Các tác động tiêu cực từ sự kiện Donald Trump trở thành tân tổng thống Mỹ đối với nền kinh tế Việt Nam trong thời gian sắp tới đang có dấu hiệu vượt ra ngoài dự đoán, đó là nhận định trong bản báo cáo công bố ngày 1.12 của HSBC về triển vọng thị trường Việt Nam.
Tính đến thời điểm hiện tại, sự kiện được đánh giá có tầm ảnh hưởng nhất liên quan đến Việt Nam của vị tân tổng thống Mỹ là việc Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Việt Namlà một thành viên, nhiều khả năng sẽ bị hủy bỏ; nhưng theo báo cáo của HSBC, những tác động từ sự thay đổi trên chính trường Mỹ đang có dấu hiệu vượt xa so với dự đoán trước đó.
Trong kịch bản xấu nhất, nền kinh tế Việt Nam vốn đang bị mất cân bằng trầm trọng về cấu trúc có thể sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, và để tránh khỏi nguy cơ đó thì cần phải thúc đẩy cải cách diễn ra càng nhanh càng tốt.
Điểm đáng chú ý nhất trong bản báo cáo ngày 1.12 của HSBC là việc đưa ra dự báo, việc Donald Trump trở thành tổng thống Mỹ có thể tác động trực tiếp tới cấu trúc của nền kinh tế Việt Nam thay vì chỉ giới hạn trong phạm vi các hiệp định thương mại tự do có liên quan đến Việt Nam như TPP.
Việc TPP nhiều khả năng sẽ bị tân tổng thống Mỹ hủy bỏ ngay sau khi nhậm chức vào giữa tháng 1.2017 được dự báo sẽ chỉ có những tác động tiêu cực không thực sự đáng kể với kinh tế Việt Nam, nhất là khi chúng ta đang có khá nhiều thỏa thuận thương mại khác đủ khả năng thay thế.
Những tác động tiêu cực này chủ yếu thông qua việc nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sụt giảm do các nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn khi muốn xâm nhập thị trường Việt Nam để đón đầu TPP. Nếu có sự điều chỉnh phù hợp, các vấn đề về kinh tế-thương mại mà TPP dự kiến đem lại cho Việt Nam sẽ dễ dàng được giải quyết.
Tuy nhiên, những tác động từ việc ông Trump trở thành chủ nhân của Nhà Trắng đối với nền kinh tế Việt Nam dường như đang lớn hơn thế rất nhiều, nhất là khi Mỹ đang là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong vài năm trở lại đây. Hiện tại, thị trường Mỹ đang chiếm khoảng 1/5 doanh thu xuất khẩu của Việt Nam, và là thị trường chính cho nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của chúng ta.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 10 tháng đầu năm nay kim ngạch xuất khẩu của dệt may Việt Nam đạt gần 20 tỉ USD, thì 48% trong số đó là được xuất khẩu vào thị trường Mỹ; Mỹ cũng đang là thị trường nhập khẩu lớn nhất hàng thủy sản và đồ gỗ Việt Nam với kim ngạch lên tới 1,2 tỉ USD và 2,52 tỉ USD trong 10 tháng đầu năm nay, chiếm 21% kim ngạch xuất khẩu thủy sản và hơn 50% kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam, theoThe Saigon Times.
Điều này đồng nghĩa với việc, nếu tổng thống Trump tiến hành chính sách hạn chế thương mại đối với các nước đang có kim ngạch xuất khẩu và thặng dư thương mại lớn với Mỹ - như Trung Quốc, Nhật Bản, và có cả Việt Nam - như đã cam kết, thì tác động tới kinh tế Việt Nam sẽ là rất lớn.
Nó tác động trực tiếp tới cấu trúc nền kinh tế của Việt Nam, trong đó đặt nền tảng ở việc thúc đẩy xuất khẩu vào thị trường Mỹ càng nhiều càng tốt. Hiện tại, theo thống kê thị trường Mỹ chiếm khoảng 21% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, và đây là kết quả của một quá trình dài hơn 15 năm kể từ khi Hiệp định thương mại Việt-Mỹ được ký kết vào năm 2001, nếu quá trình này bị chững lại do chính sách bảo hộ thương mại của Donald Trump, đó sẽ là một tác động nguy hiểm và khó lường với kinh tế Việt Nam mà không một hiệp định thương mại tự do nào có thể thay thế được.
Không dừng lại ở đó, nó còn tác động gián tiếp tới cấu trúc kinh tế Việt Nam về nhiều khía cạnh khác. Đặc biệt là trong quan hệ kinh tế-thương mại của Việt Nam với các nền kinh tế lớn khác, điển hình là Trung Quốc. Hiện Trung Quốc đang là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam, và chiếm khoảng 10% tổng kim ngạch xuất khẩu của chúng ta, trong đó có rất nhiều loại nguyên liệu phục vụ trong các ngành sản xuất để xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Nếu ông Trump tiến hành chính sách hạn chế thương mại với Trung Quốc, nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu từ Việt Nam của Trung Quốc cũng sẽ giảm theo.
Tất cả những điều này đang khiến cho sức ép lên cấu trúc kinh tế của Việt Nam trở nên lớn hơn bao giờ hết, và tiềm ẩn những rủi ro hết sức nguy hiểm. Cấu trúc kinh tế dựa vào xuất khẩu của Việt Nam đang đứng trước những tác động nghiêm trọng, khi thị trường xuất khẩu chủ lực là Mỹ đang có nguy cơ gia tăng rào cản, trong khi hiệp định thương mại quan trọng bậc nhất là TPP đang đứng trước khả năng bị hủy bỏ.
Lợi ích từ khoảng hơn 10 hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết trong thời gian vừa qua vẫn chưa thể đem đến những lợi ích về ngắn hạn, trong khi những tác động tiêu cực từ giảm nguồn thu từ thuế xuất nhập khẩu thì lại đang nhãn tiền, khiến sức ép thu nội địa đang ngày càng đáng lo ngại, ảnh hưởng trực tiếp tới nền kinh tế trong nước.
Theo số liệu trong báo cáo của UBND TP.HCM, năm 2017 thành phố được trung ương giao thu ngân sách tăng 16,6% so với năm 2016, trong đó chỉ tiêu thu nội địa tăng thêm tới 27,5% so với năm 2016 và là mức tăng kỷ lục, vẫn theoThe Saigon Times. Trong bối cảnh các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vẫn còn rất ít ỏi và hạn chế, thì việc đẩy mạnh thu nội địa để bù đắp các tổn thất về thu xuất nhập khẩu do những hiệp định thương mại tự do là một động thái đáng ngại.
Rõ ràng, động lực cải cách kinh tế của Việt Nam giờ đây không chỉ để tránh rơi vào suy thoái nữa, mà còn là để tái cân bằng cấu trúc trước những sức ép lớn từ sự thay đổi các quan hệ kinh tế-thương mại trên thế giới. Khi sóng gió ngày càng lớn hơn, thì việc gia cố con thuyền càng phải được tiến hành nhanh hơn.
Nhàn Đàm