Trẻ mầm non, ăn 3 bữa ở trường (sáng, trưa và xế chiều), chỉ ăn bữa tối ở nhà. Tại nội thành TP.HCM, tỉ lệ 12,2% trẻ dưới 5 tuổi thừa cân béo phì, cao hơn cả mức trung bình của các nước phát triển, hơn cả Mỹ. Mọi lo lắng và hy vọng ngăn chặn "triều cường" béo phì đổ dồn về bữa ăn trường mầm non, nơi thiếu vắng dinh dưỡng chuyên nghiệp nhi khoa.
Hiện trường mầm non H.V có khoảng 600 trẻ, trong đó có khoảng 550 trẻ sinh hoạt bán trú tại đây. Tỉ lệ trẻ mẫu giáo bán trú luôn cao do cha mẹ đi làm cả ngày, không người trông coi trẻ ở nhà, việc ăn của bé “trăm sự nhờ cô”.
Giống như nhiều trường mẫu giáo khác, mỗi ngày các em ăn 3 bữa, bữa sáng lúc 7 giờ 15, bữa trưa vào lúc 11 giờ và bữa xế chiều 15 giờ.
Hai bữa sáng và xế chiều, mỗi em dùng hết 1 tô hủ tiếu hay phở, bánh canh, hoành thánh… tùy theo ngày. Mỗi tô tương đương với 2 chén lớn. Ăn xong, các em được tráng miệng một trong các loại trái cây như đu đủ, chuối, thanh long, nho… hoặc sữa tươi, sữa chua… (tùy ngày) mỗi thứ có trọng lượng hơn 100g hoặc 100ml.
Bữa trưa, mỗi em dùng một tô cơm (tương đương 2 chén lớn), chén canh, thức ăn mặn và trái cây tráng miệng.
Đi kèm với cơm là những món ăn mà các em sử dụng mỗi ngày như tôm lăn bột, cánh gà chiên nước mắm, đùi gà chiên ướt, tôm ram thịt ba rọi, mực xào dưa, cá ba sa sốt cam… Tất cả các món mặn mà các em sử dụng trong mỗi bữa ăn đều không dưới 100g. Đó là một khẩu phần thường thấy.
Học sinh ở mỗi trường mầm non thường có nhiều độ tuổi tính theo tháng khác nhau, từ 25 tháng tuổi cho đến 6 tuổi, nhưng thực đơn của các em gần như nhau. Vấn đề đặt ra là các trường phải tính toán thế nào cho từng nhu cầu theo tháng khác nhau.
Cô T., phó hiệu trưởng trường mầm non H. cho biết, những em nhỏ tuổi hơn, giảm khẩu phần một ít, các em lớn ăn 2 chén cơm đầy thì các em nhỏ ăn 2 chén vơi hơn, hoặc thức ăn có giảm chút ít. Tuy nhiên, nếu các em nhỏ hơn mà ăn khỏe thì vẫn cho các em nhỏ ăn giống như các em lớn tuổi hơn.
Cô T. phân tích, ăn như thế các em mới có sức khỏe, các phụ huynh mới yên tâm gửi con mình vào đây vì không sợ thiếu ăn, suy dinh dưỡng, còi xương.
“Các em nào mà vào trường này chỉ có béo ra chứ không có chuyện suy dinh dưỡng đâu, các bậc phụ huynh yên tâm”, cô T. nói.
Chưa kể, trong cặp đi học của hàng trăm ngàn cô bé, cậu bé mầm non đều mang theo rất nhiều sữa để uống cả ngày do cha mẹ cho vào, mà chúng không giống nhau về chức năng.
Khi nhà giáo phải nghiên cứu dinh dưỡng
Theo tìm hiểu của chúng tôi, thực đơn ở các trường mầm non đều do chính các cấp dưỡng của trường tự thiết kế. Ngay như tại trường mầm non H. (quận 8), các thực đơn cho trẻ ăn hàng ngày đều do 5 cấp dưỡng tự thiết kế.
Nguồn nhân lực chuyên nghiệp về dinh dưỡng tại các trường học từ lâu là vấn đề khiếm khuyết của các trường học. Người làm nghề cấp dưỡng tại mầm non thường chỉ được đào tạo sơ cấp nấu ăn.
Cô Q., hiệu trưởng trường mầm non V. cho biết chế độ ăn uống của các trẻ ở đây được các cô áp dụng theo gia đình của các cô. Hoặc các cô tìm kiếm sự chia sẻ kinh nghiệm từ những đồng nghiệp ở các trường khác, đến các lớp học ngắn hạn, tự học qua mạng, sách để tìm hiểu thêm những món ăn nào thích hợp cho trẻ và cả từ nhà hàng. Một cô cấp dưỡng thấy món ca ba sa sốt cam tại nhà hàng khá ngon, cô đưa món này vào thực đơn cho trẻ ăn ở trường V..
Trẻ em không chỉ thích ngon, béo mà phải nhiều màu sắc nữa! Tại trường mầm non B. nằm ở huyện Bình Chánh, TP.HCM, nơi có tỉ lệ trẻ béo phì thấp hơn nội thành, thực đơn trong tuần cho bé đầy màu sắc và hương vị như tôm lăn bột, cánh gà chiên nước mắm, đùi gà chiên ướt, tôm ram thịt ba rọi, mực xào dưa, cá ba sa sốt cam… mỗi bữa không dưới 100g.
Có thể ngon miệng, thích mắt nhưng mẫu thực đơn này có thể thiếu rau và nhiều năng lượng, đạm, như chuyên gia từng cảnh báo.
Khát chuẩn
Sự nỗ lực của cộng đồng nhà giáo và cấp dưỡng dù sao cũng không thể thay thế cho khuyến cáo về dinh dưỡng chuyên môn sâu ngành dinh dưỡng nhi khoa. Có nhiều nguồn tham khảo phổ biến nhưng nó không thay thế được bộ chuẩn cần có trong rất nhiều năm qua.
Năm ngoái, Sở Giáo dục và Đào tạo và Trung tâm Dinh dưỡng tại TP.HCM đã cung cấp bộ chuẩn cho các trường tiểu học - nơi cũng gánh chịu hiện tượng béo phì mức cao. Hệ thống trường mầm non cũng đang chờ đợi công cụ hướng dẫn chuyên môn này.
“Cho đến nay, chưa có một bộ chuẩn nào về thực đơn cho các trường mầm non nên các trường tự xây dựng, miễn làm sao các em ăn nhiều là được. Nếu những thức ăn nào các em ăn ít hoặc ăn không ngon miệng thì các cấp dưỡng sẽ thay đổi món ăn khác, miễn sao giúp các em ngon miệng và ăn nhiều”, cô hiệu trưởng Q. cho biết.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hậu, trưởng khoa dinh dưỡng - Bệnh viện Nhi đồng 2, TP.HCM, trẻ bị béo phì thường có hội chứng thèm ăn, dễ nhầm lẫn với ngon miệng. Nếu chạy theo nhu cầu khẩu vị của bé và cho bé ăn tất cả những gì bé thích trong khi đã đủ dinh dưỡng rồi thì nguy cơ gây béo phì càng lớn.
Hồ Quang