Chương trình nghệ thuật Duyên Dáng Việt Nam 28 chủ đề “Xuân” sẽ khai mạc tại Hà Nội (Trung tâm Hội nghị Quốc gia, tối 11.12.2016) và TP.HCM (Nhà thi đấu Quân khu 7, tối 14.1.2017). Trong lịch sử sân khấu, biểu diễn nghệ thuật Việt Nam, chắc chắn chưa có chương trình nào phong phú, được giới nghệ sĩ và công chúng yêu nghệ thuật chờ đợi, đánh giá cao khi có một bề dày trải qua nhiều thời kỳ, nhiều năm tháng như vậy...

Kỳ 1: Dấu ấn đổi mới, khởi sắc táo bạo qua các thời kỳ

DDVN | 18/12/2016, 16:15

Chương trình nghệ thuật Duyên Dáng Việt Nam 28 chủ đề “Xuân” sẽ khai mạc tại Hà Nội (Trung tâm Hội nghị Quốc gia, tối 11.12.2016) và TP.HCM (Nhà thi đấu Quân khu 7, tối 14.1.2017). Trong lịch sử sân khấu, biểu diễn nghệ thuật Việt Nam, chắc chắn chưa có chương trình nào phong phú, được giới nghệ sĩ và công chúng yêu nghệ thuật chờ đợi, đánh giá cao khi có một bề dày trải qua nhiều thời kỳ, nhiều năm tháng như vậy...

Hãy cùng nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Hữu Hồng Minh điểm xuyết lại những dấu ấn đặc biệt quan trọng của 28 kỳ chương trình Duyên Dáng Việt Nam (DDVN) với độ lùi hơn 25 năm...

Khởi thủy một chương trình ca múa nhạc đặc biệt phát xuất từ ý tưởng của nhà báo Nguyễn Công Khế, nguyên Tổng biên tập Báo Thanh Niên nhằm gây quỹ từ thiện xã hội và bảo trợ học bổng mang tên Nguyễn Thái Bình.

Liệt sĩ Nguyễn Thái Bình (1948 - 1972) là một nhà khoa học, nhà thơ, nhạc sĩ tài hoa, một câybút yêu nước, tranh đấu vì độc lập thống nhất đất nước. Anh vừa tốt nghiệp đại học tại Mỹ, trên đường trở về VN nhưng đã bị kẻ thù ám sát tại sân bay Tân Sơn Nhất ngày 4.7.1972. Học bổng mang tên anh của Báo Thanh Niên xây dựng vun xới cho các tài năng trẻ thế hệ tương lai. Chương trình nghệ thuật ca nhạc DDVN chính thức ra mắt khán giả chương trình đầu tiên năm 1994 tại Nhà hát Hòa Bình, TP.Hồ Chí Minh.

* DDVN 1 lần đầu tiên ra mắt tối 12.6.1994 tại TP.HCM đã mở ra một kỷ lục hoành tráng. Hơn 100 nghệ sĩ, ca sĩ như Bảo Yến, Phương Thảo, Ngọc Lễ, Thủy Tiên, Thu Hà, Minh Thuận, Nhật Hào, nhóm Ba Con Mèo, hoa hậu, á hậu Lý Thu Thảo, Hà Kiều Anh, diễn viên Mỹ Duyên, Việt Trinh... cùng rất nhiều tên tuổi khác tham gia. Điểm nhấn sự kiện này là hình ảnh nhạc sĩ Trịnh Công Sơn xuất hiện trên sân khấu, ôm đàn hát ca khúc nổi tiếng Một cõi đi về. Tiếng hát trầm ấm, cảm xúc day dứt của ông đã chìm trong tiếng vỗ tay liên tiếp và vang dội của khán giả. Tất My Loan là đạo diễn, vinh dự được Ban tổ chức mời xây dựng DDVN đầu tiên. Theo ghi nhận của báo chí thời điểm ấy, sự kiện cháy vé, giành mua vé đã diễn ra với người yêu nghệ thuật Sài Gòn. Nhà hát 2.500 chỗ không còn một chỗ trống.

* DDVN 2 diễn ra 4đêm liên tiếp từ 13 đến 16.4.1995. Lần đầu tiên sân khấu qua màn ảnh tái hiện những thước phim lịch sử cảnh sinh viên, học sinh xuống đường đấu tranh của các đô thị miền Nam trước năm 1975. Các ca sĩ, diễn viên tham gia như Hồng Hạnh, Hồng Nhung, Nguyễn Chánh Tín, Lý Hùng, Kim Khánh, Trương Ngọc Ánh... Nhà báo Thu Hồng (báoThể Thao - Văn Hóa)từng viết: “Chương trình thật đẹp và công phu. Thúy Nga Paris cũng thua xa”. Ông Đỗ Văn Trọn, Giám đốc Đài truyền hình Viên Thao (Mỹ) có mặt lần nàybình luận: “Ở Mỹ, trong cộng đồng người Việt thì khó có một chương trình nào tổ chức được như DDVN của Báo Thanh Niên. Đó là chưa nói đến sự tham gia đông đảo của các nghệ sĩ, người đẹp, diễn viên”. Đài truyền hình NHK (Nhật) đã xin phép quay chương trình DDVN 2 để làm tư liệu.

* DDVN 3 lần đầu tiên đếnvới công chúng, người yêu âm nhạc thủ đô. Chương trình diễn ra suốt 3đêm từ 15 đến 17, trung tuần tháng 12.1995 tại Cung văn hóa Hữu nghị Việt - Xô. Nhiều báo chí nhận định đây là chương trình ca nhạc lớn nhất từ trước đến nay ở Hà Nội. Điểm nhấn đáng lưu ý trước đêm diễn, bandroll của DDVN đã theo xuống đường cùng hàng ngàn thanh niên sinh viên vì sự kiện chiến thắng của đội tuyển Việt Nam tại SEA Games 18.

* DDVN 4 thay đổi khá quyết liệt, như một tít bài của nhà báo Lê Nhược Thủy viết trên Báo Thanh Niên ra ngày thứ bảy 5.10.1996: “Không theo con đường mòn của các chương trình trước đây, DDVN lần này sẽ là một mạo hiểm về nghệ thuật”, diễn ra 3đêm từ 5 đến 8.10.1996. Đạo diễn Tất My Loan, người đầu tiên mở màn sự đổi mới này cũng là người mang sứ mệnh đổi mới quyết liệt của DDVN. Bằng mọi cách phải bứt phá vượt lên dẫn đầu trong làng ca nhạc biểu diễn. “Tình ca Việt” cũng là chủ đề được chọn làm nền xuyên suốt đêm diễn.

* DDVN 5 xuất hiện tên tuổi mới, đạo diễn Đoàn Khoa. Anh kế tục vang dội từ những chương trình lần trước nhưng tuyên bố trên báo chí “chuẩn bị chu đáo” và “ngoạn mục đổi mới”. Nhiều tiết mục cực kỳ biến tấu như lần đầu tiên hai nhà thiết kế áo dài Minh Hạnh và Sỹ Hoàng phối hợp trên sân khấu thời trang. Các hoa văn đặc sắc của các dân tộc Lô Lô, Thái, Dao, Gié, Chiêng, Hơ Mông, Nùng Hoa... và đặc biệt 4 kiểu áo của dân tộc Kinh được đầu tư với dàn người mẫu Lý Thu Thảo, Đàm Lưu Ly, Vũ Cẩm Nhung, Hà Kiều Anh. Bộ ba hài Hồng Vân - Lê Vũ Cầu - Cát Phượng với các tiết mục dí dỏm: Bà mất gà - Ông mất nết, Tình anh bán chè, Em đi chùa Hương, Lấy chồng Đài Loan... được khán giả ủng hộ, thích thú vỗ tay mãnh liệt. DDVN 5 mởra một thời kỳ cho Sân khấu cười và Đời cười sau này.

* DDVN 6 không hẹn mà gặp ở đây nhiều thể nghiệm với hàng loạt những ca sĩ trẻ cùng dòng nhạc trẻ như Thu Phương, Khánh Du, Lam Trường... Đặc biệt sự xuất hiện của ca sĩ hải ngoại Hương Lan với 2ca khúc Mưa trên phố Huế (Minh Kỳ), Điệu buồn phương Nam (Vũ Đức Sao Biển). Thu Phương cũng gây sốt với ca khúc Unbreak my heat (nước ngoài)và Về đây nghe em (Trần Quang Lộc). Sáng bừng sân khấu là những gánh hoa hướng dương vàng chói. Mặt trời mọc trên sàn diễn là ý đồ độc đáo của các họa sĩ thiết kế sân khấu...

* DDVN 7 được xem là tiếp tục khẳng định thương hiệu mạnh mẽ của những đêm hội âm nhạc và thời trang. Sân khấu quay đã được giới thiệu. Nhạc nền bài hát Đêm đô thị của Y Vân là điểm nhấn. Tính dân tộc đậm đà cách điệu qua tiếng hát nhân tố mới Quang Linh với Thương về xứ Huế khúc nhạc ¾ pha màu semi classique do nhạc sĩ Đức Trí phối khí. Mái đình làng biển (Nguyễn Cường), Tiếng xưa (Dương Thiệu Tước) uyển chuyển truyền thống - hiện đại. Nhà báo Nguyễn Công Khế, linh hồn của chương trình, người khai sinh, lĩnh xướng hay tổng đạo diễn của thương hiệu DDVN nhận định: “Ca khúc Việt thịnh hành mọi nơi trên đất nước. Nó đang dần dần chiếm lĩnh lại vị trí xứng đáng trong lòng công chúng. Các nhạc sĩ VN không chỉ sáng tác hay về đề tài chiến đấu mà trong cả đề tài muôn thuở vốn không dễ dàng là Tình yêu... Mỗi lần tái ra mắt, DDVN lại bị một sức ép lớn: phải đem lại một cái gì đó thật mới lạ, độc đáo để hàng trăm người từng đặt niềm tin vào chương trình qua sân khấu và băng video không bị thất vọng...” (Thanh Niên, số 57 ra ngày 9.4.1999).

* DDVN 8 xuất hiện gương mặt đạo diễn tài năng Huỳnh Phúc Điền với tuyên bố ấn tượng “phiêu lưu để trưởng thành”. Âm nhạc do nhạc sĩ Bảo Chấn phụ trách được đánh giá cao dễ nghe và xúc động lòng người. Đài BBC (Anh) phỏng vấn nhà báo Nguyễn Công Khế, hoa hậu Hà Kiều Anh và Đàm Lưu Ly xung quanh chương trình bắt đầu gây tiếng vang, tạo dư luận với kiều bào nước ngoài. BBC còn phỏng vấn một số Việt kiều như ông Trịnh Việt Hà (nhà sách Vina - Pháp), cũng là một điểm có phát hành băng đĩa DDVN. “Chương trình có tính chất chọn lọc, kỹ lưỡng, đầu tư dàn dựng cao. Sân khấu thiết kế mới lạ, âm thanh tốt, bố cục hài hòa. Chất lượng có thể cạnh tranh với bất cứ băng đĩa nhạc showbiz nào...”.

* DDVN 9 được báo giới so sánh “Một vẻ đẹp phương Đông huyền bí lay động lòng người”. Học giả Trần Bạch Đằng đã đến dự đêm khai mạc tại Nhà hát Hòa Bình. Chương trình diễn ra từ 6 đến 9.4.2000. Lần đầu tiên có tới 5 MC xinh đẹp và nổi tiếng là Minh Hương, Quỳnh Hoa, Quỳnh Hương, Hồng Ánh, Mỹ Duyên. Các hoạt cảnh trong 5 cây quạt lần lượt mở ra các không gian văn hóa với những bài hát diễm tuyệt. Bộ sưu tập Nét phương Nam của nhà tạo mẫu Liên Hương với chất liệu tơ tằm mang tính đột phá thời trang.

* DDVN 10 với dàn ca sĩ hùng hậu: Mỹ Tâm (vừa đoạt huy chương đồng Liên hoan Âm nhạc châu Á), Hồng Ngọc, Tuấn Hưng, Trần Tâm, Phương Uyên. Danh ca Elvis Phương chính thức xuất hiện trên sân khấu Việt qua thương hiệu khách mời đặc biệt. Ông Jonathan Michael (doanh nhân Úc) cảm xúc đánh giá: “Tuy là người nước ngoài chưa nói thạo tiếng Việt tôi vẫn thích các bộ sưu tập Quốc hiệu Việt Nam, Đêm Kinh Bắc. Màu sắc của đêm diễn rất đẹp. Âm nhạc phối hợp hoàn hảo, thơ mộng, êm như ru. Các tiết tấu áo dài tôn tạo vẻ đẹp thiếu nữ Á Đông. Riêng tiết mục Nghiêng nghiêng rừng chiều của hai cô gái vừa hát vừa đánh trống là tôi yêu thích nhất...”.

* DDVN 11 thay đổi táo bạo với đạo diễn Anh Khanh. Anh cho biết: “Khi được mời làm chương trình tôi biết mình đang đứng trước những thử thách, những tầm nhìn. Tôi đến với nghệ thuật bằng một con đường nhỏ xíu, gồ ghề nhưng đầy đam mê và bay bổng...”. Chương trình diễn ra từ 23 đến 26.5.2002. Và chính lửa từ gồ ghề, đam mê bay bổng đó cùng với các ngôi sao Cẩm Vân, Thanh Lam, Lam Trường, Mỹ Linh, Đàm Vĩnh Hưng, Thanh Thảo, Nguyễn Phi Hùng, các danh ca hải ngoại Elvis Phương, Hương Lan, Ái Vân... chinh phục khát vọng vươn tới đỉnh cao.

* DDVN 12 có tên chủ đề “Sắc màu duyên dáng” với sự trở về từ Mỹ của ca sĩ Trịnh Nam Sơn. Anh nói: “Đây là lần đầu tiên tôi đứng trên sân khấu quê nhà, trước mặt khán thính giả trong nước. Được chung vui, gần gũi với khán giả yêu nhạc là tôi cảm thấy rất hạnh phúc...”. Mở màn tại TP.HCM đêm 16.1.2003, sau đó diễn ở Hà Nội đêm 21.2.2003. DDVN lần này cũng là thời điểm lần đầu tiên nhà báo Nguyễn Công Khế trả lời câu hỏi về một khía cạnh mới, của phóng viên Vũ Duy Giang:“Hình như DDVN đã muốn xuất ngoại?”. Ông Nguyễn Công Khế cho biết: “Không phải “hình như” mà muốn thực sự. Không chỉ một lần chuẩn bị mà có đến hai lần nhưng chưa thực hiện được với nhiều lý do khách quan. Tôi biết bà con Việt kiều sinh sống ở Úc, Mỹ, Canada, Pháp, Nhật... đều muốn chứng kiến tận mắt DDVN thay vì phải xem video như bấy lâu. Nhưng phải tính toán kỹ mọi mặt mới được! Vì đây là một chương trình hoành tráng, nếu đi phải mang theo nhiều diễn viên, nhiều thiết bị, đạo cụ biểu diễn. Mà DDVN là gây quỹ từ thiện nên chúng tôi không thể làm lỗ, rồi lấy tiền của các em sinh viên, học sinh mà bù vào được...” (Người Lao Động, số ra ngày 21.1.2003).

* DDVN 13 được ông Phần Đuông Chít Vong Sả(Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin nước CHDCND Lào) khen ngợi “là một mô hình văn hóa đặc sắc”. Các ca sĩ, nhạc sĩ Duy Quang, Đức Huy và Trịnh Nam Sơn từ hải ngoại trở về tham dự chương trình. Giám đốc âm nhạc là Lê Quang.

* DDVN 14 tôn vinh vẻ đẹp tâm hồn Việt là nhận xét của nhà văn, nhà báo Ngô Thị Kim Cúc. Tổng đạo diễn chương trình là Đinh Anh Dũng. Anh cũng là người gợi ra ý tưởng chủ đề dân tộc và khác lạ: Sen. Nhà báo, nhà hoạt động chính trị, đồng thời Chủ tịch Hãng tin ATN, ông Bradley O’Leary (Mỹ) trả lời: “Sen là một chủ đề đẹp. Có thể thấy những hình ảnh, video minh họa cho chủ đề này rất tuyệt vời. Tôi sẽ đề nghị các khán giả người Mỹ xem show này. Tôi từng xem nhiều chương trình nghệ thuật của cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ nhưng lần này tôi đánh giá DDVN là một trong những show hay nhất của Việt Nam...” (Thanh Niênchủ nhật, 9.1.2005).

* DDVN 15 có chủ đề "Một ngày mới", diễn ra từ 29 -31.12.2005 đến 1.1.2006. Ý nghĩa một ngày mới này như nhà báo Nguyễn Công Khế, Trưởng ban tổ chức, phát biểu trong buổi họp báo chương trình trước hiện diện của hơn 40 phóng viên, nhà báo đại diện cho các báo, đài Trung ương và địa phương: Các vị lãnh đạo nhà nước ủng hộ việc Báo Thanh Niên đưa chương trình DDVN sang Úc biểu diễn cuối tháng 10 đầu tháng 11.2005 và cho đây là 1 trong 10 sự kiện văn hóa lớn của 2005. Đặc biệt hơn, DDVN 15 trùng khớp với sự kiện kỷ niệm 20 năm ngày ra số báo đầu tiên (1985 - 2005) nên chương trình sẽ có 20 ca khúc, 20 mẫu thời trang của 7 nhà thiết kế.

Cũng từ DDVN 15, Ban tổ chức sẽ sử dụng một ê kíp thực hiện thay vì chỉ có một đạo diễn như các chương trình trước đây. Đạo diễn chỉ giữ vai trò cố vấn. Cách làm này sẽ mở rộng sáng tạo, tạo thêm sự đa dạng, phong phú. Chương trình có sự tham gia của ca sĩ Lynda Trang Đài (Mỹ) và các ca sĩ hải ngoại Hương Lan, Duy Quang, Elvis Phương, Đức Huy. Đạo diễn Tất My Loan trong vai trò cố vấn. Đức Trí, Võ Thiện Thanh, Hoài Sa, Hoàng Hiệp, Huy Tuấn (nhạc), Trọng Dũng (thiết kế), Lê Trường Tiếu (thực hiện sân khấu)... Dàn nhạc gồm 30 nhạc công với sự chỉ huy của Sir Graham Sutcliffe (quốc tịch Anh), cố vấn ánh sáng Fernando Toma (Đức), âm thanh Robert Eddy (Mỹ), hình ảnh Tsukikawa (Nhật)... để cộng hưởng thành công vang dội ngoài sức tưởng tượng...

Nguyễn Hữu Hồng Minh / Duyên dáng Việt Nam
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
8 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kỳ 1: Dấu ấn đổi mới, khởi sắc táo bạo qua các thời kỳ