Thay vì chọn “phương án chán đời” của Max, chúng tôi lại tiếp tục bận tâm tìm kiếm một diễn biến quân sự. Trong một điện văn gửi cho Max hôm 30/12, Tổng thống biểu lộ rõ rệt những bực dọc về các khuyến cáo liên tục của các tướng chỉ huy liên quân cứ đòi được oanh kích Bắc VN.

Kỳ 21 - McNamara lý giải vì sao tổng thống Johnson ồ ạt đổ quân vào VN

19/12/2014, 05:39

Thay vì chọn “phương án chán đời” của Max, chúng tôi lại tiếp tục bận tâm tìm kiếm một diễn biến quân sự. Trong một điện văn gửi cho Max hôm 30/12, Tổng thống biểu lộ rõ rệt những bực dọc về các khuyến cáo liên tục của các tướng chỉ huy liên quân cứ đòi được oanh kích Bắc VN.

Tổng thống nhắc nhở mạnh mẽ Max: “Cứ mỗi lần tôi nhận được một khuyến cáo quân sự là lại phải nghe đòi hỏi oanh kích quy mô lớn. Tôi chưa hề nghĩ rằng có thể thắng được cuộc chiến tranh này từ trên không. Điều mà chúng ta cần hơn bao giờ hết và cũng là có hiệu quả hơn cả, chính là làm sao có được một sức mạnh quân sự trên bộ thích đáng hơn. Tôi đang nghiêng nhiều về một sự gia tăng nỗ lực trong phương diện này”. Gợi ý về việc triển khai rộng rãi quân bộ chiến Mỹ bắt đầu ló dạng từ tình trạng buồn phiền chán nản.

Max trả lời bằng một phân tích mà tôi cho là đầy hiểu biết và sâu sắc nhất mà chúng tôi nhận được từ Sài Gòn trong suốt 7 năm trời tôi đấu vật với VN:“Chúng ta đang đứng trước một tình hình suy thoái nghiêm trọng mà những nét đặc trưng là sự rối loạn chính trị, tinh thần vô trách nhiệm và tính phân hóa trong quân đội, sự thờ ơ trong chương trình bình định, tâm tư chống Mỹ ngày càng có khả năng phát triển, những dấu hiệu ngày càng gia tăng của nạn VC nhắm trực tiếp vào nhân viên Mỹ cùng sự mất tinh thần ngày càng sâu rộng trên toàn cõi NVN. Trừ phi các điều kiện trên thay đổi thế nào đó, chúng ta sắp đối diện với việc thiết lập một chính phủ không thân thiện với chúng ta có khả năng sẽ yêu cầu chúng ta ra đi trong khi chính phủ đó tìm cách thương thảo với Mặt trận Dân tộc Giải phóng và Hà Nội. Có thể so sánh tình hình này với một ngòi nổ nhanh”.

Sau đó, Max quay qua vấn đề quân bộ chiến, thận trọng khuyến cáo rằng, theo đúng bài bản quân sự, để đánh bại VC sẽ cần triển khai thật nhiều quân:

“Hiện tại quân nổi dậy VC đã tăng đến khoảng 100.000 du kích quân thiện chiến. Tôi chưa hề thấy trong lịch sự một cuộc chiến chống du kích nào lại không cần đến một ưu thế quân số 10 chống lại 1 và lại không kèm theo việc loại bỏ mọi hỗ trợ từ bên ngoài”.

Max nhấn mạnh rằng trong hai năm qua, tỷ lệ quân số này chưa hề vượt quá 5 chống 1 và rằng trong tương lai cũng sẽ khó mà đạt tới một tỷ lệ quân số lý tưởng.

Rồi thì Max xoay qua “triết lý”: Chúng ra sẽ làm được gì? Max nhận xét: “Chúng ta chẳng tài nào làm thay đổi những đặc tính của một dân tộc (tức NVN), nặn ra một ê-kíp lãnh đạo chưa từng hiện hữu, xây dựng một quân lực VNCH lớn mạnh hơn hoặc bít chặt biên giới rò rỉ cho đừng bị xâm nhập”. Max tin rằng, để đạt đến kết quả, chúng ta sẽ phải cần đến một yếu tố mới và cũng là “yếu tố duy nhất đem đến cơ may thành công trong một thời gian thuận lợi nhất… yếu tố đó chính là chương trình oanh kích leo thang nhằm bẻ gãy ý chí của VNDCCH” mà mục đích chính tà tạo ra “một tình hình thuận lợi cho việc đàm phán với Hà Nội”.

Max chia sẻ với niềm tin của Tổng thống rằng không thể thắng cuộc chiến tranh du kích này từ trên không – và điều này không hề là mục tiêu của Max mà chỉ là “để tạo áp lực nơi ý chí của các nhà lãnh đạo VNDCCH”. Max kết thúc bức điện bằng lời cảnh báo “chúng ta đang đi trên con đường dẫn đến thất bại nên cần phải thử liều mà thay đổi”.

Chúng tôi vẫn chưa tiến hành gì cả. Vào đầu tháng 1/1965, VC đập tơi bời 2 đơn vị ưu tú NVN trong 2 trận đánh quan trọng. Các tin thất trận này, cùng với các báo cáo tình báo về việc quân chính qui BVN bắt đầu đổ vào NVN, chúng tôi càng lo sợ rằng Hà Nội và VC đang chuẩn bị tổng tấn công mà chính phủ Sài Gòn cùng quân đội của họ sẽ khó lòng đứng vững. NVN như đang đứng trước ngưỡng cửa của sự sụp đổ toàn bộ.

Sau nhiều tháng bất định và không dứt khoát được gì, chúng tôi nay đang đứng trước ngã ba đường.

6 tháng tiếp theo sau bản phúc trình “giữa ngã ba đường” đó của chúng tôi đánh dấu giai đoạn then chốt nhất của 30 năm nước Mỹ can dự vào Đông Dương.

Giữa ngày 28/1 và 28/7/1965 Tổng thống Johnson phải đối diện với những phương án được nêu ra trong bản phúc trình của 2 chúng tôi và phải đi đến những quyết định “định mệnh” ghi chặt nước Mỹ vào con đường mòn can thiệp quân sự ồ ạt vào VN, một hành động can thiệp đã khiến cho ông phải thân bại danh liệt và nước Mỹ rơi vào cảnh phân hóa chưa từng thấy kể từ cuộc nội chiến Mỹ đến nay.

Trong giai đoạn “định mệnh” này, Johnson đã phát động oanh kích BVN và đưa quân bộ chiến Mỹ vào NVN, nâng số lính Mỹ từ 23.000 lên 175.000 người – với viễn cảnh sẽ còn gửi thêm 100.000 và sau này còn nhiều hơn thế nữa. Tất cả đã diễn ra mà công chúng Mỹ không được giải thích một cách đầy đủ, nên đã gieo mầm mống làm suy yếu đi niềm tin của dân chúng.

Làm thế nào mà mọi việc đã xảy ra được? Tại sao Tổng thống Johnson đã không giữ được niềm tin của dân chúng? Tại sao chiến lược quân sự của tướng Westmoreland (tư lệnh phái bộ quân sự Mỹ tại NVN) đã không được đem ra thảo luận một cách rộng rãi? Tại sao chúng tôi đã chọn leo thang chiến tranh thay vì triệt thoái? Tại sao chúng tôi đã không tiên liệu được những hậu quả các hành động của chúng tôi?...

Danh Đức dịch (tiêu đề của Một Thế Giới)
Bài liên quan
Điện Kremlin lên tiếng về thời gian tại vị của Tổng thống Ukraine Zelensky
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết tương lai Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã được an bài.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Đề nghị kỷ luật nguyên Bí thư TP.HCM Lê Thanh Hải
12 giờ trước Theo dòng thời sự
Ông Lê Thanh Hải, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM bị Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương đề nghị kỷ luật.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kỳ 21 - McNamara lý giải vì sao tổng thống Johnson ồ ạt đổ quân vào VN