Ngày 29.9, cầu Vàm Cống bắc qua sông Hậu nối liền địa bàn H.Lấp Vò (Đồng Tháp) và Q.Thốt Nốt (TP.Cần Thơ) đã chính thức hợp long.

Hợp long chiếc cầu thứ 2 bắc ngang sông Hậu

Hồ Hùng | 29/09/2017, 17:37

Ngày 29.9, cầu Vàm Cống bắc qua sông Hậu nối liền địa bàn H.Lấp Vò (Đồng Tháp) và Q.Thốt Nốt (TP.Cần Thơ) đã chính thức hợp long.

Cầu Vàm Cống là cây cầu thứ 2 sau cầu Cần Thơ bắc qua sông Hậu thuộc địa phận H.Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp và Q.Thốt Nốt, TP.Cần Thơ.

Cầu này nằm cách bến phà Vàm Cống khoảng 1,5 km về phía hạ lưu và cách cầu Cần Thơ khoảng 48 km về phía thượng lưu. Đây là một hợp phần quan trọng thuộc Dự án kết nối khu vực trung tâm đồng bằng Mê Kông.

Ông Trần Văn Phi - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long - Bộ GTVT (chủ đầu tư), cho biết: “Sau 1.403 ngày thi công liên tục, đến nay 2 bờ sông Hậu đã được nối liền. Các hợp phần của dự án cơ bản đã hoàn thành, đúng tuyến độ, đảm bảo chất lượng, an toàn. Các hợp phần còn lại sẽ tiếp tục hoàn thiện và triển khai khẩn trương để đảm bảo hoàn thành toàn dự án trong năm 2017”.

Cầu Vàm Cống được thiết kế với 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ, dải phân cách, dải an toàn, vận tốc thiết kế 80 km/h. Quy mô mặt cắt ngang là 24,5 m. Tổng chiều dài cầu 2,9 km, tổng mức đầu tư hơn 271 triệu USD (tương đương 5.700 tỉ đồng), sử dụng nguồn vốn ODA ưu đãi của chính phủ Hàn Quốc và vốn đối ứng của chính phủ Việt Nam.

Cầu Vàm Cống

Trước đó, vào ngày 1.9, cầu Cao Lãnh bắc qua sông Tiền thuộc TP.Cao Lãnh và H.Lấp Vò (Đồng Tháp) cũng đã hợp long. Cầu dài hơn 2 km, mặt cầu rộng 24,5 m, gồm 4 làn ôtô và 2 làn xe thô sơ, tổng mức đầu tư trên 3.000 tỉ đồng từ nguồn viện trợ không hoàn lại của chính phủ Australia, vốn vay Ngân hàng Phát triển châu Á và vốn đối ứng của chính phủ Việt Nam.

Dự án kết nối khu vực trung tâm đồng bằng Mê Kông bao gồm cầu Vàm Cống, cầu Cao Lãnh và tuyến nối 2 cầu có tổng chiều dài 28 km đã được khởi công xây dựng từ tháng 10.2013, tổng mức đầu tư dự án gần 19.500 tỉ đồng sẽ được thông xe vào cuối năm nay, đảm nhận vai trò kết nối giao thông thay cho 2 tuyến phà hiện hữu.

Bộ GTVT cũng đang xúc tiến đẩy nhanh tiến độ tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi có tổng mức đầu tư gần 6.694 tỉ đồng, sử dụng nguồn vốn vay ODA của chính phủ Hàn Quốc và vốn đối ứng của Việt Nam. Dự án có điểm đầu đấu nối vào đường dẫn cầu Vàm Cống, điểm cuối tại Km53+279 thuộc địa bàn H.Châu Thành (Kiên Giang).

Khi tuyến đường này hoàn thành thì từ Củ Chi (TP.HCM) có thể theo tuyến N2 tới cầu Cao Lãnh, cầu Vàm Cống qua Lộ Tẻ - Rạch Sỏi đi đến hành lang ven biển phía Nam (Kiên Giang). Dự án sẽ tạo nên một tuyến đường cao tốc phía Tây ĐBSCL, kết nối tỉnh Tây Nguyên, Đông Nam Bộ đi các tỉnh miền Tây Nam Bộ, đến Kiên Giang và Cà Mau.

Thanh Ngọc
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Công nghiệp bán dẫn - Việt Nam cần nắm bắt cơ hội 'nghìn năm có một'
12 giờ trước Nhịp đập khoa học
Việt Nam đang có cơ hội “nghìn năm có một” để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hợp long chiếc cầu thứ 2 bắc ngang sông Hậu