Chính phủ đề nghị chương trình, sách giáo khoa mới được bắt đầu triển khai từ năm học 2019-2020, chậm một năm so với lộ trình quy định tại Nghị quyết 88.

Lùi thời gian áp dụng chương trình, sách giáo khoa phổ thông mới

02/11/2017, 18:12

Chính phủ đề nghị chương trình, sách giáo khoa mới được bắt đầu triển khai từ năm học 2019-2020, chậm một năm so với lộ trình quy định tại Nghị quyết 88.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ phát biểu trước Quốc hội

Chiều 2.11, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về việc lùi thời điểm triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới tại Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28.11.2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Theo đó, Nghị quyết số 88 của Quốc hội yêu cầu từ năm học 2018 - 2019 bắt đầu triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới theo hình thức cuốn chiếu đối với các cấp tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông.

Lộ trình như sau: năm học 2018 - 2019: lớp 1, lớp 6 và lớp 10; năm học 2019 - 2020: lớp 2, lớp 7 và lớp 11; năm học 2020 - 2021: lớp 3, lớp 8 và lớp 12; năm học 2021 - 2022: lớp 4 và lớp 9; năm học 2022 - 2023: lớp 5.

Trên cơ sở Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và nhi đồng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về tình hình thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28.11.2014 của Quốc hội, trong đó có kiến nghị điều chỉnh thời gian áp dụng chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới.

Ủy ban nhận thấy việc xây dựng, thẩm định, thực nghiệm và ban hành chương trình mới còn chậm, chưa bảo đảm theo lộ trình và tiến độ đặt ra. Chương trình các môn học vẫn chưa hoàn thiện nên chưa có cơ sở để biên soạn, thẩm định, thực nghiệm sách giáo khoa và để thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng, tập huấn cho giáo viên; các địa phương chưa có căn cứ để chuẩn bị biên soạn phần nội dung giáo dục của địa phương...

Đặc biệt là sự chậm trễ trong việc chuẩn bị các điều kiện về đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất, mặc dù các nội dung này đã được xác định rất rõ trong Nghị quyết 88. Nội dung kinh phí cũng chưa được xác định đầy đủ, chủ yếu mới tính toán được kinh phí phục vụ các hoạt động ở cấp trung ương, chưa rõ kinh phí của địa phương; nhiều tỉnh sẽ gặp khó khăn trong việc bố trí ngân sách để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.

Theo Tờ trình, Chính phủ đề nghị chương trình, sách giáo khoa mới được bắt đầu triển khai từ năm học 2019 - 2020, chậm một năm so với lộ trình quy định tại Nghị quyết 88.

Theo đó, áp dụng chương trình và sách giáo khoa mới theo phương thức cuốn chiếu ở mỗi cấp học trên phạm vi toàn quốc đối với cấp tiểu học từ năm học 2019 - 2020, đối với cấp trung học cơ sở từ năm học 2020 - 2021 và đối với cấp trung học phổ thông từ năm học 2021 - 2022, không triển khai đồng thời ở lớp đầu của cả ba cấp học như quy định tại Nghị quyết 88.

Về đề nghị nêu trên của Chính phủ, các thành viên Ủy ban đều đồng ý với việc lùi thời gian và thay đổi phương thức triển khai. Tuy nhiên, về thời gian triển khai, đa số thành viên đồng ý với phương án lùi thời gian như trong Tờ trình của Chính phủ.

Theo các đại biểu, Chính phủ đã trình kế hoạch chi tiết triển khai các công việc trong thời gian tới với nội dung công việc, điều kiện thực hiện và lộ trình cụ thể, thể hiện quyết tâm triển khai Nghị quyết 88.

Bên cạnh đó, nếu thực hiện theo phương thức nêu trong Tờ trình, thời gian bắt đầu ở cấp tiểu học chậm 1 năm, cấp trung học cơ sở chậm 2 năm, cấp trung học phổ thông chậm 3 năm và về tổng thể, dù điều chỉnh thời điểm bắt đầu nhưng tổng thời gian triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới vẫn là 5 năm, không tăng kinh phí.

Ngoài ra, cũng có ý kiến cho rằng nếu kéo dài thời gian chuẩn bị hơn nữa sẽ làm giảm động lực và tác động đến tâm thế đổi mới trong ngành giáo dục và xã hội.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng nên cân nhắc về tính khả thi của phương án điều chỉnh lộ trình như đã nêu trong Tờ trình và đề nghị bắt đầu thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới từ năm học 2020 - 2021, chậm lại 2 năm so với lộ trình quy định tại Nghị quyết 88. Lý do là các công việc liên quan đến xây dựng chương trình và sách giáo khoa trong thời gian tới còn nhiều như xây dựng chương trình môn học, hoạt động giáo dục, biên soạn, thẩm định sách giáo khoa và tài liệu; giảng dạy thí điểm, rút kinh nghiệm, điều chỉnh sách giáo khoa và triển khai đại trà...; cần có thời gian cho công tác tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, hoàn thiện cơ sở vật chất; xây dựng phương pháp kiểm tra, đánh giá để bảo đảm tính đồng bộ và chất lượng.

Về dự thảo nghị quyết, do việc điều chỉnh thời gian bắt đầu áp dụng chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới liên quan đến việc sửa đổi nội dung Nghị quyết 88, Ủy ban nhất trí đề nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết sửa đổi, bổ sung khoản 4 điều 2 Nghị quyết 88 để làm căn cứ cho Chính phủ thực hiện.

Về nội dung của dự thảo Nghị quyết, Ủy ban đề nghị Quốc hội và Chính phủ cân nhắc các ý kiến đã nêu ở mục trên để quyết định thời điểm và lộ trình mới thực hiện chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông trong thời gian tới.

Ngoài ra, dự thảo Nghị quyết cần bổ sung nội dung về trách nhiệm của Chính phủ trong việc tổ chức xây dựng và hoàn thiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo Bộ GD-ĐT và các bộ ngành liên quan, các địa phương bảo đảm các nguồn lực cần thiết, không tăng kinh phí thực hiện đề án, nhằm chuẩn bị tốt nhất việc triển khai Nghị quyết 88 theo đúng tiến trình mới được Quốc hội thông qua.

Hoài Phong

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Mục tiêu chống 'vàng hóa' đã thành công, nên bỏ độc quyền vàng miếng SJC
một giờ trước Thị trường và chính sách
Các chuyên gia khẳng định mục tiêu chống "vàng hóa" đã thành công, họ đề xuất bỏ quy định nhà nước độc quyền vàng miếng SJC.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lùi thời gian áp dụng chương trình, sách giáo khoa phổ thông mới