Theo TS Nguyễn Đức Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, Việt Nam không nên giữ cách nhìn Nhật Bản như một nước cung cấp ODA bởi vì dù sao ODA vẫn là những đồng vay nợ. Phải nhìn nhận Nhật Bản như một đối tác, phải học hỏi thái độ, phong cách làm việc của người Nhật.
Lao động Việt Nam yếu, chịu cạnh tranh lớn
Theo báo cáo tại hội thảo “Sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực cho sự phát triển của ngành công nghiệp Việt Nam” do Đại sứ quán Nhật Bản phối hợp với Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách tổ chức ngày 27.3 tại Hà Nội, trong những năm qua, dạy nghề đã có những kết quả nhất định, tuy nhiên so với yêu cầu phát triển của nền kinh tế trong quá trình hội nhập khu vực, quốc tế hiện nay, thì dạy nghề vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập.
Theo ông Đỗ Văn Giang, Phó vụ trưởng Vụ dạy nghề chính quy, Tổng cục Dạy nghề (Bộ Lao động – Thương binh và xã hội”, chất lượng đào tạo nghề vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động, chưa gắn bó hữu cơ với nhu cầu nhân lực của từng ngành, từng địa phương, mối quan hệ trường và doanh nghiệp còn lỏng lẻo.
Ông Giang cho hay, chương trình, giáo trình chưa được thường xuyên cập nhật, bổ sung, đội ngũ nhà giáo thiếu về số lượng, trình độ đào tạo. Thiết bị dạy nghề còn thiếu, lạc hậu nên chưa thay đổi kịp với công nghệ sản xuất.
“Vẫn còn tình trạng mất cân đối trong cơ cấu ngành nghề đào tạo, khu vực kinh tế, giữa các vùng miền khắc phục chậm. Nhận thức của xã hội về dạy nghề còn hạn chế, vẫn còn nặng về bằng cấp” – ông Giang nói.
Ông Giang cũng chỉ ra rằng, tình trạng thiếu việc làm là yêu cầu bức xúc của người lao động chưa qua đào tạo. Các doanh nghiệp ít tham gia tích cực vào việc xây dựng các chương trình đào tạo hay công tác giảng dạy.
Theo đánh giá của Tổng cục Dạy nghề, các Hiệp định thương mại tự do (FTA) sẽ khiến Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển giáo dục nghề nghiệp Việt Nam, hưởng lợi lớn trong vấn đề tạo việc làm, nâng cao đời sống vật chất thông qua dịch chuyển cơ cấu và phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, theo ông Giang, điều này cũng đem đến không ít thách thức cho Việt Nam. Bởi vì giai đoạn 2016-2020, thách thức lớn nhất của thị trường lao động là tính cạnh tranh cao, trong khi mức độ hòa nhập, sẵn sàng của nhân lực Việt Nam còn chậm.
Hơn nữa, trong năm tới, Việt Nam sẽ phải đối mặt với vấn đề già hóa dân số sẽ làm cho lợi thế lực lượng lao động trẻ mất dần đi theo thời gian.
“Năng suất lao động của Việt Nam còn thấp. Khoa học, công nghệ chưa thực sự trở thành động lực để nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Nguồn lực hỗ trợ tạo việc làm thấp, chuyển dịch cơ cấu lao động còn chậm, lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng cao” – ông Giang nêu ra.
Bên cạnh đó, đại diện Tổng cục Dạy nghề cũng thừa nhận, việc quản lý lao động nước ngoài vào Việt Nam làm việc còn lỏng lẻo. Vấn đề tiếp cận với thông tin thị trường lao động ngoài nước còn hạn chế.
Thay đổi cách nhìn về Nhật Bản
Tại hội thảo, theo TS. Nguyễn Đức Thành, Việt Nam không nên giữ cách nhìn Nhật Bản như một nước cung cấp ODA bởi vì dù sao ODA vẫn là những đồng vay nợ. Phải nhìn nhận Nhật Bản như một đối tác, phải học hỏi thái độ, phong cách làm việc của người Nhật, cách người Nhật biến nước này thành một nền kinh tế trụ cột của thế giới.
Theo ông Thành, hiện tại, Việt Nam không còn lợi thế mạnh về lao động so với Thái, Philippine, Indonesia... Trong giai đoạn mới, những thực tập sinh của Việt Nam từ Nhật trở về sẽ trở thành nguồn nhân lực quý cho các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, đồng thời là lực lượng lao động có tính chất kết nối giữa Việt Nam và Nhật Bản.
Ông Thành cũng đưa ra một số giải pháp cần thiết để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đó là đổi mới quản lý nhà nước, đầu tư mạnh về dạy nghề, gắn dạy nghề với việc làm và thị trường lao động trong nước và quốc tế, phát triển đội ngũ giáo viên.
“Lựa chọn các nước thành công trong phát triển dạy nghề để tổ chức tiếp nhận và sử dụng đồng bộ chương trình, giáo trình dạy nghề phù hợp với thị trường lao động Việt Nam cho các nghề trọng điểm cấp độ khu vực và quốc tế’ – ông Thành cho hay.
Đồng thời, theo vị chuyên gia này, cần phải gắn kết với doanh nghiệp trong đào tạo nghề, tham gia xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo, tổ chức giảng dạy, hướng dẫn thực tập và đánh giá kết quả học tập của người học.
Công sứ kinh tế của Đại sứ quán Nhật Bản Katsuro Nagai cho biết, hiện có 200.000 thực tập sinh của Việt Nam đang học và làm việc tại Nhật Bản. Việc di chuyển tự do nguồn nhân lực đang là vấn đề rất đáng lưu tâm trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản.
Theo ông Katsuro, vừa qua, Chính phủ Nhật Bản cũng lập sáng kiến hợp tác đào tạo nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp trong khu vực Asean và dự định sẽ tiến hành một cách tổng thể việc hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực công nghiệp cho các nước Asean.
Còn theo TS. Nguyễn Lương Trào - Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu lao động (VAMAS), thứ nhất, cần chuẩn bị phát triển tương lai nghề nghiệp và năng lực cho TTS từ trước khi xuất cảnh và ngay trong quá trình tu nghiệp ở Nhật Bản. Đây chính là cách để chúng ta nâng cao hiệu quả tối đa trong phát huy năng lực của toàn bộ lực lượng TTS trở về.
Thứ hai, cần làm tốt công tác tư vấn, hỗ trợ các cựu TNS lựa chọn và được tuyển chọn vào các vị trí công việc thich hợp nhất cho việc phát huy năng lực.
Trí Lâm