Gần hai năm sau đại dịch COVID-19, một điều rõ ràng là: Cách ta sống sẽ không bao giờ như trước nữa. Khủng hoảng mang đến sự thay đổi quyết liệt hơn dù cho các kiến trúc sư đã suy nghĩ một cách bền vững từ trước đại dịch.
Hướng đi của ngành kiến trúc ngày càng lưu tâm đến các tác động môi trường và khả năng phục hồi trong các dự án, bao gồm cả việc nhấn mạnh vào nâng cấp, sử dụng năng lượng mặt trời, phương pháp xây dựng tối ưu hơn, và tất nhiên cả tuổi thọ của công trình. “Tính bền vững giờ đã trở thành một từ thông dụng, nhưng đối với hầu hết các kiến trúc sư đang làm việc thì đó là một nguyên tắc thiết kế,” kiến trúc sư Akshat Bhatt, hiệu trưởng của studio thiết kế đa ngành Architecture Discipline có trụ sở tại New Delhi bày tỏ quan điểm. “Nếu bạn thiết kế và xây dựng không gian đủ tốt, bạn đã giải quyết được các nguyên tắc cơ bản về tính bền vững.”
Ấn Độ là một trong những quốc gia có tình trạng nhiễm COVID-19 tệ nhất thế giới với số ca tử vong kỷ lục do các bệnh viện bị quá tải. Tại Delhi, Bhatt và nhóm của ông được kêu gọi lên ý tưởng và thực hiện một giải pháp cho vấn đề này, một cách gấp gáp. Họ đã làm việc trên các ý tưởng tạm thời, triển khai nhanh chóng trong một thời gian, “nhưng COVID-19 đã đẩy nhanh quá trình này,” Bhatt nói. “Khi làn sóng đầu tiên ập đến, chúng tôi đã có thể tạo và lắp đặt cơ sở chăm sóc sức khỏe lớn đầu tiên trong vòng một tháng.” Sau đó là nhiều điều tiếp theo nữa: Các container vận chuyển được nâng cấp, được trục vớt từ các bãi ở các khu vực Delhi và Haranya đã được tái sử dụng thành các phòng khám di động nhỏ gọn – Phòng khám Mohalla – có thể hỗ trợ việc chăm sóc, xét nghiệm và cung cấp thuốc định kỳ.
Bhatt cho biết: “Các phòng khám ở Mohalla dựa trên những ý tưởng lấy trọng tâm là nhà tiền chế (prefabrication) cùng khả năng triển khai nhanh và khả thi về mặt kinh tế”. Bhatt đã sử dụng ý tưởng tương tự để tạo ra một khái niệm cho một cơ sở chăm sóc sức khỏe mô-đun được xây dựng từ các container vận chuyển mà họ đã trình bày tại London Design 2021 Biennale; họ cũng đang làm việc với dự án về một thư viện kỹ thuật số mô-đun di động dành cho trẻ em kém may mắn.
“Sử dụng rác thải sau công nghiệp chắc chắn sẽ là điều chúng ta thấy nhiều hơn trong tương lai, không chỉ trong chăm sóc sức khỏe mà còn cả dịch vụ khách sạn, thương mại, giáo dục và không gian văn phòng,” bao gồm cả trụ sở chính của Architecture Discipline, nơi đã sử dụng một container vận chuyển để nới rộng trụ sở. Các thùng chứa được vận chuyển dễ dàng và có thể được lắp đặt ở một vị trí mới với việc xây dựng tại chỗ tối thiểu, loại bỏ việc sử dụng các vật liệu như xi măng và gạch, cùng với lượng khí thải carbon do chúng tạo ra, đồng thời giảm chi phí lao động. Bhatt nói: “Vì làm bằng thép nên các container cần được làm mát để có thể sử dụng thoải mái và an toàn. Chúng có thể được cách nhiệt và thậm chí hơn thế nữa, công trình bền vững nhất là từ những thứ bạn vốn đã có”.
Một ý tưởng tương tự đã xuất hiện tại Los Angeles, nơi công ty kiến trúc và thiết kế toàn cầu Gensler đã làm việc để biến Trung tâm Staples thành một cơ sở chăm sóc sức khỏe đầy đủ nhằm đáp ứng nhu cầu ngăn chặn vi rút tức thời và bổ sung thêm giường bệnh. Các toa kéo được tái chế để kết hợp với nhau đã tạo ra một khuôn viên và truyền cảm hứng cho những ý tưởng xa hơn. Brandon Larcom, Giám đốc phát triển sản phẩm toàn cầu của Gensler cho biết: “Đối với chúng tôi, ý tưởng này thực sự làm nảy sinh nhu cầu ngày càng tăng về kiến trúc vi mô. Và làm thế nào những chiếc xe kéo hay mô hình này trở thành một giải pháp thực sự, để giúp các thành phố hạn chế mức độ rủi ro về thời gian và cung cấp dịch vụ chăm sóc theo yêu cầu, không chỉ để đối phó với đại dịch mà còn trong bất kỳ thời điểm nào cần thiết".
Đồng thời, cuộc thảo luận với các nhà sản xuất container để tìm ra những đối tác cùng chí hướng đã giúp nâng cao nhận thức chung về sự cần thiết của các hệ thống có thể triển khai diện rộng. “Cuối cùng thì chúng tôi thảo luận nhiều nhất là với một công ty sản xuất xe buýt du lịch cỡ lớn,” anh ấy nói, “Đại dịch mang lại lựa chọn và cơ hội để thực sự suy xét lại ngay cả với những không gian rộng lớn như Trung tâm Staples. Đó là một cách suy nghĩ mới mà tôi nghĩ mọi người đều sẽ áp dụng trong tương lai.”
Tại Boston, công ty kiến trúc, quy hoạch và thiết kế Sasaki đã tạo ra các trung tâm làm mát thời vụ, mang đến cho người dân phương án để giảm nhiệt trước các đợt nóng ngày càng thường xuyên của thành phố bằng các giải pháp ngoài trời, được cải thiện, nâng cao mức độ an toàn trước đại dịch COVID-19.
Những “điểm mát” hỗ trợ Wi-Fi ngoài trời này đã được thử nghiệm ở các chi nhánh của Thư viện Công cộng Boston tại các khu vực lân cận, nơi có mức nguy cơ nắng nóng cao. “Sasaki đã làm việc với thành phố để phát triển một loạt các chiến lược chống chịu nhiệt, nhưng chúng tôi bắt đầu nhận ra rằng vì tình trạng COVID nên rất nhiều trung tâm làm mát hay lựa chọn thay thế của chúng đều không sẵn sàng, hoặc chúng ở trong nhà, hoặc chúng khó để tiếp cận” Tamar Warburg, giám đốc về mảng bền vững của Sasaki, cho biết. “Nhưng mọi người đều có thể truy cập thư viện.” Một nhóm kiến trúc sư, kiến trúc sư cảnh quan, nhà quy hoạch đô thị và nhà phân tích dữ liệu đã cùng nhau phát triển các “điểm mát” “trong thời gian rất ngắn – trong khoảng vài tuần” Warburg nói.
Mặc dù dự án ra đời từ COVID, nhưng nó giải quyết một vấn đề vốn đã tồn tại nhưng vẫn chưa được chú ý. “Chúng tôi với tư cách là kiến trúc sư được đào tạo để giải quyết vấn đề, nhưng câu chuyện là đôi khi vấn đề gì mới là cái chúng tôi đang cố để giải quyết?” Warburg nói. “Vì vậy, bây giờ chúng tôi thấy mình đang nói về những cơ hội mà COVID đã trao cho chúng tôi. Rất lâu sau khi đại dịch kết thúc, nếu chúng ta có thể đi đến một cam kết mới, nhìn lại không gian xanh theo một cách mới, tạo ra mạng lưới công viên lớn hơn hoặc trong nhà, chú trọng nhiều hơn đến chất lượng không khí, điều đó sẽ một thay đổi mà tôi nghĩ rằng hầu hết mọi người sẽ đồng ý là một sự tích cực thực sự.”