Đến hết năm 2020, toàn bộ các ngân hàng thương mại phải chính thức niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán.
Theo quyết định phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025", Thủ tướng yếu cầu phải thực hiện niêm yết, đăng ký giao dịch cổ phiếu của các ngân hàng thương mại cổ phần theo hướng đến hết năm 2020, toàn bộ các ngân hàng thương mại niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chính thức.
Thủ tướng cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu cho phép các tổ chức tín dụng được sử dụng một phần dự trữ bắt buộc bằng trái phiếu chính phủ; hoàn thiện quy định về tỷ lệ nắm giữ trái phiếu chính phủ của các tổ chức tín dụng.
Thủ tướng cũng chỉ đạo tăng cường sự phối hợp trao đổi thông tin, thanh tra, giám sát giữa Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với các tập đoàn tài chính - ngân hàng, các giao dịch tài chính và dòng lưu chuyển vốn giữa các tổ chức tín dụng và các tổ chức kinh doanh chứng khoán...
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Bộ Tài chính tăng cường trao đổi thông tin giám sát luồng vốn giữa thị trường chứng khoán và thị trường tiền tệ, nguồn vốn đầu tư nước ngoài, việc huy động vốn qua phát hành tiền ảo và tài sản mã hóa.
Theo thống kê, năm 2018 có tới hàng chục ngân hàng lên kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán, nhưng chỉ 3 ngân hàng thành công là Techcombank, HDBank và TPBank.
Theo đó, hiện nay, ngoài các cổ phiếu ngân hàng đã niêm yết trên 2 sàn HOSE, HNX và UpCom, với 17 mã hiện nay gồm: CTG, BID, ACB, VCB, EIB, STB, SHB, MB, TPB, VPB, HDB, NVB, TCB, VIB, KLB, LPB, BAB thì còn khá nhiều ngân hàng chưa niêm yết trên sàn chứng khoán tập trung theo quy định. Có nghĩa là mới chỉ có 17 cổ phiếu ngân hàng đang được niêm yết/đăng ký giao dịch trên 3 sàn, trong khi đó, số lượng ngân hàng thương mại cổ phần là 31.
Đề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025" cũng đặt ra yêu cầu đa dạng hóa các sản phẩm trên thị trường chứng khoán; triển khai các sản phẩm chứng quyền có đảm bảo, hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ và hợp đồng tương lai trên các chỉ số mới ngoài chỉ số VN30 trước năm 2020 và từng bước triển khai các sản phẩm quyền chọn, hợp đồng tương lai trên cổ phiếu trước năm 2025.
Đề án đề ra 8 giải pháp cơ cấu lại thị trường chứng khoán gồm: - Hoàn thiện cơ sở pháp lý; - Cơ cấu lại cơ sở hàng hóa; - Cơ cấu lại cơ sở nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán; - Cơ cấu lại tổ chức kinh doanh chứng khoán; - Cơ cấu lại tổ chức thị trường; - Nâng cao năng lực, quản lý giám sát và cưỡng chế thực thi; - Giải pháp nâng hạng thị trường, và cuối cùng là Tăng cường vai trò của các hội nghề nghiệp.
Tuyết Nhung