Tuy lượng giao dịch chỉ bằng khoảng 70% so với quý 4/2020, song giá bất động sản có nhiều biến động. Đặc biệt, đất nền có hiện tượng tăng nóng, cục bộ ở một số địa phương.

Giá đất tăng chóng mặt nhưng lượng giao dịch chỉ bằng 70% so với quý 4/2020

Lam Thanh | 16/04/2021, 17:55

Tuy lượng giao dịch chỉ bằng khoảng 70% so với quý 4/2020, song giá bất động sản có nhiều biến động. Đặc biệt, đất nền có hiện tượng tăng nóng, cục bộ ở một số địa phương.

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, bước vào quý 1 năm 2021, tình hình thị trường bất động sản có nhiều biến động.

Tuy lượng giao dịch bất động sản - qua theo dõi của Bộ Xây dựng - chỉ bằng khoảng 70% so với quý 4/2020, song giá bất động sản có nhiều biến động; đặc biệt, giá bất động sản đất nền có hiện tượng tăng nóng, cục bộ ở một số địa phương trên cả nước trong thời gian qua.

bo-xay-dung.jpg
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh - Ảnh: Bộ Xây dựng

Theo ông Sinh, có một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Đó là do việc lập quy hoạch, công bố quy hoạch của các địa phương cũng chưa được công khai, minh bạch để định hướng kịp thời cho người dân và doanh nghiệp, dẫn đến việc các nhà đầu tư, kinh doanh bất động sản lợi dụng việc không minh bạch về các dự án để đẩy giá đất lên cao.

Nguyên nhân nữa là trong thời gian qua, dịch bệnh COVID-19 làm ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư và sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân, trong khi lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng ở mức thấp, không hấp dẫn người gửi tiền.

Cũng theo ông Sinh, việc phát triển các dự án nhà ở, bất động sản gặp nhiều khó khăn do vướng mắc thủ tục về pháp lý, đất đai, đầu tư và xây dựng, dẫn tới nguồn cung nhà ở, bất động sản bị hạn chế.

Cùng với đó, việc đầu tư, phát triển các nhà ở thương mại giá rẻ, nhà ở xã hội cho các đối tượng người nghèo đô thị và công nhân ở các khu công nghiệp chưa được các địa phương quan tâm đúng mức, dẫn đến nguồn cung nhà ở xã hội còn thiếu, chưa đáp ứng đủ nhu cầu của người dân hiện nay.

Ngoài ra, một số địa phương có chủ trương tăng giá đất theo lộ trình (khoảng 15-20%), đã tác động đến tâm lý của người mua và ảnh hưởng tới các giao dịch trên thị trường bất động sản.

Ông Sinh cho biết trước tình trạng này, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương vào cuộc và có những giải pháp cụ thể nhằm ngăn chặn và xử lý nghiêm các hiện tượng sốt đất ảo ở một số địa phương thời gian qua.

Theo đó, tập trung xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến đất đai, đầu tư, xây dựng và kinh doanh bất động sản để tháo gỡ khó khăn, đặc biệt tháo gỡ về mặt trình tự, thủ tục đầu tư; kiểm soát chặt chẽ hơn tín dụng bất động sản; đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ để đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân, nhất là công nhân các khu công nghiệp.

Để hỗ trợ, góp phần hạ nhiệt thị trường bất động sản, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng các địa phương cần tiếp tục tổ chức công bố công khai thông tin về quy hoạch, tiến độ triển khai các dự án để minh bạch thông tin, ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu cơ để đẩy giá, trục lợi tại một số dự án, tại một số địa phương trong thời gian vừa qua.

Đồng thời, có biện pháp chặt chẽ không để tình trạng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chia tách phân lô đất, bán nền tại một số khu vực chưa được phép đầu tư. Quản lý và kiểm soát việc mua đi, bán lại các giao dịch bất động sản trao tay nhiều lần nhằm kiểm soát tốt hơn việc tăng giá đất, nhất là thông qua biện pháp quản lý thật tốt các tổ chức, cá nhân trong giao dịch, môi giới kinh doanh bất động sản.

Bên cạnh đó là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp đầu tư kinh doanh bất động sản không đúng quy định, nhất là các dự án ma, dự án không đủ hồ sơ pháp lý, điều kiện kinh doanh bất động sản.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cũng đề nghị các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản phải thực hiện nghiêm túc các trình tự, thủ tục đầu tư, đặc biệt các thủ tục về giao đất, đầu tư xây dựng để các dự án đầu tư kinh doanh bất động sản do các doanh nghiệp thực hiện bảo đảm đầy đủ tính pháp lý, tuân thủ các quy định về đầu tư xây dựng trong dự án kinh doanh bất động sản.

Đồng thời, Thứ trưởng đề nghị các doanh nghiệp trong thời gian tới quan tâm đầu tư các dự án bất động sản, nhà ở phải bảo đảm đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, bảo đảm tính pháp lý và thực hiện việc kinh doanh, giao dịch kinh doanh bất động sản đúng quy định.

Ông Nguyễn Văn Sinh bày tỏ tin tưởng: với sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc của các Bộ ngành và nhất là địa phương, trong thời gian tới, các dự án về bất động sản, đô thị, nhà ở sẽ được đầu tư một cách đồng bộ, tạo ra những nguồn cung lớn đáp ứng được nhu cầu của thị trường ở khu vực đô thị, khu vực ngoài đô thị, đặc biệt vùng ven đô.

Theo đó, các dự án liên quan về du lịch, khu đô thị sẽ được đảm bảo tính đồng bộ hơn và sẽ tạo nguồn cung dồi dào hơn, góp phần ổn định, lành mạnh hóa thị trường bất động sản, tránh tình trạng bong bóng như thời gian vừa qua.

Bên cạnh đó, người dân, doanh nghiệp đang quan tâm đến lĩnh vực bất động sản cần bình tĩnh, cảnh giác với những thông tin đồn thổi; cần tìm hiểu, xem xét kỹ các hồ sơ pháp lý của các dự án bất động sản và chỉ giao dịch với những bất động sản có hồ sơ pháp lý rõ ràng, đúng quy định của pháp luật.

Bài liên quan
Bộ Xây dựng đề nghị Hà Nội xử lý việc 'thổi giá' chung cư
Bộ Xây dựng đề nghị Hà Nội chấn chỉnh, xử lý hành vi đầu cơ, thổi giá chung cư, báo cáo bộ trước ngày 20.4.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 2: Các lĩnh vực đều tăng tốc, bứt phá
Sản xuất nông-lâm nghiệp và thủy sản năm 2023 và quý 1/2024 tiếp tục là một trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế với kim ngạch xuất khẩu nông sản tăng cao, chăn nuôi phát triển ổn định, nuôi trồng thủy sản phát triển khá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giá đất tăng chóng mặt nhưng lượng giao dịch chỉ bằng 70% so với quý 4/2020