Một ngày mới ở cố đô Luang Prabang bắt đầu bằng nghi thức khất thực của các nhà sư.

Kỳ 2: Động Phật Pak Ou linh thiêng và kỳ bí

Nguyễn Minh | 23/06/2016, 23:21

Một ngày mới ở cố đô Luang Prabang bắt đầu bằng nghi thức khất thực của các nhà sư.

Kỳ 1: Đường đến đất nước Triệu voi và cánh đồng chum bí ẩn

Khất thực là một trong những nghi thức cổ xưa và được các nhà sư theo hệ Phái Phật giáo Nguyên thủy Theravada ở Lào gìn giữ gần như nguyên vẹn từ thế hệ này qua thế hệ khác.

Sư khất thực ở Luang Prabang - Blogspot

Theo sử liệu Phật giáo được truyền thừa lại từ ngàn xưa, nếu con người muốn tu tập đạt đến cảnh giới như mong muốn, trước hết cần phải dẹp bỏ lòng sân si ngã mạn, tức là phải biết gác lại sự nóng giận, sự ngu muội, tự tôn và khinh thường kẻ khác. Và cách thức tốt nhất để diệt trừ những thứ ấy không gì hơn là chấp nhận làm kẻ-đi-ăn-xin-của-mọi-người. Ngoài ra, giáo lý đạo Phật cũng cho rằng, bằng cách này, người tu sĩ Phật giáo cũng gián tiếp tạo ra phước đức cho người cúng dường, giúp họ có được cuộc sống an lạc trong phần đời còn lại.

Và đó chính là hai lý do mà nghi thức khất thực trong giáo lý nhà Phật cứ thế tồn tại, thẩm thấu và trở thành một phần trong đời sống văn hóa lẫn tinh thần của người dân trên đất nước Triệu Voi.

Sau khi mục sở thị buổi khất thực kéo dài khoảng 1 giờ đồng hồ, tôi quyết định tìm đến một địa điểm thú vị không kém nghi thức khất thực, đó làđộng Phật Pak Ou.

Bên ngoài khu vực động Pak Ou, trên dòng sông Ou

Pak Ou nằm cách cố đô Luang Prabang khoảng 30 km, ngay cạnh cửa sông Nậm U, một trong những nhánh quan trọng cung cấp nước cho dòng sông mẹ Mê Kong. Và đó cũng là cội nguồn cho tên gọi Pak Ou, tức động cửa sông Ou.

Được hình thành từ hàng loạt kiến tạo địa chất, núi lửa nên quang cảnh động Pak Ou nhìn từ xá khá hùng vĩ với những vách đá vôi dựng đứng, nhiều hình thù kỳ lạ và có lẽ chính điều này đã làm cho không gian xung quanh Pak Ou trở nên huyền bí hơn.

Do nằm trên một quả núi nhỏ và có mặt hướng ra sông nên để tiếp cận được hang động Pak Ou chỉ có cách duy nhất là dùng thuyền của người dân bản xứ.

Động Pak Ou có hai động chính là động Tam Ting nằm phía dưới vàđộng Tam Phum nằm ở phía trên.

Điểm gây ấn tượng mạnh đối với những ai lần đầu tiên đặt chân đến hang động này chính là một hệ thống tượng Phật khổng lồ với nhiều kiểu dáng khác nhau. Theo ước tính, số lượng tượng phật ở hai hang động nà lên đến con số 4.000, trong số đó có nhiều tượng Phật cổ có từ hàng trăm năm trước.

Bên trong hang động Pak Ou
Có 4.000 bức tượng linh thiêng bên trong hang động - Ảnh: thousandwonders

Hiện có hai giả thuyết để nói về nguyên nhân mà động Pak Ou trở thành nơi lưu giữ tượng Phật lớn đến như vậy.

Giả thuyết đầu tiên cho rằng chính địa hình phức tạp, đường xá đi lại khó khăn chính là nguyên nhân biến Pak Ou thành trung tâm lưu giữ tượng Phật.

Tương truyền rằng, hàng trăm năm trước, trong một lần giao chiến với kẻ thù, thành Luang Prabang thất thủ, để tránh sự tàn phá của kẻ thù, các nhà sư đã mang nhiều tượng Phật, giong thuyền vào vùng rừng núi hoang vu lánh nạn. Khi đến khúc sông này, đột nhiên giông tố nổi lên, thuyền của các nhà sư bị lật và trôi dạt vào ngọn đồi này. Cho rằng đây là ý Phật nên các nhà sư mang hết số tượng Phật vào đây cất giấu. Thời gian trôi qua, số tượng Phật cứ thế tăng dần....

Giả thuyết thứ hai cho rằng, động Pak Ou vốn là địa điểm linh thiêng từ trước khi Phật giáo có mặt trên đất nước Lào. Giả thuyết này xuất phát từ tín ngưỡng vạn vật hữu linh hay còn gọi là tín ngưỡng đa thần vốn rất phổ biến vào thời cổ đại và người dân Lào cũng không ngoại lệ. Và người ta cho rằng, động Pak Ou nằm ngay ngã ba sông và đây chính mà khi xưa người ta đã dùng nơi này như là một khu vực thờ tự thần sông.

Khi Phật giáo được truyền du nhập vào, thuyết vạn vật hữu linh trong quá khứvẫn tiếp tục phát triển để rồi sau đó sự kết hợp với tôn giáo này để hình thành nên động Phật huyền bí như ngày hôm nay.

Mặc cho những giả thuyết về nguồn gốc, động Pak Ou ngàn đời nay vẫn là chốn linh thiêng trong tâm thức của người dân Lào không phân biệt đẳng cấp, giai tầng.

Dân gian lưu truyền rằng, khi xưa các vị vua đang tại vị hàng năm đều tới thăm hang Phật vào ngày Tết Pimay, tức Tết té nước ở Lào và ở qua đêm ở khu vực này để chủ trì lễ cúng Phật trong động...

Trong những ngày vua lưu lại nơi này, dân chúng cũng tấp nập dùng ghe thuyền từ Luang Prabang ngược dòng Mae Nam Kong tới hang Pak Ou hành hương, cùng với nhà vua thực hiện nghi thức dùng nước hoa thơm tắm Phật.

Ngày nay, để thuận tiện cho khách hành hương và du khách viếng thăm, người ta cho xây một hệ thống tam cấp bằng đá trên 200 bậc nối từ động Tam Ting lên động Tam Phum.

Cũng giống như động Tam Ting, động Tam Phum cũng chứa rất nhiều tượng Phật lớn nhỏ các loại được người dân cúng dường từ hàng trăm năm qua.

Tuy nhiên, do cấu trúc địa hình nên động Tam Phum có độ dài lớn hơn rất nhiều so với động Tam Ting. Chính cấu trúc này làm cho động Tam Phum trở nên lạnh lẽo.

Được cộng hưởng bởi ánh sáng mờ ảo và một không gian Phật giáo linh thiêng, động Tam Phum khiến bất kỳ ai cũng cảm giác kì bí khi bước chân vào động.

Động Tam Phum - Ảnh: Blog naver

Không chỉ tạo ra một không gian Phật giáo, quần thể động Pak Ou còn tạo ra một không gian sống vô cùng hiền hòa với hình ảnh những người phụ nữ miệt mài bên khung dệt.

Khi xưa, khi mà động Pak Ou chưa được nhiều người biết đến, người dân dệt vải chủ yếu là để phục vụ cho gia đình và cộng đồng.

Tuy nhiên, kể từ khi động Pak Ou trở thành một trong những điểm du lịch lý thú ở cố đô Luang Pra Băng, sản phẩm dệt truyền thống này trở thành một món quà lưu niệm dành cho du khách.

Tuy nhiên, không giống như những điểm du lịch mà chúng tôi đi qua, việc buôn bán ở đây diễn ra khá nhẹ nhàng và đơn giản.

Và có lẽ, cái tính đơn giản ấy bắt nguồn từ không gian Phật giáo huyền bí Pak Ou có từ hàng trăm năm trước. Theo thời gian, cái không gian ấy đã từng bước thẩm thấu và trở thành cốt cách hiền hòa, nhẹ nhàng của người dân...

Một dấu nhấn đẹp và nhẹ nhàng trong hành trình khám phá miền đất Phật Triệu Voi.

Nguyễn Minh
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
4 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kỳ 2: Động Phật Pak Ou linh thiêng và kỳ bí