Hiện nay, tình hình khai thác khoáng sản đang là vấn đề "nóng" vì ở nhiều địa phương thường xảy ra các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, nhưng các biện pháp quản lý, ngăn chặn chưa thực sự hiệu quả.
Về vấn đề này, tỉnh Thái Nguyên được xem là minh chứng rõ nhất vì nơi đây có tiềm năng khoáng sản với trữ lượng lớn nhưng việc quản lý và khai thác tài nguyên khoáng sản trên địa bàn còn diễn ra khá phức tạp. Trong thời gian qua, vấn đề bất cập trong hoạt động khai thác khoáng sản tại địa bàn thể hiện ở việc cấp giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản. Tình trạng thăm dò, khai thác khoáng sản trái phép, tàn phá môi trường đang diễn ra khá phổ biến.
Tại Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2015 vừa được Kiểm toán Nhà nước công bố, câu chuyện này tiếp tục được đưa ra bàn luận. Trong hoạt động cải tạo và phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản trên địa bàn tình Thái Nguyên, báo cáo của kiểm toán chỉ ra công tác lập, thẩm định và phê duyệt các đề án cải tạo và phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản và ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường chưa được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Cụ thể, có 20/176 mỏ được cấp phép khai thác chưa lập dự án/đề án theo quy định; 24/116 mỏ chưa thực hiện kýquỹ 9,4 tỉ đồng. Kiểm tra 10 hồ sơ quản lý tiền ký quỹ có 9/10 đơn vị chậm nộp tiền ký quỹ, số tiền xử phạt là 1,4 tỉ đồng.
Ngoài ra, Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2015 cũng cho biết, việc thực hiện các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường và trong khi vận hành khai thác, xác nhận hoàn thành nội dung cải tạo, phục hồi môi trường chưa thực hiện đầy đủ; hoạt động thanh tra dù đã được thực hiện nhưng chưa toàn diện vì ở đó vẫn còn phát hiện các đơn vị sai phạm nhưng chưa có các biện pháp cụ thể để khắc phục, xử lý.
Đáng chú ý, báo cáo còn chỉ ra hoạt động sử dụng nguồn thu từ phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh vẫn chưa sử dụng đúng mục đích. Minh chứng cho điều này, Kiểm toán Nhà nước cho biết, thông qua công tác chọn mẫu kiểm tra tại huyện Đồng Hỷ đã phát hiện có 44 dự án sai phạm, huyện Phú Lương có 18 dự án và huyện Đại Từ có 24 dự án.
Thực trạng khai thác khoáng sản bất cập hiện nay đã đặt ra nhiều dấu hỏi trong công tác quản lý. Tại Hội thảo "Quản lý đầu tư trong khai thác khoáng sản: Các bất cập và khuyến nghị" diễn ra vào ngày 29.7 vừa qua, các chuyên gia kinh tế cho rằng, những bất cập trong quản lý hoạt động khoáng sản hiện nay chínhlà do công tác quản lý còn tồn tại nhiều vấn đề, dẫn đến tình trạng khai thác một số loại khoáng sản vượt quá quy hoạch, gây lãng phí lớn, mất an toàn lao động và tác động xấu đến môi trường. Trữ lượng khoáng sản đã được thăm dò bởi các cơ quan có thẩm quyền còn rất hạn chế, dẫn đến nhiều mỏ, nhiều khu vực đầu tư đào lò mở mỏ rất tốn kém nhưng không gặp khoáng sản.
Bên cạnh đó, bộ máy thanh tra chuyên ngành khoáng sản còn phân tán, thiếu và yếu về chuyên môn, nghiệp vụ nên công tác này chưa phát hiện kịp thời những bất cập trong quản lý và hoạt động khoáng sản, chưa thực sự giúp cho ngành khai khoáng phát triển bền vững, còn để xảy ra nhiều tiêu cực trong hoạt động và quản lý. Cụ thể như nạn khai thác khoáng sản không phép, khai thác tự do, nhất là đối với khai thác vàng, đá quý, chì, kẽm, đồng, than... chưa được ngăn chặn hoặc ngăn chặn chưa triệt để.
Từ đó, các chuyên gia đều thống nhất đề xuất Bộ Tài nguyên Môi trường cần đánh giá lại trữ lượng khoáng sản thực của Việt Nam hiện nay.
Tuyết Nhung