Hội chữ Xuân Kỷ Hợi vừa khai mạc tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội, khai mở một mùa lễ hội rộn ràng của chữ, và cả của những hẹn hò văn nhân, bạn hữu.

Hội chữ ngày xuân: Tờ xanh trên giấy đỏ, lại nhớ ông đồ xưa

Hoàng Hương - CTV anh Duy Thông | 01/02/2019, 12:13

Hội chữ Xuân Kỷ Hợi vừa khai mạc tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội, khai mở một mùa lễ hội rộn ràng của chữ, và cả của những hẹn hò văn nhân, bạn hữu.

Vài năm gần đây, Hội chữ được Văn Miếu Quốc Tử Giám đứng ra tổ chức gọn gàng, quy củ và khá đẹp mắt trong khu vực Hồ Văn.Mọi thứ trật tự và dường như đẹp đẽ hơn, nhưng cũng “ít nghệ thuật hơn” như lời than phiền của “thầy đồ”, nhà thư pháp Tiền vệ Lê Quốc Việt. “Phố ông đồ ở vỉa hè xưa, tuy có xô bồ, lộn xộn, nhưng những gì tự phát, hồn nhiên nơi góc phố vỉa hè như thế thì mới là của dân”, anh Lê Quốc Việt trầm ngâm.

Nổi tiếng trong giới thư pháp Hán Nôm ở Hà Nội, một trong những người mở triển lãm thư pháp đầu tiên, Lê Quốc Việt ít khi ra viết “kiếm ăn” ở Phố ông đồ trên vỉa hè dọc bờtường Văn Miếu trên phố Quốc Tử Giám xưa kia và Hội chữ Xuân ở Hồ Văn mấy năm gần đây, nhưng năm nay anh cũng có một gian viết chữ tại Hội chữ, như một chỗ hò hẹn bạn bè ngày xuân.

Là người chấm khảo tuyển các ông đồ năm nay và chủ trì triển lãm thư pháp, nhưng anh Lê Quốc Việt (biệt danh Việt Tầu, Việt răng đen) thẳng thắn nhận định về Hội chữ nay và cả Phố ông đồ xưa: “Đây không phải là chỗ bán kim cương, đá quý”. Anh bảo, nó chỉ là chỗ bán mua, kiếm ăn phần nhiều lộn xộn.

Mặc cho khung cảnh Hội chữ được thiết kế khá đẹp mắt với các gian viết chữ bằng tranh tre, những gian tư đình cột gỗ, mái ngói cổ kính, cùng nhiều không gian tái hiện khung cảnh làng quê truyền thống rất ấn tượng với mái đình, ao quê, đống rơm, lơm, rọ bắt cá, quán hàng nước, đèn lồng, nón quai thao... các ông đồ được khảo tuyển, thi đầu nghiêm túc, nhưng nhà thư pháp Lê Quốc Việt nói “tất cả chỉ là giả truyền thống”, từ người cho chữ cho đến người xin chữ.

Nhà thơ Văn Thùy, dù được Lê Quốc Việt đánh giá là “tinh túy”, là người viết chữ cho cuộc đời từ những chắt lọc của cả cuộc đời đầy thăng trầm và vượt thoát của mình, nhưng thi sĩ già lại chỉ dám nhận, ông ra “chợ” viết chữ là một cái nghề để nuôi cái nghiệp thơ phú “giời đày” của ông.

Thi sĩ Văn Thùy viết thư pháp quốc ngữ, ông gọi là “thư pháp ta”. Ông là 1 trong 8 “thầy đồ” được ban tổ chức mời tham gia Hội chữ xuân năm nay. Là khách mời, ông không cần phải trả tiền thuê lán viết chữ như các ông đồ khác, lại được ưu ái dành riêng cho một lán chứ không phải hai thầy đồ ngồi chung một lán như các ông đồ khác. Hội chữ không chỉ là nơi xin - cho chữ, nó còn là nơi hò hẹn bàn bè ngày xuân, ông cần không gian đủ cho bạn bè đông đúc của mình. Hội chữ còn có chút gì đẹp đẽ nhất, thì có lẽ chính là những hò hẹn bạn hữu, văn nhân của nhiều giới, từ giới thư pháp, tới văn thơ, hội họa.

Bói toán, phù phép vào chữ

Nói về chuyện đi xin chữ của người dân, một thầy đồ trong ban chấm khảo tuyển các thầy đồ khác tỏ ra rất ngao ngán. Thầy đồ này không tham gia viết chữ ở Hồ Văn, chỉ viết chữ trong Văn Miếu vào mấy ngày Tết, “ăn lương” của Ban quản lý Văn Miếu Quốc Tử Giám. Anh tiết lộ, vì trong Văn Miếu giá rẻ hơn, chỉ 100.000 đồng cho một chữ so với 150-200.000 đồng của các ông đồ ở Hội chữ Hồ Văn, lại chỉ mở đúng mấy ngày Tết chứ không kéo dài như ở Hội chữ, nên khách xin chữ rất đông. Anh cho biết mỗi ngày anh viết tới 400 chữ, và có 15 thầy đồ cũng viết như anh.

Ban tổ chức đã rất nhanh nhạy dựng lên để cho thuê check-in với giá 10 ngàn đồng một lượt

Viết 400 chữ một ngày, ai xin gì anh viết chữ đó, có người muốn nhờ anh đoán tâm tính tự cho chữ thì anh mới tự cho. Nhưng cũng có những năm anh từng từ chối không viết chữ mà khách xin. Đó là năm mà, từ lời “sấm truyền” của một anh đồ vốn xuất thân từ một anh sửa xe máy rằng năm đó mọi người nên xin chữ “An Thịnh Phát”, vậy là ngùn ngụt người đến xin anh ba chữ đó. Viết được cho 2-3 người thì anh “phát rồ” vì mấy chữ chẳng lý lẽ gì ấy và nhất quyết từ chối không viết những chữ đó cho bất cứ ai yêu cầu nữa.

Lại có chuyện, nhiều người đi xin chữ không xin những chữ nghĩa đơn thuần mà muốn xin cả những “phù phép” trong chữ. Và vì người ta không chỉ mua chữ nghĩa mà muốn mua cả những “phép thuật” trong chữ nghĩa mà người ta rất tin theo nên họ sẵn sàng trả cho thầy đồ có “ma thuật” với chữ nghĩa này bằng giá tiền cao hơn tới 5 thậm chí 10 lần với giá bình quân khoảng 150.000 đồng ở Hội chữ. “Đó không phải là thư pháp mà là ông ấy xem bói, phù phép và chữ, điều không mấy ai làm được, và lại được rất nhiều người mê”, nhà thư pháp Lê Quốc Việt nói về thầy đồ “đắt giá” nhất ở Hội chữ Xuân bây giờ và Phố ông đồ những năm trước.

Nhiều người đến Hội chữ để du xuân, hẹn hò bạn bè

Thừa nhận ông đồ già này là người từng trải, học vấn cao, nhưng tất cả những thứ đó chẳng mang được vào trong thư pháp của ông. Nhưng chữ nghĩa được phù phép lại hấp dẫn nhiều người thích tin ở những phép thuật nhiệm mầu. Ngày khai mạc Hội chữ Xuân hôm 29.1, nhiều lán viết còn trống vì các ông đồ biết là chưa có nhiều khách những ngày này, những người có mặt chỉ lác đác có khách xin chữ, riêng “ông đồ thầy bói” thì người xin chữ phải xếp hàng đợi. Lại có những người đi theo cả nhóm từ tận Thanh Hóa ra xin những con chữ mầu nhiệm. Lần đầu tiên xin chữ của ông mà họ tâm đắc đến độ, sau khi đã trả 500.000 ngàn đồng cho 1 chữ, họ còn xin biếu thêm bằng đúng số tiền đã trả.

Nhìn cảnh chợ chữ bây giờ, nhiều người “dễ tính” thì thấy nó cũng là một sinh hoạt văn hóa đẹp cho người dân những ngày Tết. Người khó tính hơn thì buồn cho một nét văn hóa xin - cho chữ đẹp đẽ của truyền thống đã bị lệch lạc đi nhiều bởi xô bồ, bán mua.

Hoàng Hương
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
10 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hội chữ ngày xuân: Tờ xanh trên giấy đỏ, lại nhớ ông đồ xưa