Chiều 26.8, tại TP.HCM, Bộ GD-ĐT tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm học mới đối với khối giáo dục ĐH.
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết hiện nay cả nước có 170/174 cơ sở giáo dục đại học công lập đã thành lập Hội đồng trường và đi vào hoạt động (đạt tỷ lệ 97,4%). Năm 2023, số thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT trên cả nước là 1.002.100; số thí sinh đăng ký xét tuyển vào đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non (bằng 65,90% số thí sinh dự thi), với tổng số gần 3,4 triệu nguyện vọng.
Số thí sinh thi tốt nghiệp THPT năm nay giảm nhưng lượng đăng ký xét tuyển đại học tăng 4,56% so với năm 2022. Trong khi đó, năm nay, số thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT thấp hơn năm ngoái, chỉ khoảng 900.000 em thi nhưng lại có đến 660.258 lượt đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng với tổng số nguyện vọng là 3.396.325 (cao hơn khoảng 300.000 nguyện vọng so với 2022). Tuy nhiên, khó khăn nhất đối với các trường ĐH hiện nay chính là vấn đề thực hiện tự chủ tài chính cũng như các chính sách đi kèm.
Chia sẻ tại hội nghị, hiệu trưởng trường ĐH Y Hà Nội Nguyễn Đình Tú cho biết hiện nay các trường ĐH rất khó khăn trong việc thực hiện tự chủ, đặc biệt là các trường mới tự chủ gần đây, khó khăn cứ chồng chất khó khăn. Giáo dục chưa có nghị quyết riêng để phát triển đại học nên vẫn chưa thể đẩy mạnh việc tự chủ trong chuyển đổi số.
Còn ông Lê Quang Sơn, Phó Giám đốc ĐH Đà Nẵng đưa ra nhận định, đa phần các trường ĐH hiện nay tự chủ hay không tự chủ đều gặp khó khăn về mặt tài chính.
“Tôi cho rằng một công văn của Bộ GD-ĐT gửi Chính phủ không mạnh bằng ý kiến của tất cả các trường gửi lên. Về phía các trường, chúng tôi sẵn sàng cùng với Bộ GD-ĐT kiến nghị để có thể tăng học phí từ đó có nguồn đảm bảo chất lượng giảng dạy, có nguồn để thực hiện nhiệm vụ được giao. Nếu không có đầu tư thích đáng thì không thể nâng cao chất lượng giáo dục” - ông Sơn chia sẻ.
Ông Sơn cũng khẳng định hiện nay, đa phần các trường đều cố gắng mở rộng quy mô để lấy số lượng bù vào chất lượng. "Chúng ta đang phát triển trường theo kiểu mở rộng, chứ không phải đào sâu. Chúng tôi vẫn luôn nói cách làm này chẳng qua là cách mình ăn thịt chính mình. Trường đầu tư quá nhiều sức lực, mở rộng quy mô đào tạo để có tiền, trong khi chất lượng không được nâng lên, về lâu dài điều này cực kỳ nguy hiểm” - ông Sơn thẳng thắn cho hay.
Các ý kiến của các trường đều tập trung vào việc đề nghị Bộ GD-ĐT hoàn thiện, điều chỉnh luật và quy định liên quan với nhau đang tạo sự khó khăn trong việc thực hiện tự chủ ở các trường ĐH.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn ghi nhận, đánh giá cao sự chủ động, nỗ lực cố gắng và trách nhiệm của các cơ sở giáo dục ĐH trong thực hiện các nhiệm vụ năm học vừa qua và nêu các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá của giáo dục ĐH năm học 2023-2024. Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh, phải xây dựng văn hóa, chất lượng trong giáo dục đại học, lấy chất lượng làm nền tảng.
Các trường cần nâng cao nhận thức và quản trị việc đào tạo sinh viên, chú trọng đào tạo chiều sâu để cung ứng ra thị trường những sinh viên chất lượng. Cần triển khai toàn diện các giải pháp bảo đảm chất lượng trong tuyển sinh, đào tạo, nghiên cứu để từ đó gắn kết chặt chẽ nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực với phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.