Đầu tư nước ngoài đang được đánh giá là khu vực không những chỉ đóng góp lớn cho đất nước về nguồn vốn, tăng trưởng GDP và xuất khẩu mà còn đang tạo ra hàng triệu việc làm cho người lao động. Theo đó, nếu bất kỳ khu vực nào không thu hút được nguồn vốn từ lĩnh vực này thì những lợi thế trên sẽ bị "thất thoát".

Lợi thế địa phương chưa được khai thác khiến nhiều tỉnh thành 'trắng' FDI

tuyetnhung | 02/12/2016, 08:45

Đầu tư nước ngoài đang được đánh giá là khu vực không những chỉ đóng góp lớn cho đất nước về nguồn vốn, tăng trưởng GDP và xuất khẩu mà còn đang tạo ra hàng triệu việc làm cho người lao động. Theo đó, nếu bất kỳ khu vực nào không thu hút được nguồn vốn từ lĩnh vực này thì những lợi thế trên sẽ bị "thất thoát".

Theo số liệu thu hút vốn FDI của Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 11 tháng đầu năm nay cả nước thu hút được 18,1 tỉ USD vốn FDI cấp mới và tăng thêm, chỉ bằng gần 90% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, Hàn Quốc vẫn dẫn đầu về số dự án, vốn FDI vào Việt Nam lớn nhất trong năm 2016; Singapore và Nhật Bản lần lượt đứng ở vị trí thứ 2 và thứ 3.

Các địa phương thu hút vốn FDI nhiều nhất thời gian qua là Hải Phòng, Bình Dương, Đồng Nai, Hà Nội, TP.HCM...với nhiều dự án được cấp mới và tăng thêm.

Trái ngược lại với các khu vực phát triển trên thì hiện nhiều tỉnh thành trên cả nước vẫn không có bất kỳ dự án FDI trong 11 tháng qua cũng như thời gian trước đây, cụ thể là: Cao Bằng, Bắc Cạn, Hà Giang, Sơn La, Điện Biên, Phú Yên, Cà Mau, Đắc Nông và Bạc Liệu, Hậu Giang, Lâm Đồng...

Ngoài ra, nhiều tỉnh thành khác như: Lào Cai 1 dự án, Bình Thuận 1 dự án, An Giang, Yên Bái, Quảng Trị, Kon Tum, Đắc Lắc...tính đến thời điểm hiện nay cũng chỉ thu hút được 1-2 dự án với mức vốn đầu tư khiêm tốn chỉ từ 1 - 5 triệu USD (tương đương với khoảng gần 23 tỉ đến hơn 100 tỉ đồng).

Tình trạng nhiều địa phương ở trên "vắng bóng" các dự án FDI đã diễn ra từ năm ngoái, đến nay tình hình vẫn chưa được cải thiện, thậm chí số lượng các địa phương có nguy cơ không thu hút được các dự án FDI ngày càng tăng. Đơn cử, nếu như năm ngoái số tỉnh "trắng" FDI là 9 tỉnh thành như Cao Bằng, Bắc Cạn, Hà Giang, Sơn La, Điện Biên, Phú Yên, Cà Mau, Đắc Nông và Bạc Liệu, thì 11 tháng năm 2016, có thêm các tỉnh như: Hậu Giang, Lâm Đồng, Tuyên Quang, Hòa Bình, Gia Lai.

Nguy cơ tình trạng này sẽ kéo dài mà không có phương pháp đề ra, trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới về vấn đề này, GS.TS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, cho biết hiện trong 63 tỉnh thành trên cả nước thì chỉ có khoảng 14-15 khu vực thu hút đáng kể các dự án FDI. Còn nhiều tỉnh thành khác vẫn chưa thu hút được dự án nào, mà nếu có thì sẽ có khoảng 1-2 dự án với mức vốn đầu tư ít ỏi vài triệu USD.

"Vấn đề đáng lo ngại ở đây là so với năm ngoái, số lượng các khu vực không thu hút nổi 1 dự án FDI nào lại có xu hướng tăng. Điều này đặt ra những nghi ngại về việc mất cân đối phát triển giữa các khu vực", GS.TS Nguyễn Mại nói.

Theo ông Mại, hiện có 2 nguyên nhân khiến các địa phương chưa thu hút được các dự án FDI. Thứ nhất là các dự án chưa thực sự thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, các tỉnh thành trên cả nước vẫn có xu hướng chạy đua theo số lượng mà chưa thực sự tập trung đến chất lượng vào các dự án. Mô hình các khu công nghiệp ở các nơi đều giống nhau, các dự án dệt may ở Bắc Ninh cũng giống như ở Lai Châu hay Điện Biên. Họ vẫn chưa thực sự nghĩ đến phương thức cạnh tranh để thu hút nhà đầu tư.

Thứ hai là cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông của những khu vực này chưa thuận tiện. Theo đó, các nhà đầu tư nước ngoài chỉ tập trung đầu tư vào các địa phương xung quanh Hà Nội như: Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên...

"Cho nên chừng nào mà cơ sở hạ tầng, điện nước, thông tin còn chưa đáp ứng được nhu cầu đầu tư thì các nhà đầu tư vẫn chưa thể đến được", ông Mại nhận định.

Theo vị chuyên gia này, chính sách với các nhà đầu tư nước ngoài hiện nay đã có nhiều nhưng chưa thực sự hấp dẫn. Với địa hình và lợi thế khu vực khác nhau thì không phải địa phương nào cũng có thể thu hút được các dự án FDI. Trước mắt, chính phủ cần có chính sách riêng giúp các khu vực này. Vì nơi nào chưa có đầu tư nước ngoài nghĩa là ngân sách nơi đó eo hẹp, các hoạt động khó khăn.

Còn theo TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), các tỉnh thành trên cần phải xem lại bài toán quy hoạch như lợi thế sản phẩm địa phương là cái gì, đầu tư vào đâu và nguồn lực đổ vào đúng chỗ hay chưa?

"Rõ ràng nguồn đầu tư hiện nay là không hiệu quả, không đúng mục đích. Nếu giữ cách phân bổ nguồn lực như hiện nay, chúng ta không thể nói chuyện thắt chặt ngân sách và hiệu quả đầu tư ngân sách được", TS Cung nói.

Tuyết Nhung
Bài liên quan
Tập trung thu hút các dự án FDI có quy mô lớn, công nghệ cao
Thủ tướng yêu cầu tập trung xúc tiến, thu hút các dự án FDI có quy mô lớn, công nghệ cao, nhất là đối với phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, điện tử, bán dẫn, hydrogen...

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 3: Đầu tư phát triển, xuất nhập khẩu đều ghi điểm tốt
Trên các lĩnh vực quan trọng như xuất nhập khẩu, đầu tư phát triển, tài chính - ngân hàng - chứng khoán, tiêu dùng, thu chi ngân sách đều có sự cải thiện, thay đổi theo hướng tích cực.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lợi thế địa phương chưa được khai thác khiến nhiều tỉnh thành 'trắng' FDI