Do nhiều năm làm quyền thần, dùng các thủ đoạn để đánh bại các đối thủ chính trị nên Hồ Quý Ly thường quen tay đem áp dụng các biện pháp đó để đối phó với các thủ đoạn của nhà Minh.
Kỳ 1: Cha ông ta từng chỉ huy liên quân Đông Nam Á chống lại phương Bắc
Kỳ 2: Đinh Tiên Hoàng tự coi là cửa trên khiến phương Bắc bực dọc
Kỳ 3: Sứ giả phương Bắc bị hù dọa không dám bước chân vào nước ta
Kỳ 4: Vua Tống chém tướng kiếm chuyện ngoài biên giới để làm vui lòng Đại Việt
Kỳ 5: Vua Tống sợ trái ý Ngọa Triều nhà Lê
Kỳ 6: Đại Việt tặng ngựa, nhà Tống thất kinh
Kỳ 7: Hai nhà sư Việt bẻ gãy dã tâm của phương Bắc
Kỳ 8: Chính sách gả công chúa để phá âm mưu của phương Bắc
Kỳ 9: Khi nhà Tống lấn đất, ông cha ta sẵn sàng tuốt gươm
Kỳ 10: Trước Lý Thường Kiệt, quân ta nhiều lần Bắc phạt sang đất Tống
Kỳ 11: Chư hầu của Đại Việt uy hiếp nhà Tống, vua Lý toan động binh
Kỳ 12: Lý Thường Kiệt dùng vũ lực lấy lại đất yết hầu vùng biên trong tay quân Tống
Kỳ 13: Sợ Lý Thường Kiệt bắc phạt lần 2, vua Tống tính cắt đất
Kỳ 14: Bị áp lực từ biên giới, vua Tống phải nghiến răng trả đất
Kỳ 15: Lý Thường Kiệt dùng tù binh mở cho vua Tống con đường thể diện
Kỳ 16: Muốn nhà Tống trả đất, không thể dùng lý lẽ suông
Kỳ 17: Nhà Trần dẫn quân Bắc phạt, vua Tống vừa sợ vừa mừng
Kỳ 18: Nhà Trần 4 lần trói sứ giả Mông Cổ vì tội uốn lưỡi cú diều
Kỳ 19: Đại Việt Nguyên Mông thông hiếu, nhà Tống sợ hãi cầu thân
Kỳ 20: Nhà Trần dùng kế trừng trị các quan Đạt lỗ hoa xích
Kỳ 21: Ba đời vua Trần và 12 lần cự tuyệt nhà Nguyên
Kỳ 22: Nhà Trần kiên quyết không làm lính đánh thuê cho Nguyên Mông
Kỳ 23: Nhà Nguyên đòi vũ khí tối thượng, vua Trần từ chối
Kỳ 24: Căng thẳng đấu tranh trong lễ nghi triều kiến giữa nhà Trần và Nguyên Mông
Kỳ 25: Tranh cãi về chữ tín trong việc xử tù binh nhà Nguyên
Kỳ 26: Trò hề của sứ Nguyên sau khi thua trận
Kỳ 27: Nhà Trần tung tình báo, sẵn sàng phương án đánh sang đất Nguyên
Kỳ 28: Nhà Trần mang 3 vạn quân đánh sang đất Nguyên, bắt hai ngàn tù binh
Kỳ 29: Dùng áp lực quân sự ép nhà Nguyên trong cơn nguy loạn
Kỳ 30: Sứ giả nước ta cư xử đàng hoàng hơn sứ giả phương Bắc
Kỳ 31: Về chuyện Hậu duệ vua Trần xưng làm hoàng đế Đại Hán
Kỳ 32: Trung Nguyên chiến loạn khốc liệt, nhà Trần cử người sang xem
Kỳ 33: Đến lượt nhà Minh đòi lính đánh thuê, nhà Trần từ chối
Kỳ 34: Hồ Quý Ly và 2 lần diễn kịch hòng che mắt nhà Minh
Hồ Quý Ly là nhân vật lịch sử còn gây nhiều tranh cãi. Các sử gia sau này rất chê trách việc Hồ Quý Ly là thần tử mà lại tìm cách giết vua (xúi Trần Nghệ Tông truất ngôi giết Trần Phế Đế, sau lại ép Trần Thuận Tông thoái ngôi rồi cho người giết), đoạt ngôi. Ngoài ra, việc Hồ Quý Ly sau này theo hàng nhà Minh cũng bị lên án rất nhiều. Tuy nhiên, trong thời gian chấp chính bao gồm cả thời gian làm vua và Thái Thượng hoàng thì Hồ Quý Ly tỏ ra là người có chính sách ngoại giao độc lập, cứng rắn với phương Bắc, thậm chí sẵn sàng dùng thủ đoạn dĩ độc trị độc với phương Bắc.
Sau màn kịch tráo ngôi như đề cập trong phần trước, Hồ Quý Ly cho người đi sứ nhà Minh. Vua Minh Thành Tổ phong Hán Thương làm An Nam quốc vương. Tuy vậy, nhà Minh vẫn tìm cách câu kết với Chiêm Thành để gây bất lợi cho Đại Ngu. Chủ trương của Hồ Quý Ly là nếu phát hiện quân Minh ở phía Nam thì cứ việc thẳng tay trừng trị chứ không phải kiêng dè gì cả. Nếu quan binh mà nhân nhượng thì phải xử phạt.
Khâm định Việt sử thông giám cương mục chép: Người Chiêm Thành cầu cứu với nhà Minh, nhà Minh dùng 9 chiếc binh thuyền vượt biển sang cứu, gặp đạo quân của bọn Nguyên Côi, người nhà Minh bảo Nguyên Côi rằng: "Nên rút quân về ngay, không nên ở lại nữa". Khi bọn Nguyên Côi về đến kinh thành, Quý Ly quở trách về tội không sao giết hết được quân nhà Minh, còn Nguyên Trác vì trái tướng lệnh, nên phải tội đày làm lính.
Ngoài việc câu kết với Chiêm Thành thì nhà Minh còn nhân cơ hội nước ta đổi triều đại để tung người sang nói là điều tra hư thực việc nhà Trần hết hậu duệ như lời Hồ Quý Ly hay không. Thực ra, đây là âm mưu tìm cách tung gián điệp vào dò la tình hình nước ta, cài cắm nội ứng. Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Sứ thần nhà Minh đi lại nước ta như mắc cửi, nào yêu cầu, nào hạch sách, Hán Thương phải khổ sở về sự ứng tiếp”.
Trong đám gián điệp đó, đáng ngại nhất là những hoạn quan Việt gian. Thời cuối nhà Trần suy vi, nhà Minh cậy thế bắt nhà Trần nộp một số đàn ông đã thiến để chúng dùng làm nội quan, tức quan hoạn, phục vụ chúng. Một số hoạn quan này sau khi sang phương Bắc đã bị mua chuộc và thay lòng đổi dạ. Nhà Minh thâm độc cho bọn hoạn quan này gồm những kẻ như Nguyễn Toán, Từ Cá, Nguyễn Tông Đạo, Ngô Tín đi sứ về nước Việt để bọn chúng có điều kiện thăm hỏi thân thuộc họ hàng và bí mật dặn thân thuộc họ hàng rằng: khi quân Minh sang, thì thân thuộc họ hàng tập hợp lại, dựng cờ làm nội ứng, cờ ghi rõ là thân thuộc của nội quan nào. Việc tiết lộ, thân thuộc những tên nội quan này đều bị Hồ Quý Ly bắt hết rồi đem giết đi.
Ngay cả quan ngự sử của nhà Minh sang dò la tình hình thì Hồ Quý Ly cũng không ngại tìm cách thủ tiêu. Trong số sứ mà nhà Minh cử sang điều tra về hậu duệ nhà trần có tay ngự sử Lý Kỳ. Khâm định Việt sử thông giám cương mục chép: Khi Lý Kỳ đã sang qua quan ải, đánh đập những người hộ tống, bắt phải đi thật nhanh cho được đường, không kể gì nhật trình đã định; khi đến quán sứ, lại đi xem xét tình thế khắp nơi rồi trở về. Quý Ly sợ lộ việc sai người đuổi theo để giết đi; lúc theo đến Lạng Sơn, thì Kỳ đã sang qua quan ải bên kia rồi.
Năm 1405, nhà Minh cho sứ sang ép nhà Hồ cắt đất Châu Lộc ở Lạng Sơn cho Minh, Hồ Quý Ly cho Hoàng Hối Khanh làm cát địa sứ đi giải quyết vấn đề. Hoàng Hối Khanh cắt đất nhiều quá, đem tất cả 59 thôn ở Cổ Lâu nộp cho Minh, Hồ Quý Ly tức giận, trách mắng Hoàng Hối Khanh và cho người địa phương ngầm đánh thuốc độc giết những quan lại của Minh tới cai trị vùng này.
Có thể thấy do nhiều năm làm quyền thần, dùng các thủ đoạn để đánh bại các đối thủ chính trị nên Hồ Quý Ly thường quen tay đem áp dụng các biện pháp đó để đối phó với các thủ đoạn của nhà Minh. Hồ Quý Ly sẵn sàng cho quân đánh tan quân nhà Minh trên biển, miễn là không còn người để đối chất sau này. Hồ Quý Ly sẵn sàng cho người đuổi cùng giết tận viên quan ngự sử làm gián điệp của nhà Minh. Hồ Quý Ly sẵn sàng cho người đánh thuốc độc các quan lại nhà Minh cai trị trộm các vùng đất lỡ tay đánh mất.
Các hành động đó chịu nhiều phán xét của hậu thế nhưng phải thừa nhận rằng chúng xuất phát từ động cơ muốn bảo vệ nền độc lập của Đại Ngu. Xét cho cùng, nếu nhà Minh không có những âm mưu thủ đoạn nham hiểm để tìm cách xâm lược nước ta thì Hồ Quý Ly cũng không phải khổ tâm dùng kế lấy độc trị độc như vậy.
A.T