Ngày 9.4, ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT cùng đại diện của tổ chức FAO kích hoạt gói hỗ trợ 5,4 tỉ đồng tiền mặt cho người dân chịu ảnh hưởng hạn mặn tại tỉnh Cà Mau.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho hay, qua đánh giá tình hình thực tế tại tỉnh Cà Mau, Bộ NN-PTNT phối hợp với Tổ chức lương thực và nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) tại Việt Nam quyết định kích hoạt hành động sớm để hỗ trợ các hộ gia đình khó khăn tại 4 xã gồm: Khánh An, Khánh Thuận (huyện U Minh) Khánh Hưng (huyện Trần Văn Thời) và Biển Bạch (huyện Thới Bình).
Hoạt động cấp phát tiền mặt cho người dân sẽ được chia làm 2 đợt (tháng 4 và tháng 5.2024), với tổng kinh phí hơn 5,4 tỉ đồng. Có hơn 1.000 hộ gia đình sẽ được hỗ trợ tiền mặt, định mức hưởng lợi đối với hộ có 1 nhân khẩu là 1 triệu đồng; hộ có 2 nhân khẩu 2 triệu đồng và hộ có 3 nhân khẩu trở lên sẽ được hỗ trợ 3 triệu đồng/đợt.
Hiện nay, vùng ĐBSCL có khoảng 50.000 hộ bị thiếu nước sạch sinh hoạt, riêng tỉnh Cà Mau có khoảng 4.000 hộ.
Chương trình thăm và cấp phát tiền mặt cho người dân chịu ảnh hưởng bởi hạn hán và xâm nhập mặn thuộc dự án “Tăng cường năng lực và mở rộng quy mô triển khai hành động sớm cùng với việc kết nối với hệ thống bảo trợ xã hội” do Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ NN-PTNT) phối hợp với FAO triển khai thực hiện.
Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, do tác động của El Nino, từ đầu năm 2024 tình hình hạn hán, xâm nhập mặn đã ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội và đời sống của người dân tại vùng ĐBSCL nói chung và tỉnh Cà Mau nói riêng như: sụt lún trên một số tuyến đường giao thông, đời sống, sản xuất của người dân địa phương bị đảo lộn.
Lãnh đạo Bộ NN-PTNT đề nghị các địa phương trước mắt tiếp tục ưu tiên các nguồn nước dành cho sinh hoạt và sản xuất. Đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thành các công trình cấp nước sạch tập trung nông thôn. Hỗ trợ cho các giải pháp cấp nước hộ gia đình và truyền thông cho các hộ gia đình về sử dụng thiết bị trữ nước và sử dụng nước tiết kiệm.
"Số tiền này tuy không nhiều, nhưng tôi mong rằng nó sẽ giúp đỡ bà con phần nào trong giai đoạn khó khăn bởi thiên tai hạn mặn này", ông Hiệp chia sẻ.
Ông Rémi Nono Womdim, Trưởng đại diện FAO tại Việt Nam cho hay: "Đây là hoạt động đầu tiên ở Việt Nam, kích hoạt hành động sớm nhằm ứng phó hạn hán. Qua đây, thể hiện cam kết mang tính bước ngoặt của Chính phủ Việt Nam và FAO nhằm thúc đẩy chương trình nghị sự và tiên phong áp dụng phương pháp này ở Đông Nam Á. Việc Việt Nam tiên phong áp dụng phương pháp này thực sự đáng khen ngợi. Hợp tác cùng nhau để giảm thiểu tác động của hạn hán ở Cà Mau là một bước tiến quan trọng và là một ví dụ đầy cảm hứng cho các quốc gia khác không chỉ trong khu vực mà trên toàn cầu, chúng tôi hi vọng điều này sẽ thúc đẩy các cam kết đối với phương pháp này ở Việt Nam trong tương lai".
Theo đại diện Cục Quản lý đê điều và phòng chống thiên tai (Bộ NN-PTNT), từ năm 2022 đơn vị đã phối hợp chặt chẽ với FAO tại Việt Nam thực hiện dự án hỗ trợ kỹ thuật "Tăng cường năng lực và quy mô triển khai hành động sớm cùng với việc kết nối với hệ thống bảo trợ xã hội".
Đây là một dự án vùng gồm 5 quốc gia, trong đó có Việt Nam. Hợp phần dự án ở Việt Nam có tổng ngân sách dự kiến khoảng 1,7 triệu USD từ nguồn vốn ODA viện trợ không hoàn lại của Cơ quan hoạt động viện trợ Nhân đạo và Bảo vệ dân sự châu Âu (DG ECHO) thông qua FAO.