Xu thế của thế giới hiện nay là dùng các nguồn năng lượng tái tạo từ năng lượng mặt trời hay điện gió thay thế cho nhiệt điện vốn có tác động xấu đến môi trường cũng như giảm tải cho thủy điện.
Người ta hay ca ngợi sức người là có thể biến sỏi đá thành cơm. Điều này có thể đúng ở vùng đất nào đó chứ Ninh Thuận thì không. Ở mảnh đất gió như 'Phang' và nắng như 'Rang' (cách ví von chỉ vùng đất Phan Rang), khí hậu khắc nghiệt nên rất nhiều nơi mà sức người chịu không thể cải tạo thành đất nông nghiệp. Cái nắng như thiêu đốt, gió làm hơi nước bốc nhanh và thổi hơi muối từ biển vào khiến nhiều nơi khô cằn đến mức chỉ có xương rồng mới sống nổi.
Khoảng chục năm trước, khi có tin Ninh Thuận được chọn làm nơi phát triển điện hạt nhân thì cũng có không ít người tin rằng địa phương được đầu tư, chuẩn bị đổi đời và cũng có những cơn sốt đất nhẹ ở thời điểm ấy. Nhưng rồi dự án nhà máy điện hạt nhân không đến và dừng hẳn vào cuối 2016, khi Quốc hội đã biểu quyết dừng thực hiện dự án. Dự án dừng lại trong sự thở phào của nhiều người dân, nhất là sau khi chứng kiến thảm họa Fukushima năm 2011 tại Nhật Bản.
Thay cho điện hạt nhân, Ninh Thuận được tạo điều kiện trở thành một cục pin của nước ta dưới dạng khác: năng lượng tái tạo. Nắng và gió vốn là thứ khiến mảnh đất Ninh Thuận khắc nghiệt trở thành lợi thế trong việc tạo năng lượng điện gió và điện mặt trời.
Điện gió và điện mặt trời vốn được triển khai khá nhiều ở nước ta trong ít năm gần đây. Tuy nhiên, nơi nào làm điện gió thì thôi điện mặt trời và ngược lại, nơi nào làm điện mặt trời thì thôi điện gió. Chỉ có riêng ởhuyện Thuận Bắc (tỉnh Ninh Thuận) lại có một khu tích hợp điện gió và điện mặt trời trong cùng một diện tích.
Trong vùng diện tích vùng lõi gần 264ha trong khu vực quy hoạch điện gió, điện mặt trời rộng 900ha của Trungnam Group tại tỉnh Ninh Thuận đã được thiết kế 700.000 tấm pin mặt trời với công suất dự kiến 204MW. Dự kiến khi hoàn thành việc lắp đặt vào giữa năm nay thì đây sẽ là nhà máy điện mặt trời lớn nhất Việt Nam.
Cũng trong khu vực này, Trungnam Group lắp 45 cột điện gió với 3 giai đoạn khác nhau. Các cột điện gió cao cả trăm mét, tương đương với tòa nhà 30-40 tầngvới mỗi cánh quạt gió dài trên 50 mét đang sau khi lắp đặt hết sẽ có công suất dự kiến 90-100MW. Khảo sát ở khu vực này cho con số mỗi năm có 2.900 giờ nắngcó thể phát được điện mặt trời và 2.800 giờ phát điện gió nên rất thích hợp để vừa đặt pin mặt trời, vừa đặt các cột gió.
Khó khăn khi làm dự án năng lượng tái tạo ở Ninh Thuận? Ông Nguyễn Tâm Tiến -Tổng giám đốc Trungnam Group khẳng định là không có khó khăn nào cả. Trước hết vì nhà nước đang có chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp làm điện năng lượng sạch. Quan trọng hơn, Trungnam Group không vấp phải sự phản đối của người dân.
Ông Tiến lý giải vùng đất mà công ty triển khai dự án vốn là nơi nhiều nắng và gió, không thể trồng trọt bất kỳ loại cây nào mang hiệu quả kinh tếnên không ảnh hưởng sinh kế của dân địa phương. Ông Tiến phân tích rằng nếu không được dân địa phương ủng hộ thì rất khó làm điện mặt trời khi các thiết bị pin mặt trời để phơi ngoài trời quanh năm suốt tháng trên một diện tích rất rộng.
Cũng có lo ngại rằng các tấm pin mặt trời sau khi hết hạn sử dụng sẽ trở thành nguyên liệu tác động xấu tới môi trường. Trước chất vấn này,ông Tiến khẳng định thời hạn sử dụng của tấm pin mặt trời khoảng 30 năm và vật liệu chế tạo ra chúng có thành phần từ silic nên không tác động xấu đến môi trường.
Nếu có thể khai thác điện từ năng lượng miễn phí như vậy, tại sao các doanh nghiệp không ồ ạt nhảy vào Ninh Thuận, Bình Thuận...? Vấn đề là chi phí ban đầu và đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao. Trungnam Group cho biết trong dự án này, họ tự tin có thể thu 107 triệu USD mỗi năm từ tiền bán điện nhưng cũng cần khoảng 10 năm mới thu hồi được vốn.
Sản xuất điện từ năng lượng tái tạo tốn kém nhưng là cần thiết để giảm bớt gánh nặng cho nhiệt điện, thủy điện vốn đang quá tải trong lúc nhu cầu về điện ngày càng tăng cao. Do vậy, cần có thêm các dự án điện mặt trời, điện gió tại các địa phương có điều kiện thuận lợi để sớm đạt mốc 8.000MW từ năng lượng tái tạo được quy hoạch trong cơ cấu điện vào năm 2030.
Anh Tú