Niềm tin chính trị quan trọng hơn nhiều thành tựu kinh tế trong việc quyết định một tổng thống Mỹ có thể đắc cử nhiệm kỳ thứ hai hay không. Donald Trump không nhất thiết phải ngay lập tức thực hiện những lời hứa về chương trình kinh tế đầy tham vọng của mình, mà điều cần thiết nhất lúc này là tạo ra được niềm tin rằng ông có đủ năng lực để lãnh đạo nước Mỹ.

Khi Tổng thống Mỹ bỗng dưng bất lực

Nhàn Đàm | 28/03/2017, 05:22

Niềm tin chính trị quan trọng hơn nhiều thành tựu kinh tế trong việc quyết định một tổng thống Mỹ có thể đắc cử nhiệm kỳ thứ hai hay không. Donald Trump không nhất thiết phải ngay lập tức thực hiện những lời hứa về chương trình kinh tế đầy tham vọng của mình, mà điều cần thiết nhất lúc này là tạo ra được niềm tin rằng ông có đủ năng lực để lãnh đạo nước Mỹ.

          

Tân Tổng thống Mỹ Donald Trump có lẽ đã tự hào rằng ông là một thiên tài kinh tế, khi đã tạo ra khá nhiều việc làm, làm nợ quốc gia của Mỹ giảm 12 tỉ USD và khiến thị trường chứng khoán tăng vọt, tất cả đều đến chỉ trong vòng có 2 tháng đầu tiên của nhiệm kỳ sau khi nhậm chức. Tuy nhiên, hầu hết những tuyên bố trên là không thực sự chính xác, khi hầu hết trong số đó được xem như thành quả của một nền kinh tế ở trong tình trạng tốt mà cựu Tổng thống Obama đã để lại hơn là do những chính sách ông Trump ban hành (rất ít) tạo ra.

Dĩ nhiên, ông Trump cần một chút khoe khoang ở thời điểm hiện tại, khi đã đưa ra quá nhiều chỉ trích trong quá trình tranh cử rằng nền kinh tế Mỹ đã bị tác động tiêu cực bởi các động thái chính trị trong nhiều năm qua. Và rằng, ông sẽ làm mọi thứ cần thiết để đưa nền kinh tế tăng trưởng nhanh hơn và tốt hơn nữa. Nhưng, một nghịch lý lớn đối với vị tân tổng thống, đó là bất chấp những lời chỉ trích về những tác động mà chính trị đã gây ra thì Donald Trump cũng đã thừa hưởng một nền kinh tế đang trong tình trạng khá tốt: tỷ lệ thất nghiệp thấp, tốc độ tăng trưởng ổn định và khả quan, đi kèm với đó là tốc độ tăng lương cho người lao động ở mức chấp nhận được.

So với các đời tổng thống Mỹ được xem là thành công nhất trong việc vực dậy và điều hành nền kinh tế đất nước trong lịch sử, như Franklin D. Roosevelt hay Ronald Reagan, thì những gì mà Donald Trump có trong tay sau khi nhậm chức có thể xem là quá lý tưởng. Cả Roosevelt lẫn Reagan đều phải đối mặt với một nền kinh tế đang rơi vào trong khủng hoảng. Roosevelt phải đối mặt với hậu quả khủng khiếp từ cuộc đại khủng hoảng kinh tế 1930 để lại, trong khi Reagan phải xử lý những hệ quả do cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ năm 1930 gây ra. Barack Obama có thể không được xem là một trong những tổng thống thành công nhất lịch sử về kết quả điều hành kinh tế, nhưng vị tổng thống da màu đầu tiên của Mỹ cũng đã phải trải qua điều tương tự như 2 người tiền nhiệm trong quá khứ, khi thời điểm nhậm chức cũng là lúc ông Obama phải dọn dẹp những hậu quả do cuộc khủng hoảng 2007-2008 gây ra.

Và những gì Donald Trump đang làm để thực hiện lời hứa to tát của mình sau 2 tháng tại vị đầu tiên có lẽ không thể coi là khả quan được. Nền tảng cơ bản cho chính sách kinh tế của vị tân tổng thống là cắt giảm thuế lớn và tăng chi tiêu vào đầu tư cơ sở hạ tầng để khiến nền kinh tế bùng nổ với tốc độ tăng trưởng khoảng 4%/năm. Tuy vậy, những gì chính phủ của ông Trump đạt được đến thời điểm này thì thật đáng thất vọng: các nhà lãnh đạo của đảng Cộng hòa đang kiểm soát lưỡng viện thì ưu tiên nhất cho việc tìm cách bãi bỏ và thay thế chương trình chăm sóc sức khỏe của cựu Tổng thống Obama. Họ đã thất bại và qua đó phô bày những mâu thuẫn trong hàng ngũ lãnh đạo của mình.

Có thể nói, 2 tháng đầu tiên sau khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức gần như đã bị lãng phí hoàn toàn, trong khi đây là khoảng thời gian quan trọng nhất để một tân tổng thống đưa ra các quyết định quan trọng nhất để định hình chính sách cơ bản của mình. Những đề xuất về đầu tư hạ tầng cơ sở bao gồm tu sửa lại các hệ thống đường cao tốc, cảng biển và sân bay của ông Trump đã bị hoãn. Bản thân kế hoạch ngân sách đề xuất lên Quốc hội của ông Trump cũng bao gồm việc cắt giảm một phần chi phí đầu tư cho hạ tầng – trái ngược lại với những gì đã cam kết khi tranh cử.

Các vấn đề trọng tâm khác trong chính sách kinh tế của Donald Trump cũng được dự báo là không dễ dàng để có thể triển khai trong thực tế. Điển hình là chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và thu nhập cá nhân quy mô lớn. Tân Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin cho biết việc thông qua đề xuất cắt giảm thuế của chính quyền Trump sẽ dễ dàng được Quốc hội chấp thuận hơn nhiều so với việc hủy bỏ chương trình chăm sóc sức khỏe Obamacare vừa bị thất bại. Tuy nhiên, một thực tế là trong hơn 30 năm qua, hệ thống thuế của Mỹ gần như chưa trải qua một cuộc cải tổ lớn nào, và việc thay đổi nó ở thời điểm hiện tại có lẽ còn khó hơn việc thuyết phục Quốc hội hủy bỏ Obamacare.

Một thách thức gay go khác mà Donald Trump sẽ phải đối mặt để thực hiện được chính sách kinh tế của mình, đó là việc ai sẽ là người thay thế Janet Yellen làm Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED). Bà Yellen sẽ hết hạn nhiệm kỳ vào tháng 2.2018, và nếu nền kinh tế Mỹ chưa thể đạt được tốc độ tăng trưởng cao như ông Trump mong muốn vào thời điểm đó, thì việc ai sẽ kế nhiệm bà Yellen sẽ trở nên vô cùng quan trọng, nhất là khi dưới sự chỉ đạo của bà Yellen thì FED hiện đang bắt đầu tăng lãi suất để kiểm soát nền kinh tế một cách chặt chẽ khỏi nguy cơ bùng nổ tăng trưởng theo cách không an toàn.

Về cơ bản, trong tư duy kinh tế của mình thì có vẻ như Donald Trump là một vị tổng thống yêu thích chính sách lãi suất thấp. Điều trớ trêu là điều đó lại khiến ông Trump xích lại gần hơn với bà Janet Yellen hơn là những cộng sự trong đảng Cộng hòa luôn tỏ ra lo ngại về việc lãi suất không đủ cao có thể khiến nền kinh tế Mỹ rơi vào cái bẫy tăng trưởng nóng vốn luôn tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ. Vì thế, có lẽ sẽ là rất khó để Donald Trump thuyết phục được bà Yellen ở lại tiếp tục giữ cương vị, khi chắc chắn sẽ phải đối mặt với sự phản đối từ nội bộ đảng Cộng hòa. Chưa kể đến việc ông Trump trong quá trình tranh cử đã không ít lần công kích bà Yellen khiến vị Chủ tịch FED cho biết bà không thoải mái nếu phải hợp tác với vị tỷ phú này.

Thực tế đã chứng minh, niềm tin chính trị quan trọng hơn nhiều so với các thành tựu kinh tế trong việc quyết định xem một tổng thống Mỹ có thể đắc cử nhiệm kỳ thứ hai hay không. Khi Ronald Reagan và Barack Obama bắt đầu tranh cử nhiệm kỳ 2, thì tỷ lệ thất nghiệp khi đó gần như tương đương so với mức khi họ mới nhậm chức. Chính việc tạo ra niềm tin chắc chắn trong người dân Mỹ về sự thay đổi đã giúp Reagan và Obama chiến thắng để tại vị nhiệm kỳ thứ 2 và đưa nền kinh tế ổn định trở lại.

Nói cách khác, Donald Trump không nhất thiết phải ngay lập tức thực hiện những lời hứa về chương trình kinh tế đầy tham vọng của mình, mà điều cần thiết nhất lúc này là tạo ra được niềm tin rằng ông có đủ năng lực để lãnh đạo nước Mỹ. Theo khía cạnh đó thì 2 tháng đầu tiên bị lãng phí vừa qua khó có thể coi là khả quan, nhưng nếu nhận thức được cốt lõi vấn đề thì vị tân tổng thống đầy nhiệt tình vẫn còn đủ thời gian để thay đổi.

Nhàn Đàm (theo Bloomberg)

   
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Điểm mới của lễ trao Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 7
1 giờ trước Văn hóa
Ngày 22.11, Ban tổ chức Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 7 tổ chức họp báo thông tin về lễ trao giải sẽ diễn ra vào ngày 29.11 tại Nhà hát lớn Hà Nội.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khi Tổng thống Mỹ bỗng dưng bất lực