Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 804.070 trường hợp mắc COVID-19 và 11.681 ca tử vong. Tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu đã vượt ngưỡng 140,4 triệu ca bệnh, trong đó trên 3 triệu người không qua khỏi.

Hơn 3 triệu người đã tử vong vì COVID-19, dịch tái bùng phát nghiêm trọng ở Brazil

TTXVN | 17/04/2021, 07:02

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 804.070 trường hợp mắc COVID-19 và 11.681 ca tử vong. Tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu đã vượt ngưỡng 140,4 triệu ca bệnh, trong đó trên 3 triệu người không qua khỏi.

Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 17.4 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 140.479.004 ca, trong đó có 3.010.671 người tử vong.

Dịch bệnh đến nay xuất hiện và lây lan ở 219 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 119.321.122 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là 18.965.690 ca và 104.233 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch.

Ngày 16.4, thế giới có tới 116 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 105 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch. So với các ngày qua, số ca tử vong và ca bệnh mới tại nhiều nước trên thế giới ghi nhận trong 24 giờ qua tăng mạnh trở lại.

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, như Mỹ, Ấn Độ, Ba Lan và Brazil, đồng thời lây lan diện rộng, với số ca mắc cao ở nhiều nước. Các làn sóng dịch bệnh đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, sau khi hàng loạt quốc gia đối mặt với sự bùng phát đợt dịch mới và phát hiện các biến chủng mới của virus SARS-CoV-2. Hàng loạt nước đã đẩy nhanh chương trình vaccine. Trong vòng 1 ngày qua, Brazil có số ca tử vong nhiều nhất thế giới.

Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch COVID-19, với 32.228.968 ca mắc và 579.039 ca tử vong. Đáng lo ngại, khoảng 1% trong số 77 triệu người đã tiêm chủng tại Mỹ - tức hơn 5.800 người, vẫn có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2. Theo Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ, tình trạng này có thể là do cơ thể người được tiêm chưa tạo được phản ứng miễn dịch mạnh mẽ.

Trong số những người nói trên có 74 người đã tử vong, một số có bệnh tình chuyển biến nghiêm trọng trong khi có 396 người phải nhập viện điều trị. CDC Mỹ khuyến cáo những người đã tiêm đủ liều vaccine cần theo dõi tình trạng cơ thể, tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang và đảm bảo giãn cách xã hội để tránh lây nhiễm.

Sau Mỹ là Ấn Độ với 14.382.582 ca mắc và 174.699 ca tử vong. Số liệu của Bộ Y tế Ấn Độ công bố ngày 16.4 cho thấy, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 217.353 ca mắc COVID-19, mức tăng kỷ lục lần thứ 8 trong 9 ngày qua.

Trong bối cảnh đó, tốc độ tiêm phòng COVID-19 hằng ngày tại Ấn Độ đang bị chậm dần do nguồn cung vaccine hạn chế và lệnh cấm xuất khẩu nguyên liệu của Mỹ. Hiện nước này chỉ còn khoảng 30 triệu liều vaccine, đủ tiêm cho 10 ngày.

Đứng thứ 3 về số ca mắc COVID-19 trên thế giới là Brazil với 13.758.093 ca, trong đó có 365.954 ca tử vong. Hiện các bệnh viện công ở bang Sao Paulo - một trong những địa phương bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, đang thiếu hụt thuốc men cũng như vật tư y tế cho thủ thuật đặt ống nội khí quản trong điều trị các bệnh nhân COVID-19.

Ấn Độ cam kết sẽ nâng sản lượng hằng tháng của vaccine Covaxin ngừa bệnh COVID-19, do hãng dược phẩm Bharat Biotech của nước này phát triển, gấp khoảng 10 lần lên mức gần 100 triệu liều vào trước tháng 9. Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh tốc độ tiêm phòng COVID-19 hằng ngày tại nước này đã giảm dần khi số ca nhiễm mới không ngừng tăng.

Trong một tuyên bố ngày 16.4, Bộ Khoa học và Công nghệ Ấn Độ khẳng định sản lượng vaccine Covaxin sẽ tăng gấp đôi vào tháng 5 và 6 tới, sau đó sẽ tăng gần gấp 6-7 lần trong hai tháng tiếp theo. Theo bộ trên, chính phủ sẽ hỗ trợ 17 triệu USD nhằm gia tăng sản lượng vaccine Covaxin.

Thống kê cho thấy nếu trong ngày 5.4, lượng tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 của Ấn Độ đạt khoảng 4,5 triệu liều/ngày, thì sau đó giảm xuống mức trung bình khoảng 3 triệu liều/ngày. Nguyên nhân là nguồn cung vaccine hạn chế và công ty sản xuất trong nước đang phải hối thúc Mỹ chấm dứt lệnh cấm xuất khẩu nguyên liệu. Vaccine của AstraZeneca do Viện Serum của Ấn Độ (SII) sản xuất chiếm tới 91% trong số 115,5 triệu liều vaccine được sử dụng tại nước này.

Tuy nhiên, hoạt động của SII, nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới, đã bị chững lại do thiếu hụt nguyên liệu. Sau khi các nỗ lực ngoại giao không đem lại kết quả, Giám đốc SII Adar Poonawalla đã trực tiếp kêu gọi Tổng thống Mỹ Joe Biden chấm dứt việc hạn chế nguồn cung, vốn nhằm mục đích hỗ trợ các công ty sản xuất vaccine của Mỹ.

Năm ngoái, Chile và Uruguay đã trở thành những hình mẫu về cách đối phó với cuộc khủng hoảng COVID-19 và nằm trong số 5 nước hàng đầu trên thế giới về tỷ lệ tiêm vaccine ngừa căn bệnh này. Tuy nhiên, cả hai nước Nam Mỹ này đang trải qua thời khắc tồi tệ nhất của đại dịch khi số ca mắc mới COVID-19 hằng ngày vẫn ở mức cao.

Ngày 12.4 vừa qua, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết dù người dân thế giới đã được tiêm hơn 780 triệu liều vaccine, song số ca mắc mới tăng 7 tuần liên tiếp và số ca tử vong tăng trong 4 tuần tính trên toàn cầu.

Người đứng đầu WHO lưu ý: “Vaccine là công cụ quan trọng và mạnh mẽ, nhưng không phải là công cụ duy nhất”, đồng thời kêu gọi mọi người tích cực thực hiện các biện pháp phòng ngừa như đảm bảo giãn cách, đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, tăng cường giám sát, xét nghiệm, theo dõi tiếp xúc để ngăn dịch bệnh lây lan.

Tại châu Âu, Đức đang chật vật ứng phó với làn sóng lây nhiễm thứ ba. Ngày 16.4, Thủ tướng Angela Merkel cảnh báo tình hình dịch bệnh trong nước đang "rất nghiêm trọng" khi số bệnh nhân phải chăm sóc tích cực đã tăng mạnh ở mức cao nhất kể từ ngày 22.1 vừa qua. Bà kêu gọi Quốc hội Đức phê chuẩn dự luật sửa đổi Luật Phòng, chống lây nhiễm để có thể siết chặt các biện phòng dịch một cách thống nhất trên cả nước.

Trong khi đó, một số quốc gia khác ở châu Âu lại đang nới lỏng các biện pháp hạn chế sau khi tình hình dịch bệnh có sự cải thiện. Cụ thể, Bồ Đào Nha có kế hoạch nối lại các chuyến bay tới Anh và Brazil trong giai đoạn 3 của việc nới lỏng các hạn chế, từ ngày 19.4.

Còn Phần Lan thông báo sẽ cho phép tất cả các nhà hàng mở cửa trở lại vào tuần tới. tại Monaco, từ ngày 19.4, lệnh giới nghiêm sẽ được rút ngắn 1 giờ, bắt đầu từ 21h tối hôm trước đến 6h sáng hôm sau. Các nhà hàng đã mở cửa phục vụ khách ăn trưa, thì nay sẽ phục vụ cả bữa tối cho đến 21h30 song không được phép chơi nhạc và khách hàng phải rời nhà hàng vào lúc 22h để về nhà với giấy chứng nhận do chủ nhà hàng cấp.

Thụy Điển cũng sẽ nới lỏng hạn chế đối với người cao tuổi và công dân đã tiêm ít nhất 1 mũi vaccine ngừa COVID-19. Trong khi đó, Đan Mạch đang thúc đẩy kế hoạch mở cửa lại. Từ ngày 21.4, các nhà hàng và quán bar được phép phục vụ khách hàng đến ăn, uống ở bên trong, người hâm mộ bóng đã có thể đến sân vận động cổ vũ, số người tham gia các cuộc tụ tập đông người ở ngoài trời cũng sẽ được tăng lên 50 người so với 10 người trước đây.

Bài liên quan
Nhà sản xuất vắc xin COVID-19 có mặt đầu tiên ở Việt Nam được vinh danh
AstraZeneca vừa chính thức trở thành 1 trong 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam năm 2024, trong đó, công ty ở vị trí thứ 5 toàn ngành dược và thứ 35 trong số những nơi làm việc tốt nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng yêu cầu chủ động ứng phó, khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ ở Trung Bộ
3 giờ trước Theo dòng thời sự
Chủ động chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó với gió mạnh trên biển, mưa lũ, ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét, lũ ống bảo đảm kịp thời, hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại. Yêu cầu trên được Thủ tướng Chính phủ đặt ra với Bộ trưởng các bộ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tại Công điện số 120/CĐ-TTg, ngày 25.11.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hơn 3 triệu người đã tử vong vì COVID-19, dịch tái bùng phát nghiêm trọng ở Brazil