Trung Quốc vừa cam kết sẽ tạo ra đột phá trong các ngành công nghiệp mới nổi, gồm lĩnh vực tiên tiến như robot hình người, công nghệ di động 6G và sản xuất ở cấp độ nguyên tử, có thể nâng cao sức mạnh của nước này ở lĩnh vực công nghệ tăng trưởng cao khi vẫn duy trì các lĩnh vực truyền thống làm nền tảng.
Kim Tráng Long, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc, cho biết hệ thống độc đáo của nước này, có thể tập trung nguồn lực vào các tiêu chuẩn cụ thể, có khả năng được sắp xếp để lấp đầy khoảng trống trong các công nghệ cốt lõi đã xuất hiện do nỗ lực kiềm chế từ Mỹ.
Ông Kim Tráng Long nói trong một cuộc họp báo hôm 5.7: “Dù sự phát triển công nghiệp của Trung Quốc đã đạt được những tiến bộ vượt bậc, nhưng nhìn chung, nó vẫn đang ở một thời điểm quan trọng để phát triển từ quy mô lớn thành hùng cường và vượt qua các rào cản. Vẫn còn những thiếu sót nổi bật trong các công nghệ cốt lõi và năng lực công nghiệp cơ bản”.
Theo ông Kim Tráng Long, các ngành công nghiệp tiên phong như giao diện não - máy tính, metaverse, internet thế hệ tiếp theo, điện toán lượng tử, khám phá và nghiên cứu biển sâu, hàng không vũ trụ cũng được coi là lĩnh vực trọng tâm.
Ông cho biết Trung Quốc cũng sẽ xây dựng một số trung tâm đổi mới sản xuất quốc gia cho các lĩnh vực mới nổi, gồm cả sản xuất sinh học.
Năm 2023, tổng giá trị gia tăng công nghiệp của Trung Quốc đạt 39.900 tỉ nhân dân tệ (5.500 tỉ USD), chiếm 31,7% GDP (tổng sản phẩm quốc nội). Theo bộ này, giá trị gia tăng của ngành sản xuất Trung Quốc đóng góp vào 26,2% GDP và chiếm khoảng 1/3 tổng số toàn cầu.
Theo trang SCMP, ông Kim Tráng Long nói các ngành công nghiệp mới nổi “chiến lược” của Trung Quốc chiếm 13% GDP, có tiềm năng tăng trưởng rất lớn.
Trung Quốc sẽ tăng cường hơn nữa công nghệ của các ngành công nghiệp có lợi thế, như phương tiện dùng năng lượng mới và quang điện, đồng thời mở rộng quy mô thị trường và nuôi dưỡng một nhóm doanh nghiệp hàng đầu trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo (AI), kinh tế tầm thấp và vật liệu mới để thúc đẩy nâng cấp công nghiệp, theo Bộ trưởng Kim Tráng Long.
1. Quang điện là công nghệ chuyển đổi ánh sáng Mặt trời trực tiếp thành điện năng bằng cách sử dụng các vật liệu bán dẫn, điển hình là silicon. Quá trình này dựa trên hiệu ứng quang điện, trong đó các photon từ ánh sáng Mặt trời đánh vào một vật liệu bán dẫn và tạo ra dòng điện.
Các tấm pin quang điện, thường được gọi là tấm pin Mặt trời, là thiết bị phổ biến nhất sử dụng công nghệ quang điện. Chúng được lắp đặt trên mái nhà, trong các trang trại năng lượng Mặt trời và trên các thiết bị di động để cung cấp năng lượng tái tạo, sạch và bền vững.
Quang điện đóng vai trò quan trọng trong việc giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và giảm thiểu khí thải nhà kính, góp phần bảo vệ môi trường và chống lại biến đổi khí hậu.
2. Kinh tế tầm thấp thường đề cập đến các hoạt động kinh tế liên quan đến việc sử dụng không phận ở độ cao thấp, thường dưới 1000 feet (khoảng 300 mét), cho các mục đích thương mại và công nghiệp. Điều này có thể bao gồm việc sử dụng máy bay không người lái (drone), trực thăng và các phương tiện bay tầm thấp khác cho các hoạt động như:
- Giao hàng: Sử dụng drone để giao hàng nhanh chóng và hiệu quả.
- Nông nghiệp: Sử dụng drone để giám sát cây trồng, phun thuốc trừ sâu, và quản lý nông trại.
- Giám sát và bảo trì: Dùng drone để kiểm tra cơ sở hạ tầng, như đường dây điện, cầu và toà nhà.
- Truyền thông và giải trí: Quay phim và chụp ảnh trên không cho các dự án truyền thông, quảng cáo và phim ảnh.
- Cứu hộ và cứu trợ: Sử dụng drone trong các nhiệm vụ cứu hộ và cứu trợ khẩn cấp, như tìm kiếm người mất tích hoặc cung cấp hàng cứu trợ.
Kinh tế tầm thấp đang phát triển nhanh chóng nhờ vào sự tiến bộ của công nghệ drone và các quy định pháp lý ngày càng rõ ràng hơn, mở ra nhiều cơ hội kinh doanh và ứng dụng mới trong nhiều lĩnh vực.
Với các ngành công nghiệp truyền thống, gồm cả sắt thép, ông Kim Tráng Long nói rằng chúng là nền tảng cho hệ thống công nghiệp hiện đại và ngành sản xuất của Trung Quốc, cần được chuyển đổi và nâng cấp thay vì bị coi là “ngành công nghiệp cấp thấp” cần loại bỏ.
Bộ trưởng Kim Tráng Long nói: “Môi trường bên ngoài hiện nay rất phức tạp và khắc nghiệt, nhu cầu thực tế trong nước vẫn chưa đủ”.
Tân Quốc Bân, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc, cho biết việc lắp đặt robot công nghiệp của nước này chiếm hơn 50% tổng số trên thế giới và Trung Quốc đã xây dựng 421 nhà máy sản xuất thông minh cấp quốc gia.
Các quan chức cũng cam kết sẽ mở cửa hơn nữa cho lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc.
Đầu năm nay, Trung Quốc tuyên bố dỡ bỏ các hạn chế với đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này, đồng thời mở cửa thị trường viễn thông cho các công ty nước ngoài tại 4 địa điểm, trong đó có thủ đô Bắc Kinh.
Tính đến cuối tháng 6, có 2.037 doanh nghiệp nước ngoài hoạt động kinh doanh viễn thông tại Trung Quốc, theo ông Tân Quốc Bân.
Vị thứ trưởng này nói thêm: “Cải cách và mở cửa là nguồn sống cho sự phát triển của Trung Quốc đương đại. Trong bước tiếp theo, chúng tôi sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng và thực hiện tinh thần ở Hội nghị toàn thể lần thứ 3 sắp tới của Ban Chấp hành Trung ương, thực hiện cải cách với quyết tâm, đồng thời tiếp tục tạo thêm động lực mới và mở rộng không gian mới để phát triển”.
Tuần trước, Trung Quốc xác nhận Hội nghị toàn thể lần thứ 3 của Ban Chấp hành Trung ương khóa 20 sẽ diễn ra từ ngày 15 đến 18.7 tại thủ đô Bắc Kinh, nơi dự kiến sẽ đặt ra các mục tiêu phát triển kinh tế và công nghệ đầy tham vọng cho thập kỷ tới.
Đầu tư mạnh vào 6G
Trung Quốc cũng đang đầu tư mạnh vào nghiên cứu và phát triển thế hệ công nghệ di động 6G, một phần của cuộc đua toàn cầu nhằm đạt đến tầng kết nối tiếp theo.
Dù 6G vẫn chưa được chuẩn hóa chính thức nhưng China Mobile, nhà khai thác viễn thông lớn nhất thế giới về số lượng thuê bao di động, công bố vào tháng 2 rằng đã phóng thành công vệ tinh đầu tiên trên thế giới để thử nghiệm kiến trúc 6G.
Dự kiến Trung Quốc bắt đầu triển khai mạng di động 6G từ năm 2030. Cuối năm 2020, Trung Quốc đã phóng thành công một vệ tinh thử nghiệm mang theo các ứng cử viên cho công nghệ 6G tiềm năng, với hy vọng xác minh hiệu suất của dải tần số 6G trong không gian.
Chính phủ Mỹ cũng đang có kế hoạch phát triển mạng 6G với hy vọng sẽ mang lại cho nước này lợi thế công nghệ trong tương lai. Kế hoạch này được đưa ra trong bối cảnh Mỹ lo ngại về những tiến bộ nhanh chóng của Trung Quốc trong lĩnh vực viễn thông.
6G được kỳ vọng là nền tảng cho kỷ nguyên thông minh, không chỉ giúp con người tương tác với nhau mà còn giúp kết nối giữa thiết bị với thiết bị không có độ trễ nhờ khả năng truyền tải tốc độ cao. Song đến nay, thế giới vẫn chưa thống nhất các tiêu chuẩn kỹ thuật và tần số hỗ trợ 6G.
3GPP, tổ chức thiết lập tiêu chuẩn truyền thông toàn cầu, cũng chưa công bố lộ trình cho 6G.
Theo các chuyên gia trong ngành, mạng di động 6G dự kiến sẽ nhanh hơn và đáng tin cậy hơn 5G hiện tại, đồng thời cung cấp độ trễ thấp hơn và sử dụng phổ vô tuyến hiệu quả hơn. Các chuyên gia cho biết 6G sẽ hỗ trợ tốc độ truyền dữ liệu có thể lên đến một terabit/giây.
Các mạng này có khả năng sử dụng các công nghệ mới như sóng terahertz để cải thiện truyền thông không dây, giúp kích hoạt các ứng dụng như thực tế ảo độ nét cao, giao tiếp 3D thời gian thực và các tác vụ dữ liệu có độ phức tạp cao khác mà không thể thực hiện được với công nghệ hiện tại.
Ngành công nghiệp truyền thông di động thường tuân theo chu kỳ thế hệ 10 năm. Việc chuyển từ 4G sang 5G đã thay đổi trải nghiệm internet di động và ngành này đang mong đợi ứng dụng thương mại của thế hệ tiếp theo.