Việc học ĐH hay học Cao đẳng, học nghề trong những năm gần đây luôn là đề tài bàn tán sôi nổi khi mùa tuyển sinh về.

Học ĐH không phải là tất cả nhưng giúp tiếp cận công việc yêu thích dễ dàng hơn

Dạ Thảo - Ảnh: Thành Chung | 27/07/2023, 20:15

Việc học ĐH hay học Cao đẳng, học nghề trong những năm gần đây luôn là đề tài bàn tán sôi nổi khi mùa tuyển sinh về.

Lựa chọn học nghề hay học ĐH: Không có phương án tối ưu

Có rất nhiều học sinh và cả phụ huynh đều đặt ra câu hỏi "Có cần thiết phải học đại học (ĐH) không?" vì đến cuối cùng, quan trọng nhất vẫn là ra trường kiếm được việc làm và kiếm tiền.

Trao đổi với phóng viên, em Nguyễn Quốc Hiệp (Thanh Hóa) cho biết bản thân em năm nay được điểm khá cao khi thi tốt nghiệp THPT 2023 và có khả năng đỗ vào 3-4 trường ĐH có danh tiếng. Tuy nhiên gia đình vẫn khuyên em nên chọn học nghề vì học phí ĐH khá cao và ra trường chưa chắc đã có việc làm ngay.

"Bố mẹ em bảo học ĐH bây giờ rất tốn kém, bố mẹ nhà em làm nông nên không thể nuôi cả 3 anh em ăn học ĐH được, em là anh cả, đỗ ĐH đầu tiên bố mẹ bảo có thể lựa chọn học nghề để ra trường sớm còn phụ giúp nuôi em với bố mẹ. Em chắc sẽ lựa chọn học trường cao đẳng nghề nào đó thiên về điện tử, điện lạnh hoặc kỹ thuật để có việc sớm, phụ giúp gia đình. Chứ học ĐH bây giờ một năm bố mẹ bảo khoảng hơn 100 triệu chi phí, học tới 4-5 năm thì khó khăn lắm" - em Hiệp chia sẻ.

Theo các nhà tuyển dụng ở các công ty từ xuất nhập khẩu hay các công ty chuyên ngành về kỹ thuật, xây dựng... thì họ đều đưa ra lý do học ĐH giúp chính các bạn sinh viên nâng cao kiến thức, kỹ năng của mình trong một lĩnh vực cụ thể. Và điều quan trọng nhất, việc học ĐH giúp học sinh có những cơ hội nghề nghiệp tốt hơn, được trả lương cao hơn so với những người học CĐ hoặc học nghề.

Ông Hoàng Thế Lực - Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư xây dựng nội thất và thương mại Hoàng Gia chia sẻ: "Công ty chúng tôi chuyên về thiết kế và xây dựng, dù rất cần những bạn hiểu việc, biết việc nhưng những sinh viên tốt nghiệp ĐH các khối chuyên ngành thì chúng tôi vẫn đánh giá cao hơn và cho làm các công việc về quản lý, phát triển thị trường thậm chí có thể an tâm giao việc mà không cần phải dặn dò quá nhiều. Tôi đánh giá cao tay nghề các bạn học ở các trường nghề ra để làm việc được luôn, nhưng ở một góc độ nào đó khi tuyển nhân viên, tôi vẫn xem bằng cấp để sắp xếp nhân sự một cách phù hợp. Việc học ĐH giúp cho các bạn sinh viên phát triển những kỹ năng như tư duy phản biện, giao tiếp và làm việc nhóm. Nếu bạn muốn theo một nghề nghiệp cụ thể, học ĐH có thể giúp cho bạn trở thành chuyên gia trong lĩnh vực đó mà không tốn quá nhiều công sức, thời gian để đào tạo lại khi nhận việc".

z4415442497507-8268a9213021227aed1274d4e6645487-4838.jpg
Học ĐH không phải là tất cả nhưng nó giúp các sinh viên tiếp cận công việc mình yêu thích một cách dễ dàng hơn

Cũng theo các chuyên gia giáo dục, hiện nay lao động việc làm của Việt Nam so với các nước trong khu vực còn khá thấp, chính vì thế cần đào tạo phát triển giáo dục đại học để có thể ứng dụng vào các công nghệ mới tốt hơn, phù hợp với sự phát triển khoa học công nghệ thời đại mới.

Liên quan đến việc nên chọn học ĐH hay học trường Cao đẳng, trường nghề - TS Phạm Như Nghệ, Phó Vụ trưởng vụ Giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT cho rằng, trước khi đưa ra sự lựa chọn, thí sinh, phụ huynh cần hiểu rõ, hiện nay, thị trường lao động Việt Nam thiếu cả nhân lực tốt nghiệp đại học và nhân lực tốt nghiệp cao đẳng, trường nghề. Tuy nhiên học trường nghề, cao đẳng hay học ĐH đều có ưu, nhược điểm riêng.

"Nhược điểm của bậc đại học (học mất nhiều thời gian - PV) chính là ưu điểm của bậc trung cấp nghề (học ít thời gian, mau có việc làm - PV). Tuy nhiên, các thí sinh và phụ huynh cần đặc biệt lưu ý, ở thị trường lao động Việt Nam cần cả những em tốt nghiệp ĐH và cả những em tốt nghiệp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Các em có kiếm được việc làm hay không, việc làm có tốt không, thu nhập có cao hay không, ngoài thang bảng lương như đã nói ở trên, còn phụ thuộc vào chính bản thân các em. Năng lực làm việc của các em có đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động hay không. Do đó, dựa vào những ưu nhược điểm của các bậc học như đã nói ở trên, người học phải tự lựa chọn cho mình hướng đi phù hợp nhất với mình. Không có phương án nào là ưu điểm tuyệt đối" - TS Phạm Như Nghệ cho hay.

Học ĐH không phải là tất cả nhưng sẽ là điểm 'mấu chốt' để xin việc tốt

Học ĐH không phải là con đường duy nhất để dẫn đến thành công, đó là điều không thể phủ nhận; sẽ có những con đường khác tốt hơn nếu như các bạn sinh viên đam mê, xác định mục tiêu của bản thân và vạch ra đúng lộ trình của mình.

Thạc sĩ Bùi Kim Ái - chuyên gia tuyển dụng hãng hàng không Hàn Quốc tại Việt Nam cho rằng có rất nhiều người cứ nói công việc của họ hiện tại không cần sử dụng đến các kiến thức đã học ĐH, hay thậm chí họ ra trường xin việc làm mà không dùng bằng ĐH, như vậy là chưa đúng.

"Họ không thể hiểu được rằng nhờ tấm bằng ĐH đó mà họ mới có được công việc hiện tại khá tốt, nhiều người cứ đánh giá thời gian học ĐH là lãng phí nhưng tôi cho rằng như vậy là không đúng vì chính trong các trường ĐH các thầy cô giáo dạy tư duy cho học sinh. Các học sinh dù có ra trường không làm việc này cũng làm việc khác nhưng tư duy của họ thì tích lũy từ các kiến thức cơ bản khi học ĐH. Kể cả việc học ĐH có mối quan hệ tốt với bạn bè hay chính mối quan hệ trong kinh doanh sẽ phát triển công việc thuận lợi hơn. Người nào không có mối quan hệ tốt thì đương nhiên công việc không được thuận lợi. Học ĐH không phải là tất cả nhưng nhờ việc học ĐH sẽ giúp các bạn tiếp cận được công việc mình yêu thích một cách dễ dàng hơn" - bà Kim Ái chia sẻ.

Cũng theo thầy giáo Đinh Đức Hiền - giáo viên Sinh học tại Hà Nội cho biết hiện nay các trường ĐH có các sinh viên theo học lựa chọn đúng ngành nghề rất cao, chứng tỏ các em cũng như phụ huynh đã tìm hiểu rất kỹ về năng lực, bằng cấp cũng như giá trị thành công của việc theo học ĐH.

Trong bối cảnh hiện hội nhập xã hội hiện nay, khi các nhà đầu tư nước ngoài đua nhau rót tiền vào các dự án lớn, các nhà đầu tư vẫn rất cần những sinh viên tốt nghiệp các trường ĐH lớn để làm quản lý, vận hành trước rồi mới tìm đến các công nhân lành nghề. Có thể nói người trẻ học ĐH ra có nhiều người khó khăn khi đi xin việc nhưng vẫn có rất nhiều người thành công sớm hơn so với việc không theo học ĐH hoặc học một cách bài bản.

Theo PGS.TS Trần Thành Nam (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng dù học nghề hay học ĐH thì chính các sinh viên hãy tự biến mình thành người lao động có trình độ cao, đáp ứng thực tiễn thị trường lao động. Dù học ĐH hay học nghề thì bản thân người học luôn luôn cần học thực để có năng lực thực thì mới có thể tích lũy kiến thức, kinh nghiệm để dễ dàng có được việc làm phù hợp trong tương lai.

"Để tồn tại và phát triển nghề nghiệp một cách bền vững thì chính các sinh viên hay các lao động đến độ tuổi cần bổ sung cho mình những kỹ năng tư duy bậc cao, các năng lực cảm xúc xã hội đặc trưng của con người; cập nhật các kỹ năng công nghệ thông tin để có thể thích ứng linh hoạt với mọi sự biến đổi của bối cảnh xã hội và thị trường lao động. Xác định mục tiêu học tập cụ thể, tham gia vào các khóa học nhỏ có cấp chứng chỉ bên ngoài chương trình chính khóa và tích cực tham gia các hoạt động xã hội để tích lũy thêm kinh nghiệm cho mình. Các bạn hãy tự biến mình thành con người có tư duy, có năng lực học tập suốt đời thì dù học ĐH hay cao đẳng hay học nghề các bạn cũng đã trang bị cho bản thân những hành trang tốt nhất trong cuộc đời mình" - ông Nam phân tích.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyển đổi số xanh Hải Phòng: Thách thức và cơ hội
một giờ trước Nhịp đập khoa học
Ngày 22.11, UBND TP.Hải Phòng và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số – Hải Phòng 2024 với chủ đề “Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Học ĐH không phải là tất cả nhưng giúp tiếp cận công việc yêu thích dễ dàng hơn