Khi Trung Quốc tìm cách tiến lên trong quá trình phát triển robot hình người, chuỗi cung ứng của nước này đã giới thiệu các bộ phận rẻ hơn và sáng tạo hơn tại Hội nghị Robot Thế giới ở thủ đô Bắc Kinh, nhưng một số lãnh đạo cảnh báo rằng ngành công nghiệp này vẫn chưa cải thiện được độ tin cậy của sản phẩm.
Nhịp đập khoa học

Hội nghị ở Bắc Kinh nêu bật sự thay đổi của robot hình người với các bộ phận rẻ và sáng tạo hơn

Sơn Vân 26/08/2024 15:38

Khi Trung Quốc tìm cách tiến lên trong quá trình phát triển robot hình người, chuỗi cung ứng của nước này đã giới thiệu các bộ phận rẻ hơn và sáng tạo hơn tại Hội nghị Robot Thế giới ở thủ đô Bắc Kinh, nhưng một số lãnh đạo cảnh báo rằng ngành công nghiệp này vẫn chưa cải thiện được độ tin cậy của sản phẩm.

Wisson Technology (Thâm Quyến) nổi tiếng với các bộ điều khiển robot linh hoạt, không phụ thuộc vào động cơ và bộ giảm tốc (các thiết bị truyền động thường được sử dụng trong robot) mà thay vào đó sử dụng nhựa in 3D và dựa vào cơ nhân tạo chạy bằng khí nén để cung cấp năng lượng cho robot của mình.

Hình thức sản xuất ít tốn kém hơn này cho phép công ty định giá cánh tay robot linh hoạt của mình ở mức khoảng 1/10 so với cánh tay robot truyền thống, theo Cao Wei, nhà đầu tư vào Wisson Technology thông qua công ty đầu tư mạo hiểm Lanchi Ventures, nơi ông là đối tác.

Công nghệ linh hoạt này sẽ mang lại các cánh tay robot với chi phí khoảng 10.000 nhân dân tệ (1.404 USD), Wisson Technology thông báo trên trang web của mình.

"Cánh tay linh hoạt của Wisson Technology có thể được sử dụng trong robot hình người", Cao Wei cho biết, đồng thời nói thêm rằng công ty đã cung cấp mẫu cho các công ty nước ngoài sản xuất robot hình người, mà không giải thích thêm.

Yi Gang, người sáng lập Ti5 Robot có trụ sở tại thành phố Thượng Hải - công ty chuyên về khớp nối tích hợp, đã nêu bật một số vấn đề mà ông thấy trong chuỗi cung ứng robot.

"Toàn bộ chuỗi cung ứng vẫn cần giải quyết các vấn đề về độ tin cậy của sản phẩm", Yi Gang nhận xét, đồng thời nói thêm rằng do tỷ lệ lỗi nên công ty của ông chỉ có thể sản xuất sản phẩm với số lượng 1.000 cái.

Bánh răng hài hòa (máy móc đóng vai trò quan trọng trong điều khiển chuyển động) là vấn đề chính, ông nói.

Nỗ lực chế tạo robot ở Trung Quốc được hỗ trợ bởi chính sách phát triển "lực lượng sản xuất mới" trong công nghệ của Chủ tịch Tập Cận Bình - một điểm được đề cập trong các tài liệu quảng cáo cho sự kiện tuần trước.

Trên khắp Trung Quốc (thị trường robot công nghiệp lớn nhất thế giới), công nghệ ngày càng tinh vi đang thay đổi diện mạo các ngành công nghiệp truyền thống như sản xuất, ô tô, nông nghiệp, giáo dục cũng như dịch vụ chăm sóc sức khỏe và gia đình.

Gao Jiyang, từng là Giám đốc điều hành công ty khởi nghiệp ô tô tự hành Momenta (Trung Quốc) trước khi thành lập Galaxea AI, cho biết sự phát triển nhanh chóng của lĩnh vực lái xe thông minh đang dẫn đến những tiến bộ trong ngành robot. Galaxea AI là công ty khởi nghiệp tập trung vào phần cứng robot và AI có khả năng biểu đạt.

"Lái xe tự động nghĩa là ô tô được tích hợp AI, cũng là một loại robot", Gao Jiyang cho biết.

hoi-nghi-o-bac-kinh-neu-bat-su-thay-doi-cua-robot-hinh-nguoi-voi-cac-bo-phan-re-va-sang-tao-hon.jpg
Robot hình người của hãng Ex-Robots nháy mắt tại Hội nghị Robot Thế giới ở Bắc Kinh - Ảnh: Reuters

Khi Hội nghị Robot Thế giới kết thúc hôm 26.8, Thủ tướng Trung Quốc - Lý Cường cho biết việc thực hiện các hướng dẫn của Chủ tịch Tập Cận Bình về tầm quan trọng của ngành công nghiệp robot là rất quan trọng.

"Ngành công nghiệp robot có triển vọng rộng lớn và tiềm năng thị trường khổng lồ", ông Lý Cường cho biết, theo hãng thông tấn Tân Hoa Xã.

Mô tả robot là "tiêu chuẩn quan trọng cho đổi mới kỹ thuật và sức mạnh sản xuất cao cấp", ông Lý Cường kêu gọi nỗ lực duy trì sự ổn định và tiến bộ của chuỗi cung ứng trên trường quốc tế.

"Cần phải thúc đẩy việc mở rộng và phổ biến robot trong nhiều lĩnh vực như công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ", Thủ tướng Trung Quốc nhấn mạnh.

Các hãng Trung Quốc bám đuổi Tesla để cung cấp robot hình người thay thế công nhân lắp ráp xe điện

Trung Quốc đang thống trị thị trường ô tô điện. Giờ đây, họ bám đuổi Tesla (Mỹ) trong cuộc đua chế tạo robot hình người chạy bằng pin, dự kiến sẽ thay thế công nhân lắp ráp ô tô điện trên dây chuyền sản xuất.

Tại Hội nghị Robot Thế giới, hơn 20 công ty Trung Quốc đã giới thiệu robot hình người được thiết kế để làm việc trong các nhà máy và nhà kho. Thậm chí nhiều hãng còn trưng bày các bộ phận có độ chính xác cao được sản xuất tại Trung Quốc cần thiết để chế tạo robot hình người.

Nỗ lực của Trung Quốc trong ngành công nghiệp mới nổi bắt nguồn từ công thức đằng sau động lực thúc đẩy ô tô điện ban đầu của nước này hơn một thập kỷ trước: Sự hỗ trợ từ chính phủ, cạnh tranh khốc liệt về giá từ nhiều công ty mới tham gia và chuỗi cung ứng sâu rộng.

"Ngành công nghiệp robot hình người của Trung Quốc cho thấy những lợi thế rõ ràng về khả năng kết nối và quản lý các thành phần của chuỗi cung ứng cũng như sản xuất hàng loạt", Arjen Rao, nhà phân tích tại Viện nghiên cứu LeadLeo có trụ sở tại Trung Quốc, bình luận.

Nỗ lực chế tạo robot được hỗ trợ bởi chính sách phát triển "lực lượng sản xuất mới" trong công nghệ của Chủ tịch Tập Cận Bình, điều được nêu trong các tờ rơi cho sự kiện tuần này.

Thủ đô Bắc Kinh đã giới thiệu quỹ do nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn trị giá 1,4 tỉ USD cho ngành robot vào tháng 1. Trong khi thành phố Thượng Hải công bố kế hoạch thành lập quỹ công nghiệp robot hình người trị giá 1,4 tỉ USD hồi tháng 7.

Các robot được trưng bày tuần này đến từ một số nhà cung cấp Trung Quốc đã đi đầu trong làn sóng ô tô điện, gồm cả nhà sản xuất pin và cảm biến.

Vào tháng 1, ngân hàng đầu tư Goldman Sachs (Mỹ) dự báo rằng thị trường toàn cầu hàng năm cho robot hình người sẽ đạt 38 tỉ USD vào năm 2035, với gần 1,4 triệu robot sẽ được vận chuyển để phục vụ cho ứng dụng trong lĩnh vực tiêu dùng và công nghiệp. Goldman Sachs ước tính chi phí vật liệu để chế tạo robot hình người đã giảm xuống còn khoảng 150.000 USD mỗi chiếc vào năm 2023, không gồm cả chi phí nghiên cứu và phát triển.

"Vẫn còn nhiều cơ hội để giảm chi phí xuống. Trung Quốc có thế mạnh trong việc nhanh chóng cải tiến và sản xuất hàng loạt sản phẩm", Hu Debo, Giám đốc điều hành Shanghai Kepler Exploration Robotics, nói.

Shanghai Kepler Exploration Robotics là công ty mà Hu Debo đồng sáng lập vào năm ngoái lấy cảm hứng từ robot hình người Optimus của Tesla. Công ty này đang nghiên cứu phiên bản thứ năm của một robot công nhân để thử nghiệm trong các nhà máy. Hu Debo hy vọng giá bán nó sẽ dưới 30.000 USD.

Hiệu ứng “cá da trơn” đến với robot

Khi Tesla mở nhà máy tại thành phố Thượng Hải vào năm 2019, các quan chức Trung Quốc kỳ vọng công ty Mỹ tiên phong về ô tô điện sẽ tạo ra "hiệu ứng cá da trơn" với ngành công nghiệp Trung Quốc: Giới thiệu một đối thủ cạnh tranh lớn khiến các công ty trong nước phát triển nhanh hơn.

Hiệu ứng cá da trơn (catfish effect) là thuật ngữ dùng để mô tả một hiện tượng, trong đó sự xuất hiện của đối thủ mạnh hoặc mới mẻ trong ngành công nghiệp hoặc thị trường kích thích các công ty khác hoạt động hiệu quả hơn, nhanh nhạy hơn và cạnh tranh tốt hơn.

Thuật ngữ này xuất phát từ câu chuyện về việc các ngư dân Na Uy thả cá da trơn vào các bể chứa cá tuyết trong quá trình vận chuyển. Sự hiện diện của cá da trơn, một loài cá ăn thịt và năng động, buộc cá tuyết phải luôn di chuyển để tránh bị ăn thịt, từ đó giữ cho chúng khỏe mạnh và tươi sống hơn khi đến đích.

Hu Debo cho biết robot Optimus của Tesla cũng tạo ra hiệu ứng tương tự.

Tesla lần đầu tiên giới thiệu Optimus vào năm 2021, sau đó Giám đốc điều hành Elon Musk quảng cáo rằng nó có khả năng "quan trọng hơn cả ngành kinh doanh ô tô theo thời gian".

Tesla đang sử dụng phương pháp tiếp cận trí tuệ nhân tạo (AI) cho Optimus theo mô hình phần mềm Full Self-Driving dành cho ô tô điện. Các đối thủ và nhà phân tích Trung Quốc nói Tesla có thế mạnh ban đầu về AI, nhưng nước này có khả năng hạ giá thành sản xuất.

Optimus của Tesla không sở hữu nhiều tính năng ấn tượng như các robot hình người Trung Quốc nhưng có thể vẫy tay, đi bộ hoặc thậm chí nhún vai, thu hút sự quan tâm lớn từ người xem và chụp ảnh.

"Năm tới, sẽ có hơn 1.000 đồng hương của tôi trong nhà máy", trích nội dung một biển báo bên cạnh Optimus.

Trong một tuyên bố, Tesla nhắc lại rằng hãng dự kiến ​​sẽ vượt ra ngoài các nguyên mẫu để bắt đầu sản xuất Optimus với số lượng nhỏ vào năm 2025.

Robot trên dây chuyền lắp ráp ô tô

Hãng UBTECH Robotics đã thử nghiệm robot hình người của mình trong các nhà máy ô tô, bắt đầu với Geely. Ngoài ra, UBTECH Robotics công bố một thỏa thuận để thử nghiệm robot hình người của mình tại một nhà máy của Audi ở Trung Quốc.

"Mục tiêu của chúng tôi là sản xuất hàng loạt vào năm tới. Điều đó đồng nghĩa sẽ có tới 1.000 robot hình người làm việc trong các nhà máy. Đây là cột mốc đầu tiên hướng tới việc triển khai trên quy mô lớn", theo Sotirios Stasinopoulos - Giám đốc dự án của UBTECH Robotics.

UBTECH Robotics sử dụng chip Nvidia cho robot của mình nhưng hơn 90% linh kiện đều đến từ Trung Quốc.

cac-hang-trung-quoc-bam-duoi-tesla-de-cung-cap-robot-hinh-nguoi-thay-the-cong-nhan-lap-rap-xe-dien3.jpg
Robot hình người UBTECH Robotics trình diễn các ứng dụng của mình trên dây chuyền lắp ráp tại Hội nghị Robot Thế giới ở Bắc Kinh - Ảnh: Reuters

Thế hệ robot sản xuất hiện tại (những cánh tay robot khổng lồ có khả năng hàn và thực hiện nhiều nhiệm vụ khác) chủ yếu do các công ty ngoài Trung Quốc dẫn đầu, gồm Fanuc (Nhật Bản), ABB (Thụy Sĩ) và Kuka (Đức) - thuộc sở hữu của nhà sản xuất thiết bị gia dụng Midea (Trung Quốc).

Theo Liên đoàn Robot Quốc tế, Trung Quốc dẫn đầu thế giới về robot sản xuất được lắp đặt tại nhà máy, nhiều hơn gấp ba lần số lượng ở Bắc Mỹ.

Xin Guobin, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc, nói tại lễ khai mạc sự kiện ở Bắc Kinh rằng Bộ này đã thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình và biến Trung Quốc thành "một thế lực quan trọng trong ngành công nghiệp robot toàn cầu".

Hồi tháng 11.2023, Trung Quốc kêu gọi sản xuất hàng loạt robot hình người vào năm 2025, nhưng quy mô ban đầu của việc này sẽ khá nhỏ và không đủ để ngay lập tức tác động lớn đến việc sản xuất ô tô điện.

"Tôi tin rằng có khả năng sẽ mất ít nhất 20 đến 30 năm trước khi robot hình người có thể đạt được ứng dụng thương mại quy mô lớn", nhà phân tích Arjen Rao tại Viện nghiên cứu LeadLeo nhận xét.

Bài liên quan
Robot tình yêu thế hệ mới của Starpery Technology hỗ trợ AI, có thể tương tác bằng giọng nói và cơ thể
Các nhà khoa học và kỹ sư Trung Quốc đang áp dụng công nghệ giống ChatGPT cho robot tình yêu, nhằm tạo ra những người bạn đồng hành tương tác, hỗ trợ AI bất chấp những thách thức về kỹ thuật.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
2 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hội nghị ở Bắc Kinh nêu bật sự thay đổi của robot hình người với các bộ phận rẻ và sáng tạo hơn