Bà Nguyễn Thị Tố Hằng - Phó cục trưởng Cục Bồi thường nhà nước (Bộ Tư pháp) cho biết ở một số địa phương phát sinh tâm lý e ngại và cho rằng nếu tuyên truyền, phổ biến Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đến người dân thì sẽ làm phát sinh nhiều khiếu kiện yêu cầu bồi thường.
Theo bà Nguyễn Thị Tố Hằng, tính đến hết tháng 3.2015, sau hơn 5 năm thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, cơ quan nhà nước các cấp đã thụ lý 366 vụ việc, trong đó số vụ việc đã giải quyết xong là 247 vụ việc (67,5%). Tổng số tiền giải quyết bồi thường - được xác định tại quyết định giải quyết bồi thường hoặc bản án của tòa án xét xử tranh chấp về bồi thường nhà nước - là 65,752 tỉ đồng.
“So sánh giữa các lĩnh vực thì tố tụng hình sự là lĩnh vực phát sinh nhiều yêu cầu bồi thường nhất, tiếp đến là các lĩnh vực quản lý hành chính, thi hành án dân sự và tố tụng dân sự, tố tụng hành chính”- bà Tố Hằng nói.
Theo thống kê của Cục Bồi thường nhà nước, việc xem xét trách nhiệm hoàn trả của cán bộ công chức đã được thực hiện với 19 vụ việc trong lĩnh vực quản lý hành chính và thi hành án dân sự có tổng số tiền trên 700 triệu đồng. “Kết quả này cho thấy so với các vụ việc Nhà nước đã chi trả tiền bồi thường, việc thực hiện trách nhiệm hoàn trả đạt tỷ lệ rất thấp. Trong lĩnh vực tố tụng đến nay chưa có vụ việc nào phải hoàn trả. Do Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đã quy định trách nhiệm hoàn trả trong hoạt động tố tụng hình sự chỉ đặt ra trong trường hợp người thi hành công vụ có lỗi cố ý, trong khi thực tế các vụ việc đã giải quyết bồi thường xong trong hoạt động tố tụng hình sự chủ yếu được xác định là lỗi vô ý của người thi hành công vụ nên không phát sinh trách nhiệm hoàn trả”- bà Hằng lý giải.
Đáng chú ý, bà Tố Hằng cho biết hoạt động phổ biến, tuyên truyền Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước chưa được triển khai thực hiện đầy đủ và toàn diện đến các đối tượng là tổ chức, cá nhân, nhân dân mà chủ yếu được thực hiện đến đối tượng là cán bộ, công chức.
Riêng đối với đối tượng là cán bộ, công chức vẫn tồn tại một bộ phận không biết đến Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước. Kết quả khảo sát về tình hình yêu cầu bồi thường và giải quyết bồi thường trong lĩnh vực thi hành án dân sự cách đây chưa lâu cho thấy có khoảng 4,2% cán bộ công chức thuộc các cơ quan thi hành án dân sự không biết đến luật này.
Thậm chí tại một số địa phương do chưa hiểu đúng đắn về các quy định cũng như chưa nắm bắt được những tinh thần đổi mới của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước so với các văn bản quy phạm pháp luật trước đây nên phát sinh tâm lý e ngại và cho rằng nếu tuyên truyền, phổ biến luật này đến người dân thì sẽ làm phát sinh nhiều khiếu kiện yêu cầu bồi thường. “Hệ quả của tình trạng này là đến nay vẫn còn một bộ phận lớn người dân không biết đến Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước để thực hiện yêu cầu bồi thường của mình, hoặc đến khi biết đến luật và thực hiện quyền của mình thì đã hế thời hiệu yêu cầu mà luật quy định”- bà Tố Hằng nêu ra thực tế đáng lo lắng.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thu Hằng (Viện Khoa học xét xử, TAND tối cao) cho biết thời gian qua TAND tối cao đã phối với Cục Bồi thường nhà nước (Bộ Tư pháp) trong công tác trao đổi nghiệp vụ và trao đổi, cung cấp thông tin trong vụ việc ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang) yêu cầu bồi thường do bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự; vụ việc bà Nguyễn Thị Bích Thủy yêu cầu Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Hà Nội bồi thường.
Bà Thu Hằng cho biết trong 3 năm 2012-2014, tòa án các cấp đã nhận được 22 đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại - đều liên quan đến các vụ án đã xét xử từ những năm trước. Trong tổng số 19 đơn đã thụ lý (3 đơn trả lại do không thuộc thẩm quyền và không đủ điều kiện thụ lý), đến nay tòa án các cấp đã giải quyết được 13 trường hợp với tổng số tiền bồi thường gần 1,7 tỉ đồng.