Chiều 6.9, Công an TP.HCM tổ chức cung cấp thông tin báo chí về kết quả điều tra vụ án "Hành hạ người khác" xảy ra tại Mái ấm Hoa Hồng, quận 12.
Theo dòng thời sự

Khởi tố, bắt tạm giam 2 bảo mẫu tại Mái ấm Hoa Hồng

Tú Viên 18:12 06/09/2024

Chiều 6.9, Công an TP.HCM tổ chức cung cấp thông tin báo chí về kết quả điều tra vụ án "Hành hạ người khác" xảy ra tại Mái ấm Hoa Hồng, quận 12.

Công an TP.HCM cho biết, ngay sau khi tiếp nhận nguồn tin của Báo Thanh Niên về sự việc một số bảo mẫu tại Mái ấm Hoa Hồng (số L50, L52, số 467, đường Tô Ký, khu phố 12, phường Trung Mỹ Tây, quận 12) có hành vi đánh đập, ngược đãi đối với các cháu bé đang được nuôi dưỡng tại nhóm trẻ này, Giám đốc Công an TP.HCM đã chỉ đạo Phòng Cảnh sát hình sự và Công an quận 12 khẩn trương kiểm tra, xác minh nguồn tin; phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức kiểm tra trực tiếp.

bao-mau-4868-1725617983.jpg
Bị can Diệp Ngọc Tuyền tại cơ quan điều tra - Ảnh: Công an cung cấp

Bước đầu, công an xác định, cơ sở bảo trợ xã hội Mái ấm Hoa Hồng được Phòng Lao động - Thương binh và xã hội (LĐ-TB-XH) quận 12 cấp phép hoạt động từ tháng 7.2023 đến nay. Cơ sở do bà Giáp Thị Sông Hương (SN 1974, cư trú quận Gò Vấp) là người đại diện theo pháp luật và trực tiếp quản lý.

Cơ sở chuyên trợ giúp, nuôi dưỡng các trẻ em cơ nhỡ, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em mồ côi, sống lang thang với quy mô chăm sóc không quá 39 trẻ. Tuy nhiên, sau khi báo chí phản ánh về việc Mái ấm Hoa Hồng như "địa ngục trần gian" đối với trẻ em được nuôi dưỡng tại cơ sở này, lực lượng chức năng quận 12 kiểm tra và phát hiện tại đây đang có 86 trẻ. Trong đó, 15 trẻ sơ sinh; 36 trẻ từ 1 - 2 tuổi; 31 trẻ từ 3 - 5 tuổi đang học tại Trường mầm non Sóc Bông; 3 trẻ từ 6 - 12 tuổi và 1 trẻ đang điều trị bệnh tại bệnh viện. Có 15 nhân viên đang phục vụ tại Mái ấm Hoa Hồng.

Đáng chú ý, trước đó, Phòng LĐ-TB-XH quận 12 cùng các đơn vị liên quan đã kiểm tra cơ sở này 2 lần nhưng không phát hiện sai phạm.

a-nh-1-do-i-tu-o-ng-nguye-n-th-1408-9043-1725610306.jpg
Nguyễn Thị Ngọc Cẩm tại cơ quan điều tra - Ảnh: Công an cung cấp

Khẩn trương thu thập tài liệu, chứng cứ và áp dụng các biện pháp điều tra theo quy định, đến thời điểm hiện nay, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM có đầy đủ chứng cứ và cơ sở pháp lý vững chắc xác định Nguyễn Thị Ngọc Cẩm (SN 1978, nơi cư trú: ấp Xuân Thiện, xã Xuân Thiện, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai) và Diệp Ngọc Tuyền (SN 1977, nơi cư trú: Ấp 4, thị trấn Long Phú, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng) đã nhiều lần đánh vào cơ thể của một số cháu bé trong Mái ấm Hoa Hồng.

Ngày 6.9, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, ra lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Nguyễn Thị Ngọc Cẩm, Diệp Ngọc Tuyền về tội “Hành hạ người khác” theo Điều 140 Bộ luật Hình sự, đồng thời tiếp tục điều tra, làm rõ hành vi của các đối tượng có liên quan để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật; rà soát, làm rõ những sơ hở, thiếu sót trong quá trình quản lý các cơ sở bảo trợ xã hội để kiến nghị các cơ quan, tổ chức có liên quan khẩn trương khắc phục, không để xảy ra vụ việc tương tự.

Trước đó, ngày 5.9, Công an TP.HCM đã tạm giữ bà Giáp Thị Sông Hương (SN 1974) cùng một số người khác để điều tra các dấu hiệu bạo hành trẻ em và trục lợi quà từ thiện của các nhà hảo tâm.

Để đảm bảo an toàn cho trẻ được chăm sóc, nuôi dưỡng, UBND quận 12 đã chỉ đạo Phòng LĐ-TB-XH, UBND phường Trung Mỹ Tây phối hợp tổ công tác của Sở LĐ-TB-XH đưa 86 trẻ tại Mái ấm Hoa Hồng về các cơ sở bảo trợ thuộc Sở LĐ-TB-XH để tiếp tục, chăm sóc nuôi dưỡng theo quy định.

Cụ thể: 32 trẻ vào Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Tam Bình; 36 trẻ vào Làng Thiếu niên Thủ Đức; 15 trẻ vào Làng trẻ em Gò Vấp; 2 trẻ được gia đình tiếp nhận; 1 trẻ đang nằm Bệnh viện Nhi đồng điều trị bệnh viêm phổi.

UBND quận 12 cũng đã quyết định đình chỉ, thu hồi giấy phép hoạt động của cơ sở Mái ấm Hoa Hồng; giao Phòng Nội vụ tham mưu làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức có liên quan trong công tác quản lý nhà nước để xảy ra sai phạm tại cơ sở này.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 3: Hiến kế phát triển nghề
Để nghề sản xuất muối vượt qua khó khăn, làm tiền đề để nâng cao đời sống và có nhiều hơn những hộ khá giàu, bà con diêm dân đã mạnh dạn hiến kế để chính quyền địa phương xem xét, lựa chọn kế sách phù hợp, từng bước đưa nghề muối ở Bạc Liêu phát triển bền vững, diêm dân sống được với nghề vốn được xem là truyền thống.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khởi tố, bắt tạm giam 2 bảo mẫu tại Mái ấm Hoa Hồng