Kiều Maily là một nhà nghiên cứu văn hóa Chăm, nhà thơ và nghệ sĩ trình diễn.
Vừa qua, 19.2.2023, chị đã có buổi chia sẻ về ký ức chiếc áo dài Chăm tại một hội quán ở TP.HCM. Trước đó gần 1 tháng, chị được mời sang Ý để giới thiệu về nét văn hóa độc đáo của người Chăm Việt Nam. Hiện tại, Kiều Maily được xem là một trong những gương mặt đại diện ưu tú của cộng đồng Chăm Bani của tỉnh Ninh Thuận.
Thôi thúc tìm về cội nguồn
Kiều Maily tên thật là Kiều Thị Hồng Vân. Chị sinh ra trong một gia đình nghèo tại Ninh Thuận. Ngày nhỏ, Kiều Maily có sức khỏe èo uột, phải vất vả lắm chị mới có cuộc sống bình thường. Tuy nhiên, Maily mạnh mẽ và ham học hỏi. Chị từng nghĩ rằng nếu cứ mãi gắn bó với palei (xóm) nghèo của mình, cuộc đời chị sẽ không thể “chạm” được vào sự hiểu biết. Thế là Maily quyết tâm đi học. Nhưng muốn đi học, chị phải có chi phí trang trải. Thế là Maily quyết định vào Sài Gòn làm công nhân vài năm. Tích lũy được ít tiền, chị học ngành phát thanh truyền hình. Sau đó, chị đi làm cho một đài phát thanh một thời gian thì quyết định rẽ hướng.
Maily trở về làng quê của mình và bắt đầu một hành trình mới. Đó là tìm về những mảnh vụn ký ức Chăm đã bị rơi rụng theo thời gian. Chị muốn hệ thống nó lại và giới thiệu cho thế hệ sau. Maily đã đi qua nhiều nước, nơi có người Chăm sinh sống để tìm hiểu và đối chiếu.
Chị nhận ra rằng, đã có quá nhiều giá trị văn hóa Chăm bị lãng quên và đâu đó trong tim chị có một sự thôi thúc sự gìn giữ. Maily đã biến những ước muốn thành hành động bằng các công trình nghiên cứu được đúc kết trong các quyển sách ý nghĩa như “độc đáo ẩm thực Chăm” giới thiệu về các món ăn truyền thống của Chăm. Sách thiếu nhi 3 ngôn ngữ Chăm – Việt – Anh “em đi lễ hội” giới thiệu về ý nghĩa của các lễ hội Chăm. Hiện tại, chị đang trên hành trình hoàn tất biên khảo về “trang phục truyền thống Chăm”.
Bên cạnh đó, Maily kêu gọi người Chăm duy trì vườn thuốc nam cổ truyền. Bởi vì, từ xưa người Chăm nổi tiếng với việc chữa trị bệnh bằng thảo dược. Theo thời gian, số người Chăm còn am hiểu y thuật mai một; vườn thuốc Chăm cũng vì thế mà trở nên tiêu điều. Maily đã trồng lại các loại thuốc quý trên mảnh đất gia đình mình. Cô nuôi dưỡng và kêu gọi người Chăm cùng hợp tác. Những nỗ lực của chị có những hiệu quả nhất định, trong vườn thuốc của Maily giờ còn xuất hiện thêm một loại cây quý mà người Chăm xưa chuyên dùng làm thuốc nhuộm vải. Tâm hồn Chăm, theo thời gian, càng trải tràn trong tâm thức Maily, và chị biến nó thành những vần thơ, có khi thì khắc khoải, có khi dạt dào tình cảm như trong Vị đàn bà hay Nàng hoa của cát.
Hòa vào dòng chảy chung
Nhiều năm qua, Maily sống tại Hội An. Ở đó, Maily có một nơi để giới thiệu văn hóa Chăm cho du khách, và nhiều du khách hoàn toàn bị chinh phục khi tham dự và chứng kiến sự trình bày của chị. Có khi Maily sẽ giới thiệu một bữa tiệc ẩm thực Chăm. Khi khác, chị đưa các du khách quốc tế về Palei của mình để nhìn thấy phong tục tập quán Chăm trong sinh hoạt đời thường. Khi khác nữa, chị múa và hát Chăm. Những vũ điệu Chăm được Maily trình diễn rất công phu, uyển chuyển và đầy ngẫu hứng. Lúc đó, chị trong một trạng thái vô cùng thăng hoa như được kết nối với tổ tiên, cội nguồn của mình. Cảm xúc của Maily đã chạm vào nhiều trái tim của du khách. Đến một ngày, bà lãnh sự danh dự Việt Nam tại Torino (Ý) đã mời Maily giới thiệu văn hóa Chăm tại Ý.
Cô gái có ngoại hình nhỏ bé này đã rất hào hứng mang theo trang phục Chăm, các nguyên liệu ẩm thực Chăm, và tâm hồn Chăm đến một trong những nơi hội tụ văn minh châu Âu. Cô đã giới thiệu với mọi người về những nét văn hóa Chăm độc đáo. Mọi người thực sự say mê trước màn trình diễn đầy sức hấp dẫn của chị. Và ngược lại, chuyến đi đã cho Maily học được nhiều điều.
Chị cho biết: “Tôi vẫn thường nghĩ rằng người Chăm là dân tộc đầu tiên trên thế giới làm nước mắm. Vậy nhưng, tại Ý có một ngôi làng làm nước mắm nhĩ đã hàng ngàn năm. Cái hay của họ là có sự lưu giữ lại những ký ức, hiện vật qua từng thời kỳ. Điều này người Chăm không làm được. Từ Ý, tôi sang Pháp và các nước châu Âu. Tôi ngạc nhiên khi biết rằng tại các bảo tàng cổ ở đấy có rất nhiều cổ vật Chăm được lưu giữ”.
Cái hay của chị là tìm về cội nguồn để lưu giữ, trao truyền giá trị Chăm và hòa nhập vào dòng chảy chung của dân tộc Việt Nam. Chị cho rằng văn hóa văn hóa dân tộc là một vốn quý không nên để thất truyền, vì vậy bất cứ dân tộc nào tại Việt Nam cũng nên có trách nhiệm bảo tồn.
Chính vẻ đẹp của văn hóa của mỗi dân tộc sẽ tạo nên một bức tranh văn hóa dân tộc tổng thể sinh động trên mảnh đất hình chữ S. Chị yêu quý văn hóa Chăm nói riêng và trân trọng văn hóa Việt Nam nói chung.
Cứ thế, Maily vẫn tiếp tục hành trình của mình, lúc một mình, khi có sự đồng hành cùng những người bạn của dân tộc Kinh và các dân tộc khác. Đó là cách Maily thấy cuộc đời mình có ý nghĩa.