Đúng vào hôm Tổng thống Johnson nhận được bản phúc trình của chúng tôi, ông phái cố vấn an ninh Mac Bundy sang Sài Gòn đánh giá các khả năng gầy dựng một chính phủ ổn định tại đó và để tìm hiểu xem có nên phát động những hoạt động quân sự chống lại Bắc VN hay không.
Sang ngày thứ ba của chuyến công du của Mac, VC dùng chất nổ và súng cối tấn công một bộ chỉ huy quân đội NVN và một căn cứ không quân Mỹ gần Pleiku, cách Sài Gòn 250 dặm về phía Bắc. 8 quân nhân Mỹ tử thương. Với hậu thuẫn của đại sứ Maxwell Taylor và tướng Westmoreland, Mac đột ngột khuyến cáo không kích trả đũa BVN theo như các phương án đang được xem xét tại Washington từ mấy tháng qua. Trận tấn công Pleiku và phản ứng trả đũa của chúng tôi đã góp phần đáng kể vào sự leo thang chiến tranh tiếp theo sau đó.
Ngay khi Tổng thống nhận được khuyến cáo của Mac, ông triệu tập Hội đồng An ninh quốc gia với sự tham dự của các lãnh tụ quốc hội. Cho dù cuộc không kích vào BVN có làm tăng thêm phần bất trắc vì lẽ đúng vào lúc đó Thủ tướng Liên Xô Alexei Kosygin đang viếng thăm Hà Nội, hầu hết mọi người dự cuộc họp – kể cả chuyên viên về LX, Tommy George Ball – cũng đều yêu cầu trả đũa cuộc tấn công của VC. Chỉ có mỗi Nghị sĩ Mike Mansfield là mạnh mẽ chống lại ý kiến này. Nhìn thẳng vào mặt Tổng thống qua cái bàn họp nội các, ông cảnh cáo rằng, dẫu cho chính Hà Nội đã chỉ trận tấn công này, thì cũng cần phải mở mắt để thấy rằng “dân chúng NVN không đứng sau lưng chúng ta bằng không VC đã không thể nào tiến hành được trận đột kích bất ngờ này”. Ông yêu cầu Tổng thống Johnson cân nhắc sự kiện một cách thận trọng bởi lẽ một trận không kích trả đũa sẽ khiến Mỹ rơi vào tình trạng không còn lá bài tẩy để tố trong canh bạc này nữa. Mặc cho nghị sĩ Mansfield nói hết lời, Tổng thống mới nhân danh các quyền hạn mà nghị quyết vịnh Bắc bộ đã trao cho ông để ra lệnh không kích.
Mac trở về Washington tối hôm sau với một bản phúc trình khẳng định rằng : Tình hình tại NVN đang suy sụp, nếu như Mỹ không hành động tất sẽ không tránh khỏi bại trận ... “Vốn liếng” (của Mỹ) đặt vào canh bạc VN rất lớn … Uy tín cũng như ảnh hưởng của Mỹ đang bị đe dọa trực tiếp tại VN. Bất cứ một giải pháp thương thuyết để triệt thoái đều đồng nghĩa với đầu hàng”.
Mac đề xuất không kích leo thang và lâu dài BVN với hai mục đích: về lâu về dài hy vọng sẽ tác động đến ý chí của BVN khiến họ giảm yểm trợ cho VC và hoặc sẽ đi đến bàn hội nghị; trước mắt sẽ làm dấy lên ngay một làn gió lạc quan tại NVN. Liệu diễn biến hành động như theo đề xuất này sẽ làm thay đổi được các “chẩn đoán” bi quan đã có? Mac không hứa chắc mà chỉ nhấn mạnh rằng viễn tượng VN hiện rất đen tối và rằng còn khối việc cần phải cải thiện ở phía NVN. Song mặt yếu của chúng ta tại VN lại nằm ngay trong chính khả năng thích ứng của chúng ta, “tại đó đang có ý nghĩ cho rằng chúng ta không đủ ý chí, uy lực, kiên nhẫn và quyết tâm tiến hành những gì cần thiết và tiếp tục cuộc chơi”.
Đoạn chót báo cáo của Mac nhấn mạnh nơi điểm quan trọng này: “Cho dù có lạc quan nhất chăng nữa, cuộc chiến tại VN sẽ kéo dài rất lâu. Cần thiết phải nhận chân vấn đề cơ bản này đồng thời cũng cần giải thích rõ ràng cho dân chúng hiểu rõ điều đó”.