Ban soạn thảo Dự thảo sửa đổi Nghị định 83 đã thống nhất giữ lại Quỹ bình ổn giá xăng dầu vì một số lý do quan trọng.

Không bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu

tuyetnhung | 11/12/2019, 17:28

Ban soạn thảo Dự thảo sửa đổi Nghị định 83 đã thống nhất giữ lại Quỹ bình ổn giá xăng dầu vì một số lý do quan trọng.

Xác nhận với báo điện tử Một Thế Giới chiều 11.12, ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) - Phó Trưởng Ban soạn thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 83 cho biết, Ban soạn thảo Dự thảo sửa đổi Nghị định 83 đã thống nhất giữ lại Quỹ bình ổn giá xăng dầu vì một số lý do quan trọng.

Ông Đông lý giải, xăng dầu là mặt hàng thiết yếu ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng, cần kiểm soát theo luật giá. Đây là mặt hàng cần đảm bảo an ninh năng lượng.

"Tại 2 cuộc họp gần đây, Ban soạn thảo đã thống nhất vẫn giữ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu để có công cụ điều tiết và bình ổn giá phù hợp nhằm kiểm soát CPI, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội. Việc sửa đổi lần này vẫn theo quan điểm chỉ đạo của Chính phủ là nền kinh tế thị trường có sự quản lý của nhà nước, muốn điều tiết và can thiệp thị trường vẫn cần phải có công cụ", ông Đông chia sẻ.

Đánh giá về Nghị định 83, ông Trần Duy Đông cho biết, kể từ khi có Nghị định 83, công tác điều hành kinh doanh xăng dầu ngày càng công khai, minh bạch hơn. Nghị định 83 đã quy định cụ thể về công thức tính toán giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu.

Bên cạnh đó, quy định còn đáp ứng được yêu cầu bảo đảm các thương nhân đủ năng lực tham gia kinh doanh, cung ứng đủ xăng dầu cho sản xuất, tiêu dùng. Các thương nhân đáp ứng đủ điều kiện tối thiểu theo quy định đều được kinh doanh xăng dầu.

Các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu được chủ động quyết định giá bán lẻ xăng dầu nhưng không cao hơn giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu do Liên Bộ Công Thương - Tài chính công bố. Đã có sự cạnh tranh về giá xăng dầu giữa các thương nhân phân phối xăng dầu, thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu. Qua đó doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng được hưởng lợi cũng như được lựa chọn mua xăng dầu với các mức giá phù hợp.

Ông Trần Duy Đông cũng chia sẻ thêm một số nội dung chính dự kiến sửa đổi Nghị định 83 như: Quy định về điều kiện kinh doanh và hệ thống phân phối xăng dầu; Về đối tượng quản lý; Về cơ chế điều hành giá xăng dầu; Nội dung về công thức tính giá cơ sở mặt hàng xăng dầu; Về Quỹ Bình ổn giá xăng dầu; Rà soát quy định về thuế nhập khẩu xăng dầu, chế độ ghi chép và hoạch toán tại doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu; Về điều kiện phòng thử nghiệm trong quản lý chất lượng xăng dầu...

Trước đó, giới chuyên gia đều cho rằng cần thiết phải bỏ Quỹ bình ổn xăng dầu, vì việc tồn tại Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đang khiến người tiêu dùng chịu thiệt hơn là lợi khi thực chất là người tiêu dùng đang phải ứng trước cho quỹ này.

Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) cũng đã nhiều lần kiến nghị các Bộ, ngành và Chính phủ xem xét lại việc sử dụng, duy trì quỹ này. Trong văn bản gửi Chính phủ hồi tháng 4, Hiệp hội này lập luận, việc trích lập Quỹ 300 đồng một lít theo quy định tại Nghị định 83 đang khiến "người tiêu dùng chịu thiệt hơn là lợi".

Đề cập tới Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải từng khẳng định việc sử dụng Quỹ Bình ổn giá giúp cho việc điều hành kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI), chỉ số GDP cả năm đồng thời đảm bảo hài hoà lợi ích của 3 bên: Người dân, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu và Nhà nước.

Vị lãnh đạo Bộ Công Thương cũng không ít lần chia sẻ với tư cách cá nhân rằng ông rất muốn bỏ Quỹ bình ổn giá để “cong ăn cong, thẳng ăn thẳng”. Tuy nhiên, ông cũng nói thêm rằng “thời điểm hiện nay vẫn cần quỹ, cần vai trò quản lý của Nhà nước”.

Tính đến hết quý 3/2019 (đến ngày 30.9.2019), Quỹ Bình ổn giá (BOG) xăng dầu còn hơn 2.019 tỉ đồng. Theo Bộ Tài chính, trong quý này, từ ngày 1.7.2019 đến hết ngày 30.9.2019 không sử dụng Quỹ BOG. Lãi phát sinh trên số dư Quỹ BOG dương trong quý 3 là 1 tỉ đồng. Lãi vay phát sinh trên số dư Quỹ BOG âm trong quý này là 2 triệu đồng. Trong khi đó, số dư Quỹ BOG đến hết quý 2/2019 là âm gần 500 tỉ đồng; Số dư Quỹ BOG đến hết quý 1/2019 là âm hơn 620 tỉ đồng.

Tuyết Nhung
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Điểm mới của lễ trao Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 7
19 phút trước Văn hóa
Ngày 22.11, Ban tổ chức Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 7 tổ chức họp báo thông tin về lễ trao giải sẽ diễn ra vào ngày 29.11 tại Nhà hát lớn Hà Nội.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Không bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu