Thủ tướng Ý Mario Draghi vừa lên tiếng kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) từ bỏ nguyên tắc đồng thuận trong các quyết định về vấn đề đối ngoại.
Phát biểu trước Nghị viện châu Âu (EP) ngày 3.5, người đứng đầu chính phủ Ý cho rằng EU cần hướng đến cách tiếp cận thiểu số phục tùng đa số để đẩy nhanh các quyết định đáp trả Nga.
Draghi nói: “Một châu Âu có khả năng quyết định nhanh chóng là một châu Âu đáng tin cậy hơn đối với công dân của mình và thế giới". Theo Thủ tướng Ý, việc tất cả 27 quốc gia thành viên phải đồng ý về các vấn đề chính sách đối ngoại trước khi tiến hành, thường trì hoãn các quyết định quan trọng.
Đồng thời, chính điều này đang cản trở vòng trừng phạt thứ sáu mới đối với hoạt động xuất khẩu dầu và khí đốt của Moscow, khi thủ tướng Viktor Orbán của Hungary là một trong những trở ngại chính chính.
Theo nghị sĩ người Đức Sergey Lagodinsky, EU sẽ mạnh hơn nếu quy tắc thiểu số phục tùng đa số được sử dụng trong các quyết định liên quan chính sách đối ngoại.
Lagodinsky nói với Euronews: “Tình hình hiện nay cho thấy chúng ta có thể đạt được sự thống nhất chống lại mối đe dọa từ bên ngoài, nhưng sự thống nhất này rất mong manh. Việc phụ thuộc vào một người như Orbán - một đồng minh của Nga, người không đồng hành với tất cả các biện pháp và nơi chúng ta gặp các vấn đề khác, như vấn đề dân chủ - thực sự đã đặt Liên minh châu Âu vào một tình huống rất khó khăn và chúng ta chỉ có thể khắc phục được nếu chúng ta thoát khỏi quy luật đồng thuận này".
Lần cuối cùng các nước EU đồng ý với bất kỳ thay đổi lớn nào đối với khối là vào năm 2007, sau Hiệp ước Lisbon. Hiệp ước Lisbon cho phép EU áp dụng nguyên tắc đa số trong các quyết định liên quan đến nhiều lĩnh vực, chủ đề nhạy cảm như thuế, bảo đảm an ninh xã hội, gia nhập thành viên mới. Tuy nhiên, các chính sách về đối ngoại, an ninh, hợp tác cảnh sát vẫn yêu cầu đồng thuận của tất cả các quốc gia thành viên.
Trong quá khứ, Ý từng đưa đề nghị về cải cách này. Tuy nhiên, ý tưởng của Thủ tướng Draghi nhiều khả năng sẽ không có tính khả thi, bởi muốn được thông qua sẽ lại phải cần đến nguyên tắc đồng thuận tuyệt đối. Đương nhiên, một số nước sẽ không muốn đánh mất quyền phủ quyết, nhất là khi họ đang gặp các vấn đề đối ngoại như Hy Lạp, Croatia...
Và cũng giống như Hungary thì Slovakia cho biết họ sẽ không ủng hộ các biện pháp trừng phạt nhằm vào năng lượng của Nga mà châu Âu đang chuẩn bị. Slovakia nói rằng họ quá phụ thuộc vào những nguồn cung cấp đó và không có giải pháp thay thế ngay lập tức.