Trong năm 2019, Việt Nam đã xuất siêu sang các nước CPTPP 1,6 tỉ USD. Tuy nhiên, thị phần hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tại các nước đối tác CPTPP được đánh giá là vẫn còn thấp.

Hiệp định CPTPP: Thị phần hàng hóa Việt Nam tại các nước còn thấp

tuyetnhung | 24/09/2020, 15:50

Trong năm 2019, Việt Nam đã xuất siêu sang các nước CPTPP 1,6 tỉ USD. Tuy nhiên, thị phần hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tại các nước đối tác CPTPP được đánh giá là vẫn còn thấp.

Thị phần hàng hóa còn thấp

Nói về kết quả thực thi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) thời gian qua, Bộ Công Thương cho biết trong năm 2019, kim ngạch trao đổi thương mại giữa Việt Nam và 10 nước CPTPP đạt 77,4 tỉ USD, tăng 3,9% so với năm 2018. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang 10 nước CPTPP đạt 39,5 tỉ USD, tăng 7,2% so với năm 2018. Kim ngạch nhập khẩu từ 10 nước CPTPP đạt 37,9 tỉ USD, tăng 0,7% so với năm 2018.

Như vậy, trong năm 2019, Việt Nam đã xuất siêu sang các nước CPTPP là 1,6 tỉ USD trong khi năm 2018 Việt Nam nhập siêu từ các nước CPTPP là 0,9 tỉ USD. Trong đó, kim ngạch xuất nhập khẩu của ta sang 6 nước đã phê chuẩn Hiệp định CPTPP năm 2019 đạt gần 34,4 tỉ USD, tăng 8,2% so với năm 2018. Tỷ trọng trong tổng xuất nhập khẩu năm 2019 cũng đạt 14,1% so với con số 12,9% của năm 2018.

Nếu chỉ tính kim ngạch xuất nhập khẩu sang 2 thị trường mới chưa có FTA là Canada và Mexico thì trong năm 2019 Việt Nam xuất siêu hơn 5 tỉ USD, tương đương 50% tổng giá trị xuất siêu của Việt Nam. Đây cũng chính là hai đối tác có quan hệ FTA mới. Xuất khẩu sang Canada tăng 29,8%, Mexico tăng 26,3%. Trong 6 nước đối tác, xuất khẩu sang Nhật Bản chiếm tỷ lệ cao nhất trong tổng xuất khẩu của Việt Nam chiếm 8,4%, đứng thứ hai là Canada là 1,6%.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Công Thương, thị phần hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tại các nước đối tác CPTPP phần lớn còn thấp. Trong đó, cao nhất là tại Nhật Bản (chiếm 2,8%) và thấp nhất là Mexico (chiếm 0,6%). Thị phần hàng Việt Nam tại các thị trường khác lần lượt là: 1,6% tại Australia, 1,3% tại Newzealand, 0,9% tại Singapore và Canada là 0,8%. Do vậy, cơ quan này cho rằng vẫn còn nhiều tiềm năng để tăng trưởng xuất khẩu, nâng cao thị phần tại thị trường các đối tác này.

Bộ Công Thương cho biết trong năm 2019, Việt Nam đã cấp 21.163 C/O mẫu CPTPP cho hàng hóa Việt Nam xuất khẩu đi các nước thuộc hiệp định với tổng giá trị hàng hóa gần 600 triệu USD. Trong đó, Canada và Mexico là hai thị trường mới có FTA với Việt Nam có tỷ lệ sử dụng C/O mẫu CPTPP cao nhất trong số các nước thành viên. Các nước còn lại đã có quan hệ FTA (thậm chí như Nhật Bản đã có hai hiệp định FTA với các nước ASEAN và Việt Nam trước Hiệp định CPTPP) nên doanh nghiệp có thể sử dụng các mẫu C/O trong các FTA khác.

Khung khổ pháp lý nhiều lĩnh vực được hoàn thiện

Bộ Công Thương nhìn nhận việc thực thi các cam kết CPTPP đã giúp Việt Nam hoàn thiện được khung khổ pháp lý trong nhiều lĩnh vực. Cụ thể, về môi trường, hiện nay Việt Nam đang xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo vệ môi trường có tính đến các yêu cầu của công tác hội nhập kinh tế quốc tế.

Về lao động, để thực thi cam kết CPTPP, Chính phủ đã xây dựng và trình Quốc hội thông qua Bộ luật Lao động 2019 đảm bảo tính tương thích với các tiêu chuẩn lao động quốc tế; xây dựng hồ sơ trình phê chuẩn 2 Công ước cơ bản của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) là Công ước số 98 về áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể và Công ước số 105 về Xóa bỏ lao động cưỡng bức và đã được Quốc hội phê chuẩn.

Về sở hữu trí tuệ, năm 2019, Chính phủ đã hoàn tất các thủ tục để Việt Nam gia nhập Thỏa ước La-Hay về Đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp (ngày 30.9. 2019, Việt Nam đã trở thành thành viên thứ 61 tham gia Thỏa ước La-Hay). Đồng thời, ngày 14.6.2019, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật số 42/2019/QH14 bổ sung, sửa đổi một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ nhằm thực thi cam kết về các lĩnh vực này trong Hiệp định CPTPP.

Về mua sắm của Chính phủ và thương mại điện tử, Bộ Công Thương cho biết đến nay, các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực thi các lĩnh vực này bao gồm Nghị định hướng dẫn riêng về các gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiệp định CPTPP và chỉ dành cho các nước CPTPP và Nghị định hướng dẫn Luật An ninh mạng vẫn đang trong quá trình hoàn thiện để chuẩn bị ban hành. Do các văn bản bản quy phạm pháp luật này chưa ban hành và có hiệu lực nên hiện ta chưa đánh giá kết quả thực hiện đối với các lĩnh vực này.

Hiệp định CPTPP

Cho đến nay, Quốc hội, Chính phủ, các Bộ ngành đã ban hành 15 văn bản pháp luật để thực thi Hiệp định CPTPP, bao gồm: 2 Luật, 3 Nghị định, 9 Thông tư, 1 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Chỉnh phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành tiếp tục tiến hành rà soát các văn bản pháp luật hiện hành hoặc ban hành mới để bảo đảm sự tương thích với Hiệp định CPTPP. Cụ thể, Bộ Tư pháp đang chủ trì xây dựng báo cáo nghiên cứu, rà soát tính tương thích của Bộ luật Hình sự năm 2015 với Hiệp định CPTPP, xây dựng Kế hoạch chi tiết về sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự năm 2015 theo cam kết của Hiệp định CPTPP, và xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 2015. Trong khi đó, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang xây dựng các Nghị định hướng dẫn Bộ luật lao động sửa đổi...

Tuyết Nhung
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại cầm quyền Dominicana
3 giờ trước Sự kiện
Theo Đặc phái viên TTXVN, trong chương trình thăm chính thức Cộng hoà Dominicana, ngày 21.11 (giờ địa phương), tại thủ đô Santo Domingo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại (PRM) cầm quyền, Thị trưởng Thành phố Santo Domingo - bà Carolina Mejia.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hiệp định CPTPP: Thị phần hàng hóa Việt Nam tại các nước còn thấp