Vào lúc Bắc Kinh không giấu mục tiêu soán thế lực Mỹ ở châu Á, vũ khí hạt nhân Triều Tiên ngáng chân’ Trung Quốc đang muốn làm bá chủ châu lục này, theo New York Times ngày 5.9.

Kỳ 2: Triều Tiên ‘ngáng chân’ Trung Quốc làm bá chủ châu Á

09/09/2017, 15:16

Vào lúc Bắc Kinh không giấu mục tiêu soán thế lực Mỹ ở châu Á, vũ khí hạt nhân Triều Tiên ngáng chân’ Trung Quốc đang muốn làm bá chủ châu lục này, theo New York Times ngày 5.9.

Ông Kim Jong-un và đặc sứ Trung Quốc Lưu Vân Sơn dự lễ duyệt binh Triều Tiên-Ảnh: New York Times

Gần 2 năm trước, đặc sứ Trung Quốc Lưu Vân Sơn đến Bình Nhưỡng, cùng lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un xem cuộc duyệt binh. Hai ông cười cười nói nói trước ống kính, nhưng thường thì họ chỉ im lặng, dõi mắt theo hàng quân Triều Tiên.

Giấc mộng làm trùm châu lục bị suy yếu

Gần hai năm sau cuộc viếng thăm của một cán bộ cấp cao Trung Quốc, đã có khoảng cách giữa một thế lực muốn thống trị khu vực với một láng giềng khó đoán trước và có tham vọng riêng.

Trung Quốc muốn khẳng định vị thế trung tâm của một khu vực năng động, kinh tế phát triển nhanh, nhưng Bình Nhưỡng lại thách đố Bắc Kinh bằng cuộc thử hạt nhân thứ sáu hôm 3.9, trở thành một chướng ngại vật bất ngờ cho tham vọng Bắc Kinh vươn tới quyền lực.

Còn có những rào cản lớn khác trên con đường tiến lên ngôi bá chủ châu Á của Trung Quốc: Mỹ thời Tổng thống Donald Trump dù phát những tín hiệu rút khỏi châu lục này, vẫn là một thế lực quân sự lớn. Hai đối thủ truyền thống của Trung Quốc là Nhật Bản và Ấn Độ cũng thể hiện rõ ý đồ kháng cự tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh.

Đường tiến đến quyền lực của Bắc Kinh cần Mỹ rút quân, và một thông điệp tới các đồng minh của Mỹ rằng họ không còn có thể trông chờ sự bảo vệ của Mỹ.

Việc Triều Tiên dọa lôi Mỹ sâu vào khu vực càng gây khó cho nỗ lực của Bắc Kinh nhằm giảm thiểu tầm ảnh hưởng của Mỹ, đồng thời thuyết phục các nước không “núp dưới dù hạt nhân” của Mỹ.

Cùng lúc, vị trí chiến lược của Triều Tiên cùng khả năng hạt nhân của họ, gây nguy hiểm cho mục tiêu kiềm chế Bình Nhưỡng của Bắc Kinh.

Hugh White, cựu chiến lược gia của Bộ Quốc phòng Úc, nói: “Triều Tiên có thể không là vấn nạn lớn của Trung Quốc, nhưng họ bồi thêm một chiều kích cực kỳ nghiêm trọng và độc đáo cho nhiệm vụ lấn át Mỹ ở Đông Á của Trung Quốc”.

Chiến tranh Lạnh mới giữa Trung Quốc với châu Á

Chính phủ Mỹ đặt cược Trung Quốc chặn được chương trình hạt nhân của Triều Tiên, từ chối đối thoại với ông Kim Jong-un và “đánh bạc” rằng Bắc Kinh có thể dùng uy lực kinh tế để kiềm chế Bình Nhưỡng.

Nhưng làm thế, Nhà Trắng có lẽ hiểu sai tính phức tạp trong quan hệ Trung-Triều, điều mà nhiều lãnh đạo Trung Quốc đã chật vật điều hành.

Hiện Trung Quốc có sự thù ghét ông Kim Jong-un, ‘nhà lãnh đạo vô ơn’, dưới mắt nhiều người dân Trung Quốc, dù Bắc Kinh tiếp tục ‘rót dầu’ cho Triều Tiên và xuất khẩu hàng hóa cho nước này.

Hồi tháng 8, tại một cuộc hội thảo qui tụ nhiều học giả, họ đã đặt dấu hỏi về giá trị “một vùng đệm chiến lược” của Triều Tiên để Trung Quốc chống Nhật-Hàn. Họ cũng cảnh báo Triều Tiên có thể kích thích Nhật-Hàn tự phát triển vũ khí hạt nhân (VKHN).

Giáo sư Chu Phong của khoa quan hệ đối ngoại thuộc đại học Nam Kinh (Trung Quốc) nói: “Cái giá phải trả là tiếp tục xem thường Nhật, khiến Mỹ tức và chọc tức Hàn Quốc. Nếu Nhật-Hàn buộc phải tìm các giải pháp cực đoan như sở hữu VKHN, điều đó sẽ gây tác động rất xấu đến ngoại giao khu vực”.

Vị học giả nói thêm rằng việc tràn lan VKHN sẽ đẩy Trung Quốc và “Chiến tranh Lạnh mới” với châu Á, có thể khiến Mỹ tăng cường hiện diện quân sự, làm hỏng tham vọng bá chủ khu vực của Bắc Kinh, đồng thời khiến Trung Quốc mang tiếng “kích động chạy đua VKHN ”, bị mất uy tín với quốc tế.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được cho là hiểu rõ những nguy cơ trên, và trong riêng tư, ông đã bày tỏ thái độ không ưa ông Kim Jong-in.

Nhưng như các vị tiền nhiệm, ông không muốn trừng phạt vì ngại Triều Tiên sụp đổ sẽ dẫn đến một cuộc chiến tranh bất ổn ở vùng biên giới, tạo ra cuộc khủng hoảng tị nạn ở vùng đông bắc Trung Quốc nghèo đói và Mỹ nắm quyền kiểm soát toàn bộ bán đảo Triều Tiên.

Những khả năng này đều có thể cản trở kế hoạch Trung Quốc làm ‘trùm’ châu Á vào lúc khu vực này chạy đua vũ trang.

Và nếu như Triều Tiên tồn tại thì là một hàng xóm đói nghèo và gây bực tức cho Bắc Kinh. Từ quan điểm của ông Tập, một láng giềng thù địch có VKHN sẽ là hậu quả tệ hại nhất.

Mao Trạch Đông và ông Kim Nhật Thành trên cầu biên giới Trung-Triều

Mỹ đề nghị kế hoạch phòng chống, Trung Quốc ngại ‘bất trung’

Suốt hơn 10 năm, Mỹ đề nghị đàm phán với Trung Quốc, tìm cách mỗi nước có thể làm gì, nếu như Bình Nhưỡng sụp đổ. Nhưng Trung Quốc không chịu, lo ngại làm thế là ‘bất trung với đàn em’ Triều Tiên.

Từ thời Tổng thống George Bush, Lầu Năm Góc đề nghị Bắc Kinh bàn “những kế hoạch phòng chống’, nhưng Trung Quốc im lặng, theo một cựu quan chức quốc phòng Mỹ giấu tên.

Nhà phân tích Ralph A. Cossa của Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS) nói: “Trung Quốc lo ngại phản ứng của Triều Tiên”.

Năm 2006, khi Triều Tiên thử hạt nhân lần đầu tiên, các sĩ quan quân đội Trung Quốc tỏ ý quan tâm “kế hoạch phòng chống”, theo một quan chức Mỹ biết chuyện. Nhưng Lầu Năm Góc lại nghi Trung Quốc chỉ muốn biết kế hoạch của Mỹ, chứ không tiết lộ kế hoạch của họ, quan chức này nói.

Tập đối phó khủng hoảng ở Triều Tiên, học giả Mỹ-Trung ‘bắn nhau’

Vài tuần qua, tình hình bán đảo Triều Tiên căng thẳng, câu hỏi Trung Quốc sẽ làm gì trong một cuộc khủng hoảng vẫn không có lời đáp. Nhưng điều chắc chắn là Bắc Kinh phản đối quân Mỹ vượt qua vĩ tuyến 38 ngăn cách hai miền Hàn-Triều.

Hoàn cầu thời báo (Trung Quốc) viết xã luận rằng “Trung Quốc sẵn sàng chặn đứng bất kỳ âm mưu Mỹ-Hàn muốn lật đổ chế độ Bình Nhưỡng và thay đổi bối cảnh chính trị bán đảo Triều Tiên”.

Học giả Yun Sun ở Trung tâm Stimson (ở Washington) nói: “Chắc chắn Trung Quốc sẵn sàng can thiệp để duy trì chính phủ Triều Tiên hoạt động, duy trì Triều Tiên là một quốc gia”.

Các tổ chức nghiên cứu Mỹ thường tổ chức hội thảo về Triều Tiên, người tham dự được chia thành các nhóm đại diện nhiều nước, và họ được gợi ý bàn luận cách đối phó một tình huống khẩn cấp giả lập.

Một nhà phân tích tham gia các buổi tập này, nói sự nghi ngờ hằn sâu: hai nhóm đại diện Trung Quốc và Mỹ thường kết thúc bằng chuyện “bắn nhau”.

Một dịp nọ, các học giả Trung Quốc và những cựu sĩ quan đồng ý tham gia các cuộc tập đối phó này. Nhưng Phillip C. Saunders, chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu quân sự Trung Quốc thuộc Đại học Quốc phòng Mỹ, cho biết: họ thường nhấn mạnh hai điểm chung này:

Chính phủ Triều Tiên ổn định. Và tầm ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Triều Tiên càng bị hạn chế.

Vĩnh Thụy (theo New York Times)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: 'Nếu để lỡ thời cơ là có lỗi với đất nước và nhân dân'
2 giờ trước Sự kiện
Sáng 20.1 tại trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã tổ chức gặp mặt các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy viên Trung ương Đảng các khóa nhằm ôn lại truyền thống vẻ vang 95 năm xây dựng, trưởng thành của Đảng (3.2.1930 - 3.2.2025); tri ân, tôn vinh đảng viên có nhiều công lao đóng góp cho Đảng, cho đất nước; thông tin về tình hình đất nước và chúc tết nhân dịp Xuân Ất Tỵ năm 2025.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kỳ 2: Triều Tiên ‘ngáng chân’ Trung Quốc làm bá chủ châu Á