Đó là bài được Phạm Xuân Ẩn phát đi bằng telex (từ Sài Gòn) đến trụ sở chính của tạp chí Time ở Mỹ (New York) và Time lập tức đăng trên số báo ra ngày 12.5.1975…

Kỳ 14: Bài báo cuối cùng của Phạm Xuân Ẩn trên tạp chí Time

Một Thế Giới | 09/05/2015, 07:36

Đó là bài được Phạm Xuân Ẩn phát đi bằng telex (từ Sài Gòn) đến trụ sở chính của tạp chí Time ở Mỹ (New York) và Time lập tức đăng trên số báo ra ngày 12.5.1975…

Gần như thời điểm đó, đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đáp máy bay từ Hà Nội vào Sài Gòn để gặp tướng Trần Văn Trà (Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam, Chủ tịch Ủy ban quân quản Sài Gòn - Gia Định) trong phòng Đại yến của dinh Độc Lập.

Cách dinh Độc Lập không xa lắm, Phạm Xuân Ẩn - người trải nhiều năm bí mật cung cấp tin tức và tài liệu tình báo chiến lược hữu hiệu cho tướng Giáp lẫn tướng Trà - vẫn đang ngồi một mình đăm chiêu, tại khách sạn Continental, trong văn phòng thường trú của tạp chí Time đặt ở đó.

Do Hà Nội chưa công bố danh phận điệp viên của mình, nên Phạm Xuân Ẩn không tránh khỏi nhiều phiền phức bởi một số biện pháp “quân quản” do chính những người đồng chiến tuyến với ông gây ra. Oái oăm là, lúc đó, không một ai giúp sức - ông phải tự mình xoay xở đơn độc - rơi vào tình cảnh cùng lúc hoạt động “đơn tuyến” hai chiều cho Time và cho cách mạng. Ông điện về New York: “Tất cả các phóng viên Mỹ (của Time) đã di tản vì tình trạng khẩn cấp. Văn phòng tạp chí Time hiện nay do Phạm Xuân Ẩn điều hành”. Nội dung trên được Time thông báo cho các chi nhánh toàn cầu biết, kèm theo “tấm ảnh Phạm Xuân Ẩn đang đứng trên một đường phố không người, hút thuốc lá và trông có vẻ thích gây gổ” (Larry Berman, sđd Kỳ 11, tr.395).

Sau này, Phạm Xuân Ẩn kể để nhà sử học nổi danh Larry Berman viết cuốn “Perfect Spy - Cuộc đời hai mặt không thể tin được của Phạm Xuân Ẩn - phóng viên tạp chí Time và điệp viên Cộng sản Việt Nam”, biên soạn công phu trong 5 năm, có ghi lại lời nói của Phạm Xuân Ẩn về những ngày cuối cùng trong “nghiệp làm báo” của mình:

- Tất cả chỉ có một mình tôi (ở văn phòng Time tại Sài Gòn - GH), trừ người giám sát (cán bộ cách mạng được phái đến để theo dõi thường trực các hoạt động nghề nghiệp của Phạm Xuân Ẩn - GH). Ông ta không phải là người khó tính, nhưng là một người kiểm duyệt khắt khe. (Larry Berman, sđd tr. 395)

“Khắt khe” để mắt đến từng trang giấy “có chữ”, vì thế suốt nhiều tuần sau 30.4, Phạm Xuân Ẩn “chẳng có tin bài nào được gửi đi”. Tuy vậy, bù lại, Time cũng đã nhận được bài báo cuối cùng của ông và đăng trên số ra ngày 12.5 như đã nói trên - mà Larry Berman trích lại một đoạn khá dài và đáng đọc (sđd tr. 396-397). Đáng đọc, bởi đoạn ấy có giá trị mô tả chân thực cảnh hỗn loạn khi Sài Gòn bị thất thủ và ghi nhận lời hứa hẹn “an dân” của chính quyền cách mạng, rằng: sẽ thiết lập một chế độ chính trị “trung lập và không liên kết” cho riêng miền Nam Việt Nam. Nguyên văn đoạn trích (Nguyễn Đại Phượng dịch):

 “Hình ảnh cuối cùng về cuộc chiến tranh:

“Những người lính thủy đánh bộ Mỹ dùng báng súng giáng xuống những ngón tay của nhiều người Việt Nam đang cố bám tường tìm cách vào được bên trong khuôn viên tòa đại sứ Mỹ để chạy trốn khỏi đất nước họ. Một không khí lộn xộn, bừa bãi chẳng khác nào cảnh mô tả trong kinh Khải huyền.

“Một số “kẻ cướp ngày” lái những chiếc xe hơi của sứ quán bỏ lại chạy như điên quanh thành phố cho đến khi hết sạch xăng. Một số kẻ khác vào lục soát Siêu thị PX Tân cảng Sài Gòn vốn được coi là giấc mơ (là mô hình thương mại lý tưởng thời ấy - GH), rập khuôn theo vùng ngoại ô của Mỹ. Một người phụ nữ đội hai thùng rượu anh đào và một thùng kẹo cao su Wrigley Spearmint…

“ Ngoài khơi, những chiếc máy bay trực thăng trị giá hàng triệu đô la bị lật nhào khỏi boong tàu (cứu hộ Mỹ) một cách lãng phí, chẳng khác nào việc ném đi những lon bia (đã uống hết) để lấy chỗ cho những chiếc máy bay trực thăng khác sắp đáp xuống.

“Cuối cùng, Việt Cộng và những người Bắc Việt Nam đổ vào Sài Gòn, kéo cờ của Chính phủ Cách mạng lâm thời, bắt giữ tổng thống Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh và thủ tướng Vũ Văn Mẫu. Đối với nhiều người Mỹ, điều đó giống như một cái chết đã được chờ đợi từ lâu, nhưng khi xảy ra thì người ta vẫn cảm thấy bị sốc.

“Một cuộc chiến tranh dài nhất của thế kỷ đã kết thúc bằng đợt di tản hiệu quả, nhưng nhục nhã. Đó là sự kết thúc giống như một cơn ác mộng. Không, có thể còn tồi tệ hơn cả cơn ác mộng nữa. Chỉ có rất ít lính Việt Nam Cộng hòa nổ súng vào những người Mỹ đang di tản, nhưng chẳng trúng phát nào. Ít nhất thì người Mỹ cũng đã gây ra cảnh tượng khủng khiếp cuối cùng về “người của mình đánh những người bạn” và “đồng minh của Mỹ đang chen lấn nhau (di tản)”. Mặc dù trên thực tế, người Mỹ đã tìm cách đưa khoảng hơn 120.000 người Việt Nam tị nạn ra đi với họ.

“Có lẽ đúng hơn phải nói rằng, cuộc chia tay lần này của Mỹ đối với miền Nam Việt Nam là một “hành động duy nhất không ảo tưởng” trong suốt những năm chiến tranh.

“Những người cầm quyền mới ở miền Nam Việt Nam (Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam - GH) tuyên bố rằng họ sẽ quyết tâm thực hiện một chính sách hòa bình, độc lập, trung lập và không liên kết”.

Đọc bài báo cuối cùng trên của Phạm Xuân Ẩn do Time đăng, những người Mỹ có lương tâm phải “trầm lặng” ưu tư và trăn trở nhiều. (còn nữa)
Giao Hưởng

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
29 phút trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kỳ 14: Bài báo cuối cùng của Phạm Xuân Ẩn trên tạp chí Time