Thêm doanh nghiệp đầu mối, quản lý số lượng gạo xuất khẩu, nhập khẩu qua biên giới là những kiến nghị của Bộ Công Thương trong công tác điều hành xuất khẩu gạo trong thời gian tới.
Bộ Công Thương đang xin ý kiến các bộ, ngành cho dự thảo công văn báo cáo Thủ tướng Chính phủ về công tác điều hành xuất khẩu gạo.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, tình hình thị trường gạo thế giới đang diễn biến theo hướng có lợi cho xuất khẩu gạo của Việt Nam, các nước nhập khẩu lớn khu vực châu Á tăng cường nhập khẩu.
Theo báo cáo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), xuất khẩu gạo tính đến ngày 14-8 đạt 3,791 triệu tấn, trị giá FOB là 1,636 tỉ USD, giá FOB xuất khẩu bình quân là 431,791 USD/tấn. So với cùng kỳ năm 2013, số lượng giảm 12,49%, trị giá FOB giảm 11,95%, giá FOB bình quân tăng 2,66 USD/tấn. Số lượng đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo là 5,862 triệu tấn, tăng 10,36% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, thị trường gạo thế giới tiếp tục tiềm ẩn diễn biến khó lường. Dự báo, 5 tháng cuối năm 2014, tác động của hiện tượng EL Nino và các diễn biến thời tiết bất lợi khác tới sản lượng lương thực của Trung Quốc, Philippines, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Ấn Độ; chính sách giải quyết hàng tồn kho của Thái Lan; nhu cầu và động thái nhập khẩu của Trung Quốc là những nhân tố ảnh hưởng đến diễn biến thương mại gạo thế giới và khu vực.
Về vấn đề xuất khẩu gạo qua biên giới, Bộ Công Thương đã chủ trì họp bàn về tình hình xuất khẩu gạo qua biên giới phía Bắc và rà soát tình hình vận chuyển thóc, gạo theo đường thủy từ miền Nam ra phía Bắc.
Kết quả cho thấy, 7 tháng đầu năm 2014, lượng gạo vận chuyển từ cảng Mỹ Thới (An Giang), cảng Hoàng Diệu (Cần Thơ) ra phía Bắc khoảng 1,6 triệu tấn, lượng gạo luân chuyển qua cảng Hải Phòng cũng khoảng 1,6 triệu tấn. Trong khi đó, tính đến ngày 15-7, theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tổng lượng gạo xuất khẩu qua biên giới phía Bắc là chưa đến 0,6 triệu tấn.
“Như vậy, có khả năng một lượng gạo không nhỏ đã được xuất khẩu qua biên giới mà không được cơ quan chức năng thống kê đầy đủ”, dự thảo của Bộ Công Thương nêu rõ.
Về vấn đề thị trường và hợp đồng tập trung, việc giao dịch, đàm phán ký kết hợp đồng tập trung thời gian qua bên cạnh những kết quả nhất định cũng đã cho thấy sự phối hợp giữa các bộ, ngành liên quan, VFA và các doanh nghiệp đầu mối chưa thực sự chặt chẽ, hiệu quả, thông suốt. Doanh nghiệp đầu mối chưa chủ động bám sát, theo dõi nắm bắt tình hình thị trường, chế độ thông tin, báo cáo chưa thường xuyên, chưa kịp thời đã dẫn tới những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện cũng như công tác điều hành của Nhà nước, ảnh hưởng đến khả năng khai thác và duy trì thị trường.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp đầu mối duy nhất tại một số thị trường tập trung trọng điểm truyền thống là Tổng công ty Lương thực miền Nam đã và đang gặp phải một số khó khăn trong quá trình hoạt động kinh doanh, đã ảnh hưởng trực tiếp tới vai trò đầu mối cung cấp gạo theo hợp đồng Chính phủ tại các thị trường tập trung truyền thống thường có nhu cầu giao dịch nhập khẩu số lượng lớn như Philippines, Indonesia, Malaysia.
Trong khi đó, các thị trường này đã chuyển đổi phương thức và chiến lược nhập khẩu gạo theo hướng đa dạng hóa nguồn cung, tổ chức đấu thầu mở để thu hút sự tham gia của nhiều nhà cung cấp nhằm tạo sự cạnh tranh về giá.
Việc duy trì cơ chế giao cho một đầu mối là Tổng công ty Lương thực miền Nam vốn đang gặp khó khăn nêu trên tại các thị trường trọng điểm sẽ hạn chế khả năng tiếp cận, khai thác cơ hội thị trường và có thể mất thị trường. Do đó, Việt Nam cũng cần thay đổi về cơ chế đầu mối giao dịch tại các thị trường này để ứng phó phù hợp với sự thay đổi trong chính sách nhập khẩu của các nước đối tác.
Với những vấn đề nêu trên, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, bổ sung Tổng công ty Lương thực miền Bắc cùng Tổng công ty Lương thực miền Nam làm đầu mối giao dịch hợp đồng tập trung tại các thị trường Philippines, Indonesia, Malaysia; giao Bộ Công Thương phối hợp cùng các bộ, ngành và VFA rà soát, nghiên cứu xây dựng cơ chế phù hợp để tổ chức lại các thị trường tập trung và các thương nhân đầu mối tại các thị trường tập trung theo hướng nâng cao hiệu quả xuất khẩu và khả năng cạnh tranh của xuất khẩu gạo Việt Nam tại các thị trường.
Về số liệu thực tế xuất khẩu, nhập khẩu thóc, gạo qua biên giới, Bộ Công Thương kiến nghị giao Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan có biện pháp tăng cường công tác quản lý, nắm số lượng thóc, gạo thực tế xuất khẩu, nhập khẩu qua biên giới nhất là biên giới phía Bắc với Trung Quốc và biên giới phía Nam với Campuchia để có số liệu kịp thời, chính xác phục vụ công tác điều hành xuất khẩu.
Phan Thu (Báo Hải Quan)