Đại sứ quán Hungary tại Kyiv cho biết họ "bị xúc phạm" trước việc một quan chức hàng đầu phụ trách an ninh Ukraine phát biểu với nội dung gây kích động hận thù với người Hungary.
Vào chiều 3.5, đại sứ quán Hungary cho biết Tuyên bố của Oleksiy Danilov, người đứng đầu Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine (NSDC), “chứa đựng những cáo buộc sai sự thật và vô căn cứ, đồng thời kích động lòng căm thù đối với người dân và đất nước Hungary trong công luận Ukraine", đồng thời nêu rõ: “Chúng tôi mạnh mẽ bác bỏ và lên án những lời vu khống đã được thực hiện chống lại Hungary… Chúng tôi cũng kêu gọi ông Danilov rút lại những tuyên bố của mình”.
Trước đó vào 2.5, ông Danilov cho biết trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình rằng Hungary - quốc gia “công khai tuyên bố hợp tác với Nga” - đã được Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo trước “rằng sẽ có một cuộc tấn công vào đất nước của chúng ta”.
Ông Danilov nói thêm rằng Điện Kremlin tin rằng Hungary “có thể lấy lại một phần lãnh thổ của mình”, một ám chỉ rõ ràng là vùng Transcarpathia của Ukraine, là một phần của Đế chế Áo-Hung trước Thế chiến thứ nhất và một phần của Hungary trước Thế chiến thứ hai. Khoảng 150.000 người dân tộc Hungary sống ở Ukraine trước khi Nga tiến quân hồi tháng 2.
Đại sứ quán Hungary cho biết họ “mong đợi những lời giải thích” từ giới lãnh đạo Ukraine về cách “hình dung sự hình thành mối quan hệ song phương và láng giềng tốt đẹp của chúng ta trong tương lai”, vì nhận xét của Danilov “không phải là lần đầu tiên một đại diện của lãnh đạo Ukraine đã nói theo cách này về Hungary - nước đã nhiều lần chứng minh sự ủng hộ và đoàn kết của mình với Ukraine”.
Thủ tướng Hungary Viktor Orbán đã lên án chiến dịch quân sự tại Ukraine nhưng đã kiềm chế không chỉ trích trực tiếp Tổng thống Nga Vladimir Putin. Đồng thời, Budapest cũng phản đối các lệnh trừng phạt của EU có thể ảnh hưởng dòng dầu khí của Nga đến Hungary. Do quyết định liên quan đến chính sách ngoại giao của EU dựa trên đồng thuận nên việc Hungary dùng quyền phủ quyết có thể khiến EU không thể đưa ra trừng phạt với Nga.
Theo nghị sĩ người Đức Sergey Lagodinsky phát biểu trên Politico, EU sẽ mạnh hơn nếu quy tắc thiểu số phục tùng đa số được sử dụng trong các quyết định liên quan chính sách đối ngoại.
Lagodinsky nói với Euronews: “Tình hình hiện nay cho thấy chúng ta có thể đạt được sự thống nhất chống lại mối đe dọa từ bên ngoài, nhưng sự thống nhất này rất mong manh. Việc phụ thuộc vào một người như Orbán - một đồng minh của Nga, người không ủng hộ tất cả các biện pháp và nơi chúng ta gặp các vấn đề khác, như vấn đề dân chủ - thực sự đã đặt Liên minh châu Âu vào một tình huống rất khó khăn và chúng ta chỉ có thể khắc phục được nếu chúng ta thoát khỏi quy luật đồng thuận này".