Báo New York Times ngày 7.3 ghi nhận ông Tập Cận Bình là một bậc thầy về chính trị hậu trường, đa mưu túc trí, thần tốc và cực kỳ khôn khéo. Dự thảo sửa đổi Hiến pháp được Quốc hội bỏ phiếu thông qua vào ngày 11.3 vừa qua, bãi bỏ hạn chế 2 nhiệm kỳ Chủ tịch nước, cho thấy điều này.

Kỳ 1: Ông Tập Cận Bình với kế hoạch sửa đổi Hiến pháp, bỏ hạn chế 2 nhiệm kỳ Chủ tịch nước

12/03/2018, 03:28

Báo New York Times ngày 7.3 ghi nhận ông Tập Cận Bình là một bậc thầy về chính trị hậu trường, đa mưu túc trí, thần tốc và cực kỳ khôn khéo. Dự thảo sửa đổi Hiến pháp được Quốc hội bỏ phiếu thông qua vào ngày 11.3 vừa qua, bãi bỏ hạn chế 2 nhiệm kỳ Chủ tịch nước, cho thấy điều này.

Ông Tập Cận Bình dự họp Quốc hội Trung Quốc - Ảnh: New York Times

Theo Times, ông Tập Cận Bình hành động thần tốc, bí mật để dẹp yên nguy cơ phản đối trong nội bộ đảng và bên ngoài, bỏ qua những kỳ họp tìm sự nhất trí mà các lãnh đạo tiền nhiệm thường áp dụng để sửa đổi Hiến pháp Trung Quốc.

Reuters dẫn 2 nguồn tin giấu tên cho biết Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) từng không đạt được nhất trí, nên triệu tập cuộc họp toàn thể 200 ủy viên vào ngày 26.2.2018. Thường thì cuộc họp toàn thể chỉ được triệu tập để quyết những vấn đề quan trọng.

Nhưng hai cựu quan chức, một biên tập viên báo đảng và một doanh nhân cho Times biết ông Tập Cận Bình đã đạt được sự ủng hộ, chỉ 3 tháng sau khi ông có thêm nhiệm kỳ Chủ tịch nước thứ 2, ở Đại hội đảng khóa 19 hồi tháng 10.2017.

Kết quả cuộc họp toàn thể là sự nhất trí để ông Tập Cận Bình nắm quyền lực vĩnh viễn. Nhưng một thông báo sau đó không đề cập quyết định nặng ký này, và chính quyền giữ kín hơn 5 tuần, mãi đến ngày khai mạc kỳ họp hằng năm của Quốc hội Trung Quốc (hôm 5.3) mới công bố.

Phó chủ tịch Quốc hội Vương Thần thông báo chính Chủ tịch Tập Cận Bình đã đề xuất sửa đổi Hiến pháp, gồm điều khoản hủy bỏ giới hạn 2 nhiệm kỳ đối với Chủ tịch và Phó chủ tịch nước, mở đường cho ông Tập Cận Bình có thể tiếp tục làm lãnh đạo từ sau năm 2023.

​Nhiều nhà phân tích và các cựu đảng viên từng biết ông Tập Cận Bình, nói ông tự tin đã loại bỏ được các đối thủ tiềm năng, nhận được sự ủng hộ từ chiến dịch chống tham nhũng đả hổ diệt ruồi, nhưng ông cũng lo ngại một cuộc khủng hoảng, ví dụ kinh tế suy thoái, hoặc bùng nổ chiến tranh với CHDCND Triều Tiên có thể khiến ông bị suy yếu quyền lực.

Ông Tập Cận Bình cũng đặt người trung thành soạn và ủng hộ dự thảo sửa đổi Hiến pháp, và ông giữ toàn bộ quy trình dưới sự kiểm soát chặt chẽ của đảng, không cho tranh luận dù chỉ trong nội bộ.

Theo thông tin của ông Vương Thần, sau Đại hội đảng khóa 19, nhóm công tác đã thu thập ý kiến của 2.600 đảng viên, và tổ chức tham vấn những đảng viên lão thành về kế hoạch sửa đổi Hiến pháp. Ông khẳng định tất cả những người tham gia góp ý đều “nhất trí ủng hộ”.

Ông Vương Thần cho biết sau cuộc họp của Bộ Chính trị CPC, ông Tập Cận Bình giao việc soạn dự thảo sửa đổi Hiến pháp cho Chủ tịch Quốc hội Trương Đức Giang và hai cố vấn thân cận của ông: các ông Lật Chiến Thư và Vương Hỗ Ninh đều đã được bầu vào Ban Thường vụ Bộ Chính trị sau kỳ họp Đại hội đảng khóa 19.

Ông Vương Hỗ Ninh từng nói hồi năm 1995 rằng Trung Quốc cần một nhà lãnh đạo mạnh mẽ, để duy trì trật tự xã hội, đồng thời thúc đẩy những chính sách không dễ được chấp nhận, ví dụ đóng cửa các xí nghiệp, nhà máy không hoạt động hiệu quả. Ông nói: “Nếu không có trung ương kiểm soát, đất nước sẽ lâm vào bất ổn và tan vỡ”.

Trong các bài phát biểu gần đây, ông Tập Cận Bình cũng đề cập Trung Quốc phải đối mặt với những cơ hội và thách thức.

Sau khi nghe giới thiệu kế hoạch sửa đổi Hiến pháp, các đại biểu vỗ tay hoan hô hai lần, và một đại biểu nói với Times: “Tôi cho rằng chúng tôi nên để đồng chí Tập Cận Bình có 20 năm để hoàn tất Trung Hoa mộng, cho chúng tôi có một quốc gia thịnh vượng, mạnh mẽ. Thời hạn 10 năm trước đây không phù hợp với kế hoạch phát triển dài hơi của Trung Quốc”.

Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã được trình các đại biểu Quốc hội xem xét. Và Quốc hội đã bỏ phiếu thông qua vào ngày 11.3 vừa qua.

Người phát ngôn của Quốc hội Trung Quốc, ông Trương Nghiệp Toại tuyên bố đề xuất “hoàn toàn chỉ nhằm đồng bộ hóa chức danh Chủ tịch nước với các chức danh Tổng bí thư và Chủ tịch Quân ủy trung ương”.

Hai chức danh sau không giới hạn nhiệm kỳ.

Đại biểu Quốc hội Trung Quốc sau một ngày họp - Ảnh: New York Times

Theo Times, chỉ có Quốc hội có quyền sửa Hiến pháp với 2/3 phiếu thuận, nhưng các đại biểu quốc hội luôn phê duyệt các đề xuất trình họ xem xét, cho ý kiến.

Nhưng ngay cả những người biết rõ tham vọng của ông Tập Cận Bình vẫn bị bất ngờ vì ông hành động quá nhanh. Các lần sửa đổi Hiến pháp trước đây mất nhiều thời gian hơn, có lấy ý kiến nhân dân. Lần gần nhất Trung Quốc sửa đổi Hiến pháp là vào năm 2004, để đưa vào thuyết “Ba đại diện” của cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân. Khi đó, nước này mất một năm để chuẩn bị và lấy ý kiến, trong khi đề xuất sửa đổi Hiến pháp được ông Tập Cận Bình mới nêu lên hồi tháng 12.2017.

Ông Ngô Vỹ, từng là cố vấn của nguyên Tổng bí thư Triệu Tử Dương, nói: “Tôi luôn nghĩ ông Tập Cận Bình sẽ muốn tại vị khoảng 3-4 nhiệm kỳ, và thậm chí có thể giới thiệu một cơ chế chủ tịch mới sau khi ông ấy mãn nhiệm. Nhưng tôi chưa hề nghĩ Hiến pháp được xem xét lại quá nhanh. Đối với sự sửa đổi lớn một điều khoản quan trọng của Hiến pháp, có lẽ cần có thêm ý kiến của toàn thể nhân dân”.

Theo Times, ông Tập Cận Bình đã đề nghị sửa Hiến pháp tại cuộc họp của 25 ủy viên Bộ Chính trị CPC vào ngày 29.9.2017, tức khoảng 3 tuần trước khi diễn ra Đại hội đảng khóa 19, theo thông báo chính thức ở ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội.

Nhưng ông Tập Cận Bình không lập tức nêu khả năng hủy bỏ thời hạn nhiệm kỳ, và để tránh bị cho là chỉ đạo sửa đổi, ông để các lãnh đạo cấp tỉnh và thành phố trung thành với ông nêu đề xuất, theo một cựu quan chức yêu cầu giấu tên (vì sợ bị kỷ luật vì tiết lộ chuyện nội bộ) dẫn lời một quan chức đương nhiệm cho Times biết.

Ông Christopher K.Johnson, một chuyên gia về chính trị Trung Quốc của Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS, Mỹ) nói việc sửa nhanh Hiến pháp cho thấy “Ông ấy làm từ từ, và khi không ai để ý, ông ấy làm chuyện lớn”.

Vĩnh Thụy (theo New York Times)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng yêu cầu chủ động ứng phó, khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ ở Trung Bộ
11 phút trước Theo dòng thời sự
Chủ động chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó với gió mạnh trên biển, mưa lũ, ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét, lũ ống bảo đảm kịp thời, hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại. Yêu cầu trên được Thủ tướng Chính phủ đặt ra với Bộ trưởng các bộ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tại Công điện số 120/CĐ-TTg, ngày 25.11.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kỳ 1: Ông Tập Cận Bình với kế hoạch sửa đổi Hiến pháp, bỏ hạn chế 2 nhiệm kỳ Chủ tịch nước