Bác sĩ đa khoa, tổng quát rất ít, chỉ những sinh viên mới tốt nghiệp đại học y ra trường làm bác sĩ tổng quát, đa khoa nhưng sau đó cũng học chuyên khoa 1, chuyên khoa 2 hay thạc sĩ, tiến sĩ. Vì thế lực lượng bác sĩ tổng quát tại Việt Nam rất khan hiếm, nhưng đây lại là nguồn lực đang rất cần cho hoạt động khám chữa bệnh hiện nay.
Chia sẻ tại buỗi lễ thành lập Khoa y tế công cộng, Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM) hôm 30.9, GS.TS.BS Lê Hoàng Ninh-nguyên Viện trưởng Viện y tế công cộng TP.HCM (Bộ Y tế) cho rằng 1 người tốt nghiệp bác sĩ, trong 35 năm hành nghề của mình, chỉ có 5 năm làm bác sĩ đa khoa, tổng quát; còn lại 30 làm bác sĩ chuyên khoa. Điều đó cho thấy, nguồn lực bác sĩ chuyên khoa là rất lớn, còn bác sĩ đa khoa, tổng quát là rất ít.
Trong khi đó, theo Giáo sư Ninh, trên thế giới trong 20 năm qua, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân đã thay đổi, chăm sóc sức khỏe thường gặp đã chiếm thế “thượng phong” với khoảng 70% đến 80%; còn chăm sóc chuyên sâu chỉ 20 đến 30%. Riêng tại Việt Nam trong 20 năm qua, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân đã có sự thay đổi đang kể. Nếu như vào năm 1990 bệnh nhiễm trùng có nhu cầu chăm sóc rất cao lên đến 70% thì đến năm 2010 chỉ còn 30%; trong khi đó bệnh không nhiễm trùng từ 30% vào năm 1990 thì đến năm 2010 nhu cầu khám, chữa loại bệnh này lên đến 70%.
Bên cạnh đó, trong 20 năm qua tuổi thọ của người dân Việt Nam đã tăng lên chóng mặt. Nếu như năm 1990 tuổi thọ trung bình của người dân Việt Nam là 65 tuổi thì đến năm 2010 đã lên đến 73 tuổi. “Không một quốc gia nào trên thế giới có tốc độ gia tăng tuổi thọ nhanh như Việt Nam”, Giáo sư Ninh khẳng định.
Chính vì tuổi thọ tăng nhanh nên theo Giáo sư Ninh, các bệnh không lây nhiễm ở nước ta cũng tăng lên chóng mặt. Theo dự kiến của tổ chức Y tế thế giới, đến năm 2020 bệnh không lây trên thế giới sẽ chiếm 2/3 (khoảng 67%) tổng số bệnh tật, nhưng Việt Nam mới đến năm 2010 bệnh không lây đã chiếm đến 2/3.
Như vậy có thể thấy những bệnh nhẹ, bệnh không lây nhiễm đang có nhu cầu khám chữa bệnh tăng lên; còn những bệnh nặng nhu cầu giảm xuống. Điều đó cũng có nghĩa nhu cầu khám chữa bệnh dành cho bác sĩ đa khoa, tổng quát cao hơn rất nhiều so với bác sĩ chuyên khoa.
“Hiện nay bác sĩ đa khoa, tổng quát rất khan hiếm, nhất là ở các TP lớn khiến cho những người bệnh nhẹ, bệnh đơn giản cũng ồ ạt kéo lên tuyến trên chữa trị ở các sĩ chuyên khoa mà lẽ ra những bệnh này dành cho các bác sĩ tổng quát, bác sĩ đa khoa. Đây chính là nguyên nhân gây ra tình trạng quá tải ở các bệnh viện. Khi nào Việt Nam có đủ bác sĩ tổng quát, bác sĩ đa khoa sẽ hết quá tải bệnh viện. Chính vì thế trong thời gian tới, nguồn nhân lực y tế công cộng sẽ rất cần thiết hết hơn bao giờ hết. Và đây chính là chìa khóa để giảm tải cho các bệnh viện”, Giáo sư Ninh nhận định.
PSG.TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp-Phó hiệu trưởng Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, kiêm Trưởng khoa Y tế công cộng cho biết trong thời gian qua trường này đã đào 5 bộ môn thuộc liên bộ môn y tế cộng cộng. Trên cở sở những bộ môn thuộc y tế công cộng sẵn có, khoa được thành lập gồm 9 bộ môn (tổ chức – quản lý y tế; dịch tễ học, tin học – thống kê y học; sức khỏe môi trường và lao động; khoa học hành vi và giáo dục sức khỏe; dinh dưỡng – an toàn thực phẩm; y đức – pháp luật; sức khỏe cộng đồng và dân số học) và một số đơn vị, trung tâm thuộc khoa.
Trước mắt khoa sẽ đảm bảo mỗi bộ môn có 1 trưởng bộ môn có trình độ từ tiến sĩ trở lên, 1 phó bộ môn và 1 giáo vụ bộ môn chung cho đại học và sau đại học.
“Chúng tôi phấn đấu tất cả các giảng viên đều phải có học vị từ thạc sĩ trở lên. Đến năm 2025 khoa sẽ phấn đấu có 6 phó giáo sư, 15 tiến sĩ cùng với đó là một đội ngũ đông đảo giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ mời giảng sau khi nhỉ hưu, bác sĩ Hiệp cho biết thêm.
Hồ Quang