Triển vọng phát triển to lớn này đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư quốc tế, trong đó nhiều nhất là các công ty, doanh nghiệp đến từ các nước phát triển.
Ngày 22.11 tại Hà Nội, Hiệp hội Internet Việt Nam tổ chức Hội thảo, triển lãm Internet Day 2023 với chủ đề “Không gian mới, cơ hội mới cho Internet Việt Nam”.
Cơ hội vàng cho doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam
Ngược với bức tranh cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu dẫn đến cắt giảm nhân sự, cắt giảm ngân sách đầu tư công nghệ thông tin (CNTT), hàng tỉ USD từ các gã khổng lồ công nghệ thế giới (Nvidia, Meta, SpaceX, Foxconn, Samsung, LG, Intel…) lại đã, đang và chuẩn bị được ồ ạt rót vào Việt Nam.
Đây được coi là cơ hội vàng để doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam mở ra không gian tăng trưởng mới.
Phát biểu khai mạc Internet Day 2023, ông Vũ Hoàng Liên - Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam cho biết theo thống kê của ITU, số người sử dụng Internet toàn cầu trong năm 2023 đã tăng 100 triệu, chạm mốc 5,4 tỉ người, tương đương 67% dân số thế giới.
Theo thống kê của Wearesocial, tính đến tháng 1.2023, Việt Nam có 77,93 triệu người dùng Internet, tương đương 79,1% dân số. Báo cáo SEA 2023 vừa được Google và Temasek công bố đã nhận định kinh tế số Việt Nam đang trên đà phát triển và sẽ đạt 45 tỉ USD vào năm 2025. Báo cáo trên cũng đã đưa ra dự báo, trong khoảng 2022 - 2025, kinh tế Việt Nam sẽ có tốc độ tăng trưởng dẫn đầu khu vực, đạt khoảng 31%/năm.
Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam cho rằng các tổ chức quốc tế đang có những đánh giá khả quan đối với sự phát triển của kinh tế số nói chung và thương mại điện tử nói riêng tại Việt Nam.
Theo ông Vũ Hoàng Liên, trong tháng 7.2023, Bộ TT-TT đã định hướng 5 không gian mới sẽ có quy mô tương đương viễn thông vào năm 2025 và đến 2030 sẽ vượt xa viễn thông (bao gồm điện toán đám mây, nền tảng số, thương mại điện tử, công nghệ Make in Vietnam, an ninh mạng).
Bắt buộc phải chuyển đổi số
Tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ TT-TT Phạm Đức Long cho rằng chúng ta đang bước vào thời đại Internet thế hệ mới với sự bùng nổ của các công nghệ mới, như Internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo (AI), Blockchain, 5G/6G… với kết nối mật độ cao, độ trễ thấp, băng thông siêu rộng.
Thứ trưởng nhận định Việt Nam muốn trở thành nước phát triển có thu nhập cao thì bắt buộc phải chuyển đổi số. Chuyển đổi số, bất kể hình thức nào đều được xây dựng trên Internet và do đó, Internet luôn cần rộng hơn để đáp ứng yêu cầu của sự phát triển.
Theo Thứ trưởng Bộ TT-TT, Việt Nam là một trong số các quốc gia có tỷ lệ người dùng Internet mua sắm hàng hóa trực tuyến hàng tuần ở mức cao trên 60%, cao hơn mức trung bình toàn cầu 57,6%.
“Đây rõ ràng là cơ hội to lớn mà Internet đã và đang mang lại cho sự phát triển của Việt Nam. Triển vọng phát triển to lớn này đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư quốc tế, trong đó nhiều nhất là các công ty, doanh nghiệp đến từ các nước phát triển như Mỹ, Đức, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore...” - Thứ trưởng Phạm Đức Long cho biết.
Theo Thứ trưởng, Bộ TT-TT đã sớm xây dựng các hành lang pháp lý, ban hành các chính sách, chương trình tạo động lực cho đổi mới và phát triển.