Ảnh hưởng của vụ bê bối Panama Papers (hay còn gọi là Hồ sơ Panama) đang lan rộng sang nước mới nổi, khi giới truyền thông tiếp tục công bố những bằng chứng liên quan đến giới chức cấp cao tại nhiều nước trên thế giới.

Hồ sơ Panama bắt đầu tạo sóng tại các nước Đông Nam Á

11/04/2016, 05:04

Ảnh hưởng của vụ bê bối Panama Papers (hay còn gọi là Hồ sơ Panama) đang lan rộng sang nước mới nổi, khi giới truyền thông tiếp tục công bố những bằng chứng liên quan đến giới chức cấp cao tại nhiều nước trên thế giới.

Sau khi gây ra ảnh hưởng khá tai hại đối với một số nhân vật nổi bật trong giới chính trị gia toàn cầu, những tài liệu thu được từ vụ rò rỉ Panama Papers tiếp tục lan rộng sang các nước mới nổi. Danh sách những người bị nghi ngờ sử dụng “công ty ma” để trốn thuế và rửa tiền tiếp tục được công bố, mở đầu cho các cuộc điều tra tại một số nước, trong đó có các nước tại Đông Nam Á.

Ngày 8.4, Văn phòng chống rửa tiền Thái Lan đã xác định có 16 công dân nước này xuất hiện trong các tài liệu của vụ bê bối, và hiện đang phối hợp với chính quyền Panama để điều tra vụ việc. Phần lớn thông tin về những người Thái Lan liên quan đến Panama Paper không được công bố, do các công ty đều đăng ký một cách hợp pháp. Tuy nhiên, những nhân vật này vẫn có thể che giấu các hoạt động bất hợp pháp và trốn thuế.

Malaysia cũng không nằm ngoài tầm ảnh hưởng của vụ bê bối. Nazifuddin Najib, con trai Thủ tướng Najib Razak bị cáo buộc thành lập 2 công ty tại Virgin Islands. Tuy nhiên, những thông tin về vụ việc này rất hạn chế, khi chính phủ kiểm soát nghiêm ngặt các phương tiện truyền thông, và chỉ cho biết con trai thủ tướng đã phủ nhận vụ việc.

Ngược lại, giới truyền thông Indonesia tự do đăng tải những thông tin về Panama Papers với khoảng 800 người dân quốc đảo Đông Nam Á này có tên trong các tài liệu. Danh sách bao gồm nhiều thành viên trong các công ty, nhưng không có bất kỳ chính trị gia nổi bật nào. Ủy ban chống tham nhũng Indonesia cũng lên kế hoạch mở một cuộc điều tra sau khi vụ bê bối ảnh hưởng đến đất nước.

Đối với việc trốn thuế, chính quyền Jakarta đang cân nhắc thi hành chính sách khoan dung đối với những người nắm giữ tài sản tại nước ngoài nhưng không khai báo. Điều này có thể được thông qua khi trong thời gian tới, bất kỳ người dân Indonesia nào có tài sản ở nước ngoài đều chịu thuế trừng phạt thấp hay thậm chí miễn trừ.

Ở Nam Á, Ấn Độ cũng rơi vào vòng xoáy của vụ bê bối khi có khoảng 500 người liên quan đến vụ việc, trong đó có những diễn viên nổi tiếng hiện là trung tâm của các cuộc tranh luận trên mạng internet. Chính quyền New Delhi cho biết sẽ xem xét vấn đề, nhưng các chính trị gia đối lập yêu cầu Thủ tướng Narendra Modi phải tiến hành một cuộc điều tra rõ ràng, khi cho rằng các nhân vật liên quan là thành viên của đảng cầm quyền.

Trong khi đó, các tài liệu rò rỉ của Mossack Fonseca cũng đề cập đến 200 người Pakistan, gồm cả thủ tướng chính phủ và các thành viên gia đình ông. Theo hãng tin Newsweek, Thủ tướng Nawaz Sharif và con trai đã thành lập ít nhất 4 “công ty ma” tại Virgin Islands (Anh), qua đó sở hữu những bất động sản ở London.

Ngược lại với những thông tin từ Panama Papers, Bộ trưởng Thông tin Pakistan Pervaiz Rashid cho biết thủ tướng nước này không sở hữu bất kỳ tài sản nào ở nước ngoài, còn con trai thủ tướng thành lập công ty đúng theo quy định của nước này. Tuy nhiên, các thành viên trong gia đình của nhà lãnh đạo này lại có mặt trong những tài liệu rò rỉ của công ty luật Mossack Fonseca tại Panama.

Căng thẳng nhất có lẽ là ở Argentina. Giới chức Argentina đang điều tra Tổng thống Mauricio Macri với cáo buộc trốn thuế thông qua các “công ty ma” tại Bahamas và Panama. Tuy nhiên, trong cuộc họp báo hôm 7.4, Tổng thống Argentina cho biết ông Macri có những hoạt động phù hợp với pháp luật và không che giấu bất cứ khoản tài chính nào. Nhưng các thành viên trong gia đình của ông lại có mặt trong những tài liệu rò rỉ của công ty luật Mossack Fonseca tại Panama.

Ngược lại với quốc gia láng giềng Argentina khi vụ bê bối chỉ liên quan đến giới doanh nhân, các chính trị gia của 7 đảng phái khác nhau ở Brazil, kể cả đảng Phong trào Dân chủ Brazil vừa rút khỏi liên minh cầm quyền vào cuối tháng 3.2016, đang trở thành tâm điểm tại quốc gia này. Tuy nhiên, không có thành viên đảng Công nhân của Tổng thống Dilma Rousseff trong các tài liệu. Cơ quan thuế Brazil có kế hoạch sẽ xử phạt mạnh tay đối với những ai có tài sản không khai báo ở nước ngoài.

Ngoài ra, Trong một hồ sơ vừa được công bố, 2 luật sư Azerbaijan đã đề nghị trong email trao đổi với công ty luật Mossack Fonseca rằng tên người con của Tổng thống llham Aliyev sẽ được đặt cho một tập đoàn kinh tế lớn. Người con này sẽ sở hữu phần lớn cổ phần trong tập đoàn thông qua các công ty tại Panama và Anh. Ngoài ra, hồ sơ còn tiết lộ người gái của Tổng thống Azerbaijan cùng một số người khác sẽ có nhiều lợi ích tại một mỏ vàng, trong dự án được chính quyền Baku phê duyệt vào năm 2006.

Hàn Giang (theo Nikkei Asian Review)

*Ảnh: Nazifuddin Najib và cha là Thủ tướng Malaysia Najib Razak

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
2 giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hồ sơ Panama bắt đầu tạo sóng tại các nước Đông Nam Á