Tất cả 7 bị cáo trong vụ án nghiêm trọng làm 7 người chết, 1 người bị thương bị Viện KSND truy tố khung phạt tù 7 - 15 năm. Tuy nhiên TAND tỉnh Vĩnh Long đã tuyên án treo cho cả 7 bị cáo.

Khúc mắc về 7 án treo trong vụ sập tường làm 7 người chết

Nguyên Việt – H.N | 16/04/2021, 17:30

Tất cả 7 bị cáo trong vụ án nghiêm trọng làm 7 người chết, 1 người bị thương bị Viện KSND truy tố khung phạt tù 7 - 15 năm. Tuy nhiên TAND tỉnh Vĩnh Long đã tuyên án treo cho cả 7 bị cáo.

Nhiều sai phạm nghiêm trọng

Nội dung vụ án này cho thấy, tháng 10.2018, Đặng Sử Quân - Phó giám đốc Công ty Hưng Thịnh Phát ký hợp đồng với Công ty TNHH BoHsing ở khu công nghiệp (KCN) Hòa Phú, H.Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long để xây dựng nhà xưởng với trị giá hợp đồng gần 37 tỉ đồng, thời gian thi công 200 ngày. Ông Quân còn thỏa thuận miệng sẽ thực hiện các công việc như thiết kế, thẩm tra thiết kế, xin giấy phép xây dựng và các thủ tục khác cho đến khi hoàn thiện công trình.

a1-hien-truong.jpg
Hiện trường vụ sập tường khiến 7 người chết - Ảnh: Nguyên Việt

Để hoàn thành khối lượng công việc trên, ông Quân giao cho nhân viên công ty là Lê Văn Hinh lập bản vẽ thiết kế kỹ thuật, thiết kế phần kết cấu, bảng báo giá nhằm cung cấp cho Công ty BoHsing. Nhưng do Hinh không có chứng chỉ hành nghề thiết kế nên Quân thuê kiến trúc sư Nguyễn Hữu Phú - Giám đốc Công ty TNHH TV-TK-XD Life Space (TP.HCM) thực hiện thiết kế phần kiến trúc (thẩm mỹ) phối cảnh, màu sắc... với giá 70 triệu đồng.

Phó giám đốc Quân tiếp tục thuê Nguyễn Thanh Tùng - Giám đốc Công ty TNHH Cát Thành ký tên, đóng dấu vào hồ sơ thiết kế với giá 4 triệu đồng. Dù công ty này không có chứng chỉ năng lực thực hiện thiết kế công trình công nghiệp nhưng Tùng vẫn ký hồ sơ mà không kiểm tra. Quân tiếp tục thuê kỹ sư Trần Quan Trừ - Giám đốc Công ty TNHH Hưng Long thực hiện thủ tục thẩm tra hồ sơ kết cấu với giá 70 triệu đồng.

Sau khi hoàn tất công việc, Trừ nhờ Dương Thanh Phong - Giám đốc Xí nghiệp Tư vấn đầu tư (thuộc Công ty cổ phần Đầu tư Long An) ký tên, đóng dấu vào hồ sơ thiết kế nhưng không kiểm tra. Phong khai làm như vậy là do Trừ hứa giới thiệu cho một công trình khác.

Ngày 24.12.2018, Ban Quản lý các KCN tỉnh Vĩnh Long ký cấp giấy phép xây dựng số 10/2018/GPXD cho phép Công ty BoHsing xây dựng 6 công trình tại KCN Hòa Phú. Trong quá trình kiểm tra hồ sơ cấp phép xây dựng, Nguyễn Trần Bảo Quốc - chuyên viên ban, được giao là người trực tiếp tiếp nhận hồ sơ nhưng đã không phát hiện vi phạm trong hồ sơ thiết kế. Quốc báo cáo Trương Văn Tuấn - Trưởng phòng Quy hoạch và Môi trường là đã đầy đủ thủ tục cấp phép.

Khi nhận được tờ trình cấp giấy phép, Lê Phước Thiện - Phó ban Quản lý các KCN tỉnh Vĩnh Long phát hiện vi phạm nên yêu cầu Tuấn, Quốc yêu cầu các bên bổ sung. Tuấn và Quốc được đơn vị thiết kế cung cấp thêm giấy xác nhận thay đổi nội dung kinh doanh nhưng cả hai vẫn không kiểm tra mà báo cáo Thiện là đã bổ sung đủ hồ sơ. Thiện cũng không kiểm tra lại hồ sơ và ký cấp giấy phép xây dựng.

a2-dam-tang-nan-nhan.jpg
Gia đình tổ chức đám tang cho nạn nhân nhỏ tuổi nhất trong vụ án thảm khốc, lúc mất nạn nhân mới 19 tuổi – Ảnh: Nguyên Việt

Khoảng 10 giờ ngày 15.3.2019, khi các công nhân đang xây dựng nhà xưởng tại Công ty TNHH BoHsing thì một mảng tường lớn bất ngờ đổ sập. Vụ tai nạn khiến 7 người tử vong và 1 người bị thương.

Băn khoăn về 7 án treo

Sau khi vụ án xảy ra, đến nay các bị cáo và các bên liên quan đã bồi thường, hỗ trợ viện phí, chi phí cho 8 bị hại với số tiền hơn 3,1 tỉ đồng. Số tiền khắc phục hậu quả được Viện KSND Vĩnh Long xem xét, nêu trong cáo trạng truy tố Quân, Tùng, Trừ và Phong. Bốn bị cáo bị truy tố cùng tội “Vi phạm các quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” theo điểm a, khoản 3, điều 298 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017. Tương tự, Thiện, Tuấn và Quốc bị truy tố tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo điểm a, khoản 3, điều 360 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.

Ngày 18.3, TAND tỉnh Vĩnh Long đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm. Theo HĐXX, đại diện gia đình các bị hại và bị hại không yêu cầu bồi thường thêm, có làm đơn bãi nại. Riêng bị hại Nguyễn Hữu Thọ (người bị thương) không đồng ý giám định, từ chối việc dẫn đi giám định thương tích và không còn yêu cầu gì khác. Cũng theo HĐXX, đối với Lê Văn Hinh - người được Quân giao nhiệm vụ thiết kế phần kết cấu và hiện tại đang “mất tích”, cơ quan điều tra đã ra thông báo truy tìm nhưng chưa có kết quả, sẽ xem xét, xử lý sau.

Tại phiên tòa, tất cả các bị cáo đều thừa nhận hành vi phạm tội và xin giảm nhẹ hình phạt. Trong quá trình giải quyết vụ án phía bị hại cũng xin giảm nhẹ hình phạt và có 1 bị hại (HĐXX không nêu cụ thể) xin miễn trách nhiệm hình sự cho Quân. Tại tòa, kiểm sát viên nêu quan điểm việc truy tố các bị cáo là có căn cứ, đúng người, đúng tội và đúng của quy định pháp luật. “Hành vi các bị cáo gây ra là nguy hiểm cho xã hội, vụ án có tính chất rất nghiêm trọng, phạm tội với lỗi vô ý”, đại diện VKS nêu.

HĐXX nhận định, tất cả các bị cáo đều có vi phạm trong quá trình thiết kế, thẩm tra thiết kế, thi công và cả việc kiểm tra hồ sơ thiết kế khi cấp giấy phép xây dựng công trình, dẫn đến sự cố sập bức tường dài 35 mét, cao 12,4 mét của nhà xưởng số 3, làm 7 người chết, 1 người bị thương. Tuy nhiên, HĐXX cho rằng các bị cáo không có tình tiết tăng nặng và lỗi vô ý do không lường trước có thể xảy ra thiệt hại về tính mạng con người… Vụ án cũng không có chủ mưu, các bị cáo thực hiện hành vi sai phạm độc lập nên cần xem xét vai trò của từng bị cáo để quyết định hình phạt tương xứng.

Từ đó, HĐXX đã áp dụng điểm a, khoản 3, điều 298; các điểm b, s, x, khoản 1, khoản 2, điều 51, điều 65; khoản 2, điều 54 của Bộ luật Hình sự xử phạt bị cáo Quân (2 năm 6 tháng tù treo, thử thách 5 năm); bị cáo Tùng, bị cáo Trừ (cùng 2 năm tù treo, thử thách 4 năm); bị cáo Phong (1 năm 6 tháng tù treo, thử thách 3 năm). HĐXX cũng áp dụng điểm a, khoản 3, điều 360; các điểm b, s, x, khoản 1, khoản 2 điều 51, điều 65; khoản 2, điều 54 của Bộ luật Hình sự xử phạt bị cáo Quốc, bị cáo Tuấn (cùng 2 năm tù treo, thử thách 4 năm); bị cáo Thiện (1 năm 6 tháng tù treo, thử thách 3 năm). Về trách nhiệm dân sự các bị cáo tiếp tục chi hỗ trợ mỗi gia đình bị hại, bị hại thêm 16.250.000 đồng.

Một thẩm phán tòa hình sự đã nghỉ hưu ở TP.Cần Thơ có nhận định như sau: điều 298 Bộ luật Hình sự có khoản 1 từ 1 - 5 năm; khoản 2 từ 3 - 10 năm; khoản 3 từ 8 - 20 năm. Điều 360 có khoản 1 từ 6 tháng đến 5 năm; khoản 2 từ 3 - 7 năm; khoản 3 từ 7 - 12 năm. Như vậy, khi bị truy tố ở khoản 3 của 2 điều 298 và 360 là trường hợp phạm tội “rất nghiêm trọng” và “đặc biệt nghiêm trọng” khi đối chiếu lại điều 9 Bộ luật Hình sự về phân loại tội phạm.

Trong bản án, tòa và viện cùng cấp đều kết luận các bị cáo phạm tội tại khoản 3, điều 298 và điều 360. Tuy nhiên, HĐXX đã áp dụng các điều 51, điều 54 và điều 65 để giảm nhẹ hình phạt, quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất và cho hưởng án treo. Theo Nghị quyết 01/2013/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao thì khi truy tố khoản 3 thì không được quyết định án treo. Còn theo Nghị quyết 02/2018 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao đang có hiệu lực thì không quy định vấn đề này.

Vị cựu thẩm phán nhận định: “Trong vụ án này, tất cả các bị cáo đều đủ điều kiện để quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất. Tuy nhiên, tòa án tuyên các bị cáo án treo là phải xem xét lại, vì dưới khoản 3 của 2 điều 298 và điều 360 là khoản 2. Ở khoản 2 quy định mức án cho 2 tội danh này là 3 - 10 năm và 3 - 7 năm. Ngoài ra, tòa án áp dụng khoản 2, điều 54 để quyết định hình phạt cũng không đúng, vì bản án đã thể hiện rõ trong vụ án không có chủ mưu và không có đồng phạm giúp sức”.

Bài liên quan
Gạch gốm đỏ - Kinh tế xanh và định hướng phát triển du lịch Vĩnh Long
Tối 16.11, tỉnh Vĩnh Long long trọng khai mạc "Festival Gạch gốm đỏ - Kinh tế xanh tỉnh Vĩnh Long lần 1 năm 2024". Phát biểu tại buổi lễ, Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc hy vọng “những lò gạch đỏ sẽ trở thành những lâu đài rực rỡ, lung linh dưới ánh mặt trời, không những tạo ra sản phẩm có giá trị mang nét đặc trưng văn hóa của vùng mà còn là địa chỉ hấp dẫn du khách muôn phương”.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh quản lý nhà nước về thương mại điện tử
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 119/CĐ-TTg ngày 25.11.2024 yêu cầu một số bộ liên quan và các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khúc mắc về 7 án treo trong vụ sập tường làm 7 người chết