Những chuyến vươn khơi của người Bình Châu vẫn lặng lẽ mà can trường dù gặp bao hiểm nguy từ thiên tai và nhân tai. Nước biển mặn chát có thêm cả những giọt máu và mồ hôi của những ngư dân. Đó là vị đời của họ. Bởi thế, những chàng trai đang tuổi lớn, dù bị thương trở về bờ nhưng chỉ mong chóng ra khơi bởi ở ngoài Hoàng Sa, cha anh của họ vẫn miệt mài với biển...
Tâm sự của ngư ông hai quê
“Tôi sinh ra ở xã Hồng Lô, Việt Trì, không biết biển là gì. Trước đây, bố tôi tham gia chiến đấu ở Vạn Tường, Quảng Ngãi. Ở vùng đất này, bố quen và nhận làm con nuôi một người phụ nữ Bình Châu mà bây giờ tôi gọi là bà nội nuôi. Hết chiến tranh, bố về lại miền Bắc sinh sống và sinh ra tôi. Quê hương nghèo khó, tôi khăn gói vào Trung nhờ bà nội bao bọc. Từ đó đến nay ở luôn đây”, anh Lý kể.
Anh Cao Xuân Lý đang ở bờ dưỡng thương trong căn nhà xập xệ |
Ngày 9.6.2015, tàu QNg 95193 TS của ông Phạm Trung Kiên ở thôn Châu Thuận Biển làm chủ đã bị tàu Trung Quốc mang biển số 3402 áp sát xua đuổi và gây hư hỏng một số thiết bị. Hai thuyền viên trên tàu cũng bị thương gồm Bùi Tấn Đoàn (SN 1992) và ông Cao Xuân Lý (SN 1973). Cũng như bao tàu cá của ngư dân Việt Nam, tàu QNg 95193 TS hành nghề hợp pháp ở biển Hoàng Sa của Việt Nam.
Anh Lý nhớ lại: “Hôm đó chúng tôi đánh bắt như bình thường thì thấy một chiếc tàu lớn màu trắng có sọc của Trung Quốc chạy tới. Họ không cảnh báo hay gì cả mà xua đuổi tàu tôi”.
Trong quá trình bị xua đuổi, anh Lý bị ngã trên tàu chấn thương mình mẩy.
“Từ những ngày đầu tập đi biển, đến giờ là gần 20 năm, tôi mới bị thế này”.
Sau khi được đưa vào bờ, anh Lý hiện ở nhà dưỡng thương. Khắp mình mẩy anh vẫn còn đau rất nhiều. Anh bảo: “Cũng may sao bị đập đầu vậy nhưng chưa có gì trục trặc về não. Không thì...”.
Nếu khỏe lại sẽ lại ra khơi
Anh Lý nói vậy. Anh bảo: “Một mình tôi tha hương vào đây nương nhờ bà nội và các anh chị. Đây là quê hương thứ hai của tôi nhưng vẫn còn mẹ già 80 tuổi ở quê cũ. Vợ tôi cũng người Bắc nên không quen biển. Còn hai đứa con trai nữa. Tôi phải đi biển để lo cho gia đình”.
Hỏi anh sao không về quê, anh chỉ bảo: “Giờ quen với cuộc sống ở biển rồi, quen với những chuyến ra Hoàng Sa, Trường Sa rồi. Cá tôm cũng lắm. Cũng cho mình thu nhập”.
“Nhưng nguy hiểm thì sao?”, tôi hỏi. “Có gì đâu. Đó là biển của mình. Mấy ông bà ở đây từ trước vẫn đi. Anh em ở đây vẫn đi. Nên mình cứ đi thôi. Chỉ sợ là đi qua biển nước khác đánh bắt là phạm pháp chứ ra Hoàng Sa là của mình thì còn sợ gì”.
Những người phụ nữ ở bờ buôn con cá, vớt mớ rong rau cháo nuôi người ở biển về |
Căn nhà cấp 4 anh Lý đang ở mới dựng được một năm nay. Người anh nuôi cho anh mượn đất làm nhà. Nhà, là gạch đỏ quệt vữa xếp lên. Hai vợ chồng anh sống ở đây. Hai đứa con trai gửi về ngoài Bắc cho mẹ già nuôi. Anh bảo đến bây giờ vẫn chưa có gì gọi là riêng ở mảnh đất mới. Nếu mà cứ bị vài lần như thế này xem như mạt vận.
Bên cạnh, nhà người anh nuôi đang hí hoáy cho bữa đánh cá buổi chiều. Người anh này chỉ đánh bắt gần bờ bằng thúng máy chứ không theo bạn thuyền đi khơi xa.
“Sao anh không đánh bắt gần bờ như ông anh cho khỏe?”. Anh Lý bảo: “Đánh bắt gần bờ chỉ kiếm ăn từng bữa thôi, không có thu nhập gì nhiều. Mình còn phải lo cả gia đình nên phải ra khơi xa mới có thu nhập”.
Hằng tháng, anh gom góp gửi tiền về nuôi mẹ già và hai con. Anh đi khơi xa. Vợ không quen sông nước nên cũng không làm ra tiền. Thế nên, có khi vài cái tết anh mới về quê.
“Trời cho anh sức khỏe, anh còn bám Hoàng Sa. Không có sức khỏe thì mẹ, vợ, con anh đói”.
Một góc thôn Châu Thuận Biển |
Ở phía dưới xóm Gành Cả, Bùi Tấn Đoàn, ngư dân bị tấn công cùng lần với anh Lý đang ở nhà với cái chân bó bột.
Sinh năm 1992 nhưng đây là lần đi khơi xa không biết bao nhiêu của Đoàn, nhưng là lần đầu bị thương.
“Mấy chuyến trước đi dễ hơn, tàu nó chỉ dí theo mình. Nhưng những lần này nó làm hung. Nhưng nó hung thì hung, mình làm vẫn làm. Lành chân em lại đi ấy mà, chứ có nghề gì khác đâu”, Đoàn nói.
Mẹ Đoàn, bà Võ Thị Hiền, cũng như bao phụ nữ ở Gành Cả này, muôn đời tiễn và đón chồng con trên bãi biển. Bà bảo: “Ở đây quen vậy. Có lo lắng, nguy hiểm nhưng rồi cũng đi làm thôi. Tôi vẫn bảo con nghề mình nó vậy. Mình ở miệt biển thì biển là nhà mà”.
Ở ngoài Hoàng Sa, bố Đoàn vẫn đang theo bạn hành nghề lặn biển... (còn tiếp)
Lê Đình Dũng