyện cô giáo bị phụ huynh bắt quỳ, rồi cô giáo bị học sinh bóp cổ..., thầy Võ Đức Chỉnh, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Việt Hồng (TP. Cần Thơ), lại có được buổi tiệc chia tay chuẩn bị về hưu tràn đầy tình cảm thầy trò…
Bữa tiệc gọn, vài bàn đơn sơ, và phần lớn là phụ huynh và các em học sinh lớp đầu tiên mà thầy Chỉnh làm chủ nhiệm vào năm 1980. Giờ, học sinh cũng như thầy, ai cũng tóc bạc. Người làm quan chức, người là doanh nhân, cũng có người chỉ là người dân bình thường… Có người vượt hàng trăm cây số về dự, chỉ vì người thầy mà họ hết lòng quý mến này…
Khi anh “cựu” lớp trưởng của lớp đầu tiên mà thầy Chỉnh làm chủ nhiệm, phát biểu: “Lớp mình giờ có 2 người thành đạt nhất là anh A. - Giám đốc Sở, và anh B. - Giám đốc Bệnh viện lớn nhất Cần Thơ…”, mặt thầy Chỉnh chùng xuống.
Và thầy Chỉnh “chỉnh” ngay: “Ý của em hơi khác ý thầy. Thầy chỉ mừng là cả lớp đó, các em đều thành nhân. Được vậy, là thầy vui lắm rồi”. Ý thầy là, chuyện thành đạt, có chức vị hay không là chuyện khác. Còn học sinh của mình, dù chỉ là công dân bình thường, nhưng là người cha, người mẹ đức độ, là người sống tốt với đời, thì đấy là chuyện thầy mừng và mong nhất.
Thầy cũng không muốn nhắc chuyện ai thành đạt, ai chỉ là người làm thuê ở buổi tiệc này, bởi thầy không muốn, buổi họp lớp lần sau, sẽ vắng nhiều gương mặt học trò thân yêu của mình, chỉ vì mặc cảm…
“Suốt 37 năm làm giáo viên, rồi Hiệu trưởng, tôi lắm lúc cũng bị cám dỗ, cũng muốn làm bậy lắm chứ! Nhất là giữ chức Hiệu trưởng, dễ tư lợi. Nhưng mỗi lần như vậy, tôi lại nghĩ về các em, lứa học sinh đầu tay của mình. Tôi muốn, sau này khi gặp lại các em, tôi hãnh diện, chứ không phải cúi mặt vì xấu hổ. Chỉ cần vậy, tôi vượt qua mọi cám dỗ”, thầy nói.
Thầy muốn các em học sinh của mình thành nhân, thành người tốt. Muốn vậy và để được vậy, thầy hiểu, chính bản thân mình phải là người tốt trước tiên… “Nếu không xứng đáng với các em thì thầy không phải là thầy”, thầy Chỉnh nói.
Thầy Chỉnh tâm sự, cũng có lúc ở tập thể, lương ba cọc ba đồng, thầy muốn nghỉ dạy. Nhưng những tấm lòng của phụ huynh quá lớn, khiến thầy không thể bỏ rơi con - em họ, mà lo tự kiếm đường sống khác cho bản thân mình.
Nhiều phụ huynh, đồng nghiệp đến dự tiệc "chia tay" của thầy Chỉnh - Ảnh: Hồ Hùng
Lần đó, đi Phụng Hiệp - cách xa trường khoảng 30 km, trong túi thầy chỉ đủ tiền đò cho các em đi vào nhà 1 bạn học định đến, và đủ tiền bao mỗi em 1 ly trà đá. Nhưng vào quán, các em hứng chí cứ gọi cà phê đá. Thầy trả tiền xong, biết chắc không đủ tiền đò, nhưng vẫn dắt các em đi.
Đến nơi, người mẹ của cậu học trò - chủ nhà, lặng lẽ ra lén nhét vào túi thầy chiếc phong bì. “Tiền ấy, đủ trả tiền đò, và về nhà tập thể, tôi còn đủ tiền ăn hủ tíu, uống cà phê suốt tuần”, thầy kể. Buổi tiệc chia tay hôm nay, người phụ huynh ấy - đích thân thầy mời đến, đón vào chung vui…
Lớp đầu tiên thầy làm chủ nhiệm ấy, có anh học trò cưng Trần Hồ Hải - hiện là kỹ sư Hóa. Ngày người trò giỏi nhất lớp đi thi đại học, thầy ra bến xe, nhờ chất xe đạp mình lên mui xe, dong thẳng từ Cần Thơ lên Sài Gòn.
Thầy có tật ở chân. Nhưng những ngày học trò Hải đi thi, thầy đều tập tễnh chở trò cưng của mình đến điểm thi, hồi hộp đứng bên ngoài chờ anh Hải làm bài, rồi đón về hỏi han… Trò Hải đỗ điểm cao, thầy mừng muốn thét vang cho cả thế giới này đều biết…
“Bất kỳ trong hoàn cảnh nào, chúng em cũng tìm thấy những điều tốt đẹp mà thầy cô đã gieo vào lòng, gieo vào suy nghĩ, nhận thức, để từ đó phấn đấu vượt qua.
Buổi họp mặt hôm nay, xin thầy cho phép chúng em dành những tình cảm chân thành nói lời tri ân vì những gì thầy đã làm cho chúng em, không chỉ trong thời gian qua mà mãi cho đến hôm nay và những ngày sau.
35 năm trước, chúng em là những đứa trẻ chập chững bước vào ngôi trường cấp 3 xa lạ với đầy ắp ước mơ và thật nhiều lo lắng. Chính các thầy cô đã mở rộng vòng tay để chúng em tìm thấy nơi đó không chỉ có kiến thức, lẽ sống cuộc đời mà ở đó còn có đầy ắp sự tin tưởng, lòng thương yêu.
Chúng em không phải lúc nào cũng ngoan và cố gắng, mà có lúc bướng bỉnh và bất cần. Chính các thầy cô là tấm gương để chúng em vượt qua thử thách. Chính thầy Võ Đức Chỉnh - người bạn, người anh, người thầy, đã đến với chúng em trong từng giai đoạn của cuộc đời”, anh Nguyễn Minh Vũ, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, xúc động nói…
Sau buổi tiệc chia tay, thầy Chỉnh lặng lẽ chờ nhận quyết định nghỉ hưu, và các em học sinh của thầy quay lại với công việc thường nhật, với gia đình. Nhưng sau này, mỗi khi gặp nhau, có lẽ cả thầy và trò đều hãnh diện về nhau.
Hãy cứ luôn là người tốt. Đừng nghĩ đơn giản mình chỉ là người thầy, là “bậc trên” của học sinh, mà phải còn là người bạn, là tấm gương. Hãy cứ cho đi, rồi sẽ nhận…
Hồ Hùng