Ngày 2/11, Tổng thống thành lập một nhóm làm việc dưới quyền Trợ lý Ngoại trưởng William Bundy đứng đầu nhằm xem xét các giải pháp thay đổi chính sách ở miền Nam VN một lần nữa. Kỳ 20 - "Phương án chán đời" của tướng 4 sao Max Taylor

Kỳ 20 - “Phương án chán đời” của tướng 4 sao Max Taylor

16/12/2014, 06:57

Ngày 2/11, Tổng thống thành lập một nhóm làm việc dưới quyền Trợ lý Ngoại trưởng William Bundy đứng đầu nhằm xem xét các giải pháp thay đổi chính sách ở miền Nam VN một lần nữa. Kỳ 20 - "Phương án chán đời" của tướng 4 sao Max Taylor

Ngày hôm sau, Lyndon Johnson thắng cử, một thắng lợi bầu cử lớn nhất trong lịch sử Mỹ. Ngày 1/12, nhóm làm việc trình bày 3 phương án:

a-Tiếp tục diễn biến hiện tại với rất ít hy vọng tránh khỏi thất bại.

b-Tiến hành không kích kịch liệt các đường giao thông từ miền Bắc vào miền Nam cùng với 94 mục tiêu mà các tướng lĩnh đã đề nghị trong hy vọng buộc Hà Nội ngừng hậu thuẫn VC và bước vào bàn hội nghị.

c-Tiến hành chiến dịch không kích như trên song với mức độ leo thang cùng với những mục tiêu như trên, song như thế ít có nguy cơ mở rộng chiến tranh hơn.

CIA còn làm rối rắm hơn với những nhận xét về hiệu quả của các cuộc không kích. CIA lưu ý rằng do nền kinh tế BVN chủ yếu là nông nghiệp và phân tán nơi hằng hà sa số làng mạc có khả năng tự cấp, việc không kích sẽ chẳng tạo ra những khó khăn kinh tế tới mức không tài nào vượt qua được cũng như cũng sẽ chẳng khống chế được khả năng của Hà Nội trong việc cung cấp nhân, vật lực cho cuộc chiến tranh du kích ở NVN. CIA cũng ghi nhận rằng giới lãnh đạo BVN xem sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn cũng như thắng lợi của Hà Nội là rất gần kề. Thành ra, chính vì thế mà Hà Nội sẽ gắng chịu đựng các cuộc oanh kích chứ không chịu thay đổi cục diện.

Giờ đây nhìn lại, mới thấy rõ rằng những điều mà chúng tôi trình bày với Tổng thống đầy rẫy những lỗ hổng. Chúng tôi đã không trả lời được những câu hỏi cơ bản sau:

-Nếu vào thời điểm TT Kennedy qua đời chúng tôi vẫn còn nghĩ rằng chỉ có NVN mới tự cứu được mình và chiến thắng, thế thì giờ đây tại sao mọi việc lại đều khác trước?

-Đâu là cơ sở của luận cứ cho rằng kế hoạch oanh kích (dù cho là ồ ạt hay từng bước leo thang) sẽ buộc được Hà Nội ngưng hậu thuẫn cho VC và chấp nhận thương thuyết?

-Cho dù BVN có bị buộc phải thương thuyết đi chăng nữa, mục tiêu nhắm đến của Mỹ nơi bàn hội nghị là gì?

-Trong trường hợp các phương án B và C, tức không kích, được chọn lựa, sẽ cần đến lực lượng bộ chiến nào của Mỹ để bảo vệ các căn cứ không quân và phòng ngừa sự sụp đổ của quân đội NVN vào lúc tiến hành không kích?

- Mỗi phương án đó sẽ gây ra bao nhiêu tổn thất cho Mỹ?

-Quốc hội và công chúng Mỹ sẽ phản ứng ra sao trước tình hình dẫn đến bởi phương án được chọn lựa?

Khỏi cần nói cũng biết Tổng thống thất vọng đến đâu. Lo âu và ngán ngẩm cứ khiến ông tuôn ra những câu hỏi và nhận xét như: “Chúng ta có thể làm gì đây?”, “Tại sao nãy giờ không nói?”, “Ngày đền tội đã đến rồi”… Cuối cùng Tổng thống quyết định: “Tôi sẽ cho đại sứ Maxwell Taylor một cơ hội chót để ổn định tình hình chính trị. Bằng không tôi sẽ nói chuyện thả bom BVN với ông đấy, tướng Bus Wheeler”.

Ông chấp thuận dè dặt một kế hoạch gồm hai bước. Bước 1 gồm các phi vụ trinh sát có vũ trang trên các trên các đường xâm nhập ở đất Lào, kèm theo đó là những phi vụ trả đũa trên miền BVN một khi các mục tiêu quân sự Mỹ bị tấn công. Trong thời gian đó, đại sứ Maxwell Taylor sẽ dùng viễn tượng không kích BVN, tức giai đoạn 2, để kích thích giới lãnh đạo NVN dọn dẹp lại công việc nội bộ của họ.

Đại sứ Maxwell Taylor quay trở lại Sài Gòn, mang theo một thông điệp cho các tướng lãnh NVN: muốn được Mỹ tiếp tục hỗ trợ, cần phải ổn định chính trị, điều đó có nghĩa là các tướng lãnh NVN nên ngưng mưu đồ xâu xé nhau và kình chống chính phủ.

Những huấn thị dạy bảo này như nước đổ đầu vịt. Các ông tướng của Sài Gòn vẫn cứ chia rẽ bè phái hơn bao giờ hết. Mấy ông tướng này muốn thay chính phủ dân sự bằng một chế độ quân sự. Điều này khiến Maxwell Taylor nổi điên lên, gọi các tướng lãnh đạo NVN đến gặp mình, lên lớp như thể một huấn luyện viên đang dũa một tốp tân binh. Có lẽ mớ tiếng Pháp của ông không hoàn hảo lắm nên mấy ông tướng này chẳng hiểu ông phán bảo gì về nhu cầu ổn định. Buổi “lên lớp” có làm cho vài bộ mặt gượng cười che đậy sự xấu hổ và trong bụng có oán giận Maxwell Taylor thật đấy, song cũng chẳng đưa đến một kết quả cụ thể nào.

Vừa thất vọng, vừa tuyệt vọng, đại sức Maxwell Taylor điện cho Washington một bản phúc trình tổng kết cuối năm có đoạn: “Nếu tình hình cứ từ xấu trở thành tệ lậu mãi, chúng ta nên tìm cách tháo gỡ các quan hệ hiện tại với chính phủ NVN, rút phái bộ cố vấn về. Qua đó, chúng ta có thể tự tháo gỡ khỏi những ràng buộc với một đồng minh chẳng đáng tin cậy và để cho NVN tự mình bước đi trên đôi chân của mình, có sẩy chân cũng ráng chịu”.

Sau này, tôi mới muộn màng nhận ra rằng: thật đau đớn thay phương án “chán đời” mà Max (tức đại sứ Maxwell Taylor) đề cập đến – tiếp tục theo đuổi chương trình cho đến khi người NVN mời chúng ta ra đi hoặc là một tình trạng hỗn loạn dẫn đến việc chúng ta phải rút các cố vấn về - có lẽ đã làm cho nước Mỹ bớt hao tốn nhân vật lực hơn nhiều. Lẽ ra chúng tôi đã chọn phương án này mới đúng. Thế nhưng chúng tôi đã không làm như vậy.
Danh Đức dịch (tiêu đề của Một Thế Giới)
Bài liên quan
Tổng thống Yoon Suk-yeol không chấp nhận bị thẩm vấn
Hãng Yonhap News đưa tin Tổng thống bị luận tội Yoon Suk-yeol một lần nữa từ chối trình diện Văn phòng Điều tra tham nhũng quan chức cấp cao Hàn Quốc (CIO) để bị thẩm vấn vào ngày 17.1.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
4 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kỳ 20 - “Phương án chán đời” của tướng 4 sao Max Taylor