Giới mỹ thuật trong và ngoài nước đang kêu gọi “giải cứu” hai phù điêu do các họa sĩ họa sĩ trường Mỹ thuật Đông Dương các khóa đầu đã thực hiện đang bị mắc kẹt trên một tuyến phố cấm ở Hà Nội.
Nhà nghiên cứu mỹ thuật Phạm Long vừacông bố phát hiện của ông về một di sản mỹ thuật quý giá tại Hà Nội. Đây chính là hai bức phù điêu được các giáo sư và sinh viên khóa 1 và 2 trường Mỹ thuật Đông Dương sáng tác vào khoảng 1929-1930. Nhóm sáng tác gồm danh họa Vũ Cao Đàm, Georges Khánh, Lê Tiến Phúc.
Thế nhưng, tình trạng không thể tiếp cận vì nó nằm trên một tuyếnphố cấm ở Hà Nội do đây là khu vực của cơ quan Bộ Công An.
Bức tường có phù điêu trang trí tại Trường Mỹ thuật Đông Dương - Ảnh: Ngô Kim Khôi cung cấp
Trang cá nhân nhà nghiên cứu Phạm Long viết: “Giới mỹ thuật và người dân thủ đô vẫn kể cho nhau về hai bức phù điêu khổng lồ nằm trên bức tường phía sau nhà dạy hình họa của ĐH Mỹ thuật. Đây cũng là ngôi nhà sót lại của Trường Mỹ thuật Đông Dương. Chỉ có điều, đoạn phố dọc theo hông trường này từ lâu đã bị rào chắn lại. Chỉ những ai đi qua đoạn đường này trước những năm 1960 khi “phố chưa cấm” thì mới có cơ hội trông thấy rõ hai bức phù điêu. Nhờ những người bạn của di sản, chúng tôi có trong tay hình ảnh về hiện trạng hai phù điêu này”.
Bức tường có phù điêu trang trí tại Trường Mỹ thuật Đông Dương - Ảnh: Ngô Kim Khôi cung cấp
Thông tin trên cũng được ông Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật VN xác nhận 2 tấm phù điêu trên nằm ở mặt sau trường Đại học Mỹ thuật, thuộcđoạn phố Trần Quốc Toản kéo dàinối ra đường Lê Duẩn (đường Nam Bộ trước kia). Điều trớ trêu là trong một thời điểm trước đây, đoạn phố đã được 'quy hoạch' thành khu vực cấm để đảm bảo yếu tố an ninh cho khu vực quanh toànhà của Bộ công an.Vì thế việc tiếp cận, ngắm nhìn hai bức phù điêu gần như không thể với người dân.
“Hồi đó (Quốc hội khóa 11), tôi cũng đề nghị Bộ Công an có thể mở con đường đó trở lại không. Nếu mở con đường đó trở lại thì người dân đi qua chiêm ngưỡng được phần sau của Trường Mỹ thuật và phù điêu sẽ tốt hơn”, ông Chương nói.
3 sinh viên Lê Tiến Phúc, Georges Khánh và Vũ Cao Đàm trước phác họa bức phù điêu- Ảnh:Ngô Kim Khôi cung cấp
Khi nhận được thông tin hai bức phù điêu đang bị kẹt trên tường ở Hà Nội, nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi (Paris Pháp) cũng đã cung cấp cho báo giới nhiều tư liệu quý về di sản này.
“Tôi đã biết sự hiện diện của bức phù điêu này trong nhiều năm trước, khi tìm hiểu tài liệu do họa sĩ Victor Tardieu để lại. Trong lần thăm trường Mỹ thuật Hà Nội năm 2018, tôi có ý định tham quan bức phù điêu ấy, nhưng đáng tiếc là giờ đây nó nằm trong con đường cấm phía bên kia bức tường của trường”, nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi nói.
Bức tường có phù điêu trang trí tại Trường Mỹ thuật Đông Dương -Ảnh: Ngô Kim Khôi cung cấp
Về hai bức phù điêu, nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi cho biết: “Theo báo cáo của Tardieu, dưới số hiệu 506D, một phù điêu trang trí sảnh lớn của Cung Đông Dương (Palais Indochine) do ba sinh viên của Trường Mỹ thuật Đông Dương là Georges Khánh, Vũ Cao Đàm và Lê Tiến Phúc thực hiện, dưới sự chỉ đạo của giáo sư Charles-Jean Christian (Viện Lịch sử Nghệ thuật Quốc gia Pháp, IHNA, lưu trữ 125, Tardieu). Cũng theo báo cáo trên, phù điêu có kích thước: dài 39 m, cao 2m”.
Bức tường có phù điêu trang trí tại Trường Mỹ thuật Đông Dương -Ảnh: Ngô Kim Khôi cung cấp
Giới mỹ thuật nhận định hai phù điêu không chỉ có giá trị về mặt nghệ thuật mà còn mang giá trị về văn hóa lịch sử,vìvậy cần phải có phương án bảo tồn và phát huy những trị của nó. Nhà nghiên cứuphê bình mỹ thuậtPhạm Longđề nghị “Các cơ quan hữu quan cần lập hội đồng đánh giá hiện trạng vật lý và cấp độ/giá trị di sản (cấp quốc gia?) của các phù điêu này. Tất nhiên cần có sự hợp tác tích cực của Bộ Công an và thành phố Hà Nội. Rất cần lập hồ sơ để công nhận di sản và tìm phương án bảo tồn tối ưu nhất cho hiện vật”.
“Các cơ quan có thẩm quyền nên khảo sát để đưa ra các biện pháp bảo vệ tốt nhất di sản hiếm hoi này. Theo thiển ý của tôi nên chuyển bức phù điêu này vào Bảo tàng Mỹ thuật Hà Nội, để khỏi phải dầm mưa dãi nắng làm hư hỏng thêm” – Nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi đề nghị.
Hiện nhiều họa sĩ nhà nghiên cứu cả trong và ngoài nước dự kiến sẽ gửi đơn cho các cơ quan quản lý văn hóa đề xuất các phương án bảo tồn các biện pháp tối ưu nhất để “giải cứu” cho hai bức phù điêu quý này.
Tiểu Vũ