Ngày 18.5, Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM cho hay đã có kết quả điều tra ban đầu về vụ 4 người nhà ăn chả lụa bị nôn ói, tiêu chảy, trong đó có 3 anh em ruột bị ngộ độc botulinum nặng và rơi vào tình trạng nguy kịch.
Theo điều tra, người bán bánh mì và chả lụa cho 4 người trên là ông Nguyễn Văn Tùng (66 tuổi, quê huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh), tạm trú tại lò bánh mì Thành Đạt (số 448, đường Lã Xuân Oai, phường Long Trường, TP.Thủ Đức, TP.HCM).
Theo lời khai của ông Tùng, bánh mì được ông lấy từ lò bánh mì Thành Đạt, còn chả lụa thì mua từ một người phụ nữ bán hàng rong xung quanh lò bánh mì.
Ngày 13.5, ông Tùng lấy 45 ổ bánh mì từ lò bánh mì Thành Đạt và 4 cây chả lụa (mỗi cây 2kg) từ người phụ nữ trên. Sau đó, ông Tùng đã bán hết 3 cây chả lụa và 37 ổ bánh mì trước đó; còn 1 cây chả lụa và 8 ổ bánh mì bán hết cho ông Hai Ký (gia đình của 4 bệnh nhân).
Gia đình bệnh nhân gồm 4 người là bà H. cùng 3 anh em ruột N.V.H (15 tuổi), N.V.Đ (12 tuổi) và N.T.X (10 tuổi). Chiều cùng ngày, cả 4 người trên đều có triệu chứng đau bụng, tiêu chảy, nôn ói nhưng không điều trị gì.
Đến sáng 14.5, cả 4 người trên đi khám tại phòng khám tư nhân và lấy thuốc về nhà uống. Buổi chiều cùng ngày, người nhà chở bé N.V.Đ đi khám tại Bệnh viện Quân y miền Đông. Khoảng 19 giờ cùng ngày, bé Đ. được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 2 điều trị. Riêng bà H. đã khỏi bệnh.
Ngày 15.5, người nhà chở 2 bé N.V.H và N.T.X đến Bệnh viện Nhi đồng 2 nhập viện điều trị. Hiện bé Đ. đang được điều trị tại phòng hồi sức tích cực; còn 2 bé H. và X. đang được theo dõi và điều trị tại Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Nhi đồng 2.
Bệnh viện Nhi đồng 2 chẩn đoán ban đầu là ngộ độc thức ăn. Riêng bé Đ. bị suy hô hấp phải đặt nội khí quản và chuyển qua hồi sức tích cực để điều trị với chẩn đoán ngộ độc thức ăn do độc tố botulinum.
Chia sẻ với phóng viên Một Thế Giới, bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM, cho biết Phòng quản lý ngộ độc đang đề nghị Phòng y tế TP.Thủ Đức tiếp tục xác minh số chả lụa đã bán trước đó cho ai; người phụ nữ cung cấp chả lụa, nơi sản xuất chả lụa, số chả lụa còn tồn; đồng thời rà soát trên địa bàn các trường hợp có sự cố do ăn chả lụa; báo cáo nhanh các tình huống phát sinh.
“Chúng tôi đang ráo riết điều tra, tìm người phụ nữ bán chả dạo cho ông Tùng, nhưng nói thật việc này đang gặp rất nhiều khó khăn”, bà Lan nói.
Trước đó, như Một Thế Giới thông tin, khoảng 9 giờ ngày 13.5, gia đình có 4 người (ngụ TP.Thủ Đức, TP.HCM) gồm 1 người dì cùng 3 anh em ruột N.V.H (15 tuổi), N.V.Đ (12 tuổi) và N.T.X (10 tuổi) có mua chả lụa từ người bán dạo không rõ nguồn gốc để ăn với bánh mì.
Sau khi ăn khoảng 12 - 18 giờ, cả 4 người đều bị đau bụng, buồn nôn, ói và tiêu chảy nhiều lần. Tiếp đó, họ từ từ xuất hiện các triệu chứng mệt mỏi, đau người và 3 bệnh nhi gồm: H., Đ., X. yếu cơ dần.
Ngày 14.5, cả 3 bệnh nhi trên được đưa vào Bệnh viện Nhi đồng 2 trong tình trạng mệt lả. Trong đó, bệnh nhi N.V.Đ (12 tuổi) có biểu hiện sụp mi, yếu 2 chân và đến 5 giờ sáng 15.5 thì bị suy hô hấp, phải đặt nội khí quản thở máy
Hai bệnh nhi còn lại là N.V.H (15 tuổi) và N.T.X (10 tuổi) cũng có biểu hiện sụp mi, yếu chân vào chiều 14.5. Và đến sáng 15.5, cả hai bé này cũng xuất hiện sụp mi mắt, yếu dần tứ chi, sức cơ khoảng 4/5 nên Bệnh viện Nhi đồng 2 đã mời bác sĩ Khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy hỗ trợ do nghi ngờ các bệnh nhân bị ngộ độc.
Sau đó, các bác sĩ của 2 bệnh viện đã hội chẩn và thống nhất chẩn đoán nghi ngờ nhiễm độc botulinum do ăn chả lụa. Đến 19 giờ cùng ngày, các xét nghiệm cận lâm sàng phù hợp với chẩn đoán ngộ độc botulinum.