Sau 30.4.1975, Việt Nam và Rumania tiếp tục quan hệ ngoại giao chính thức giữa hai nước vốn được thiết lập từ 25 năm trước đó….

Kỳ 36: Việt Nam - Rumania và hoàng thân Shihanouk trước "bóng ma Maoism"

Một Thế Giới | 24/09/2015, 23:59

  Sau 30.4.1975, Việt Nam và Rumania tiếp tục quan hệ ngoại giao chính thức giữa hai nước vốn được thiết lập từ 25 năm trước đó….

Sau ngày chủ tịch Ceauşescu của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Rumania bị xử tử hình (1989 - xem Kỳ 35) và nước Cộng hòa Rumania ra đời, Hội người Việt tại Rumania được thành lập và ra mắt tại Đại sứ quán Việt Nam số 15 Austrului, quận 3, thủ đô Bucharest (1993) với tuyên ngôn: “Cộng đồng Việt Nam tại Rumania là cộng đồng thuần chất, không có đối kháng về chính trị, yêu nước và tôn trọng sự quản lý của nhà nước Việt Nam (Hà Nội) và tuân thủ pháp luật của nước sở tại (Rumania)”. Tính đến nay, Việt Nam - Ru có ngót 65 năm hữu nghị (1950-2015).

Trong quá khứ, Rumania đã cùng Tiệp Khắc, Đông Đức (Cộng hòa dân chủ Đức), Bulgaria, Hungaria, Albania và Ba Lan đồng lúc lên tiếng công nhận chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa (Hà Nội) vào tháng 2.1950 (chỉ sau Trung Quốc, Liên Xô và Bắc Triều Tiên một hai tuần - 1.1950). Đến những năm chiến tranh Việt – Mỹ nổ lớn (cuối thập niên 1960 và đầu thập niên 1970), Rumania với sự lãnh đạo của chủ tịch nước Ceauşescu đã tận tình ủng hộ Hà Nội.
Tài liệu của đại sứ quán Việt Nam tại Rumania và của các tác giả: Trần Đình Trúc, Phạm Minh Dũng, Nguyễn Huy Chính, Trịnh Đăng Ngọc thông tin: “năm 1970 số lượng lưu học sinh Việt Nam được nhà nước Rumania cấp học bổng, chăm lo ăn học đã lên tới hơn ngàn người. Tính bình quân trên dân số (của Rumania) thì đó là tỉ lệ cao nhất so với tất cả các nước XHCN thời bấy giờ. Hầu hết các trường đại học ở thủ đô và các thành phố lớn Rumania đều có lưu học sinh Việt Nam (…) Người Ru, từ các cấp lãnh đạo Bộ giáo dục, các trường đại học đến người dân thường đều coi lưu học sinh Việt Nam như con cháu của họ”.

Cũng năm đó (1970) và các năm kế tiếp (1971-1973), độc tố của chủ nghĩa Mao Trạch Đông chưa kịp ăn sâu vào xã hội Rumania (dầu luận cương chính trị mang màu sắc Maoism được chủ tịch Ceauşescu công bố tháng 7.1971), nên khi hoàng thân Norodom Sihanouk đến thăm Rumania (1972) thấy vẻ đẹp của nền dân chủ đầy gợi cảm này còn hiện diện ở đó. Năm ấy, Ceauşescu ở tuổi 54 (sinh 1918) và Sihanouk 50 tuổi (sinh 1922), cùng bà Elena (vợ chủ tịch Ceauşescu) và bà Monique (vợ Sihanouk) đến thăm nhiều tỉnh và thành phố của Rumania. Ở đâu bốn người của họ cũng được dân chúng đón tiếp thân tình mà sau này Sihanouk thuật lại qua hồi ký “Những lãnh tụ thế giới mà tôi từng biết” (sđd Kỳ 31 - Trần Chí Hùng dịch), có đoạn:

“Bốn chúng tôi – Ceauşescu, tôi, Elena và Monique - cùng đi đến các vùng nông thôn mà ở đó nông dân có vẻ sung sướng và sung túc. Hầu hết mọi người sống trong những kiểu nhà nhỏ chỉ có ở Rumania cùng với những mảnh vườn trồng rau. Sự thừa thãi các loại hoa tuyệt vời chắc chắn không phải là do cố ý bày ra cho tôi xem, vì rõ ràng những loại hoa này và dây thường xuân đã có ở đó từ lâu. Ở thành thị cũng như ở nông thôn, tôi thấy người dân Rumania cởi mở tự nhiên, vui vẻ và hoạt bát. Rõ ràng là họ thích lãnh tụ của họ: Nicolae Ceauşescu - và hoàn toàn tự nhiên, họ chào ông bạn tôi với những vòng tay rộng mở ở bất cứ nơi nào ông tới.

“Tôi cảm thấy nhân dân Rumania có sức hút mãnh liệt đối với tôi và (tới nay) vẫn còn rất thiện cảm đối với họ. Thật lạ, họ được trời phú cho những tính cách na ná với tính cách của nhân dân Campuchia, mặc dù họ thuộc về những nền văn hóa và văn minh rất khác. Nay tôi cảm thấy rất buồn cho những con người bất hạnh này, những người bị vợ chồng Ceauşescu đẩy vào cảnh bần cùng và ô nhục trong những năm cuối cùng” dưới chế độ
Ceauşescu ở Rumania.

Cảnh “bần cùng và ô nhục” như thế nào được Sihanouk phác họa vài nét chính sau ngày ông đến thăm lại Rumania các năm 1982 và 1987. Ông viết đại ý, dưới sự lãnh đạo của chủ tịch Ceauşescu (kiêm Tổng bí thư Đảng cộng sản Rumania) sau ngày ứng dụng chủ nghĩa Mao, đã đưa Rumania đến nền kinh tế kiệt quệ, nghèo khó. Sihanouk hết sức ngạc nhiên khi tận mắt chứng kiến “một nước Rumania đã bị bần cùng hóa và đổ nát so với một thập kỷ trước đó”. Nếu hơn 10 năm trước (1972) dân chúng thủ đô Bucharest - thành phố xinh đẹp, sạch sẽ và thanh lịch được ví là “một Paris thu nhỏ” - hồ hỡi vui mừng vẫy tay đón chào Ceauşescu và Sihanouk đi ngang qua, thì giờ đây (1982), buồn thay “người Rumania đang đi trên hè phố rõ ràng là không muốn nhìn đoàn xe của chúng tôi và nhiều người đã dám công nhiên quay lưng lại với Ceauşescu thay vì hoan hô ông như trước đây”. Sao vậy?

Sihanouk phân tích:

Vì Ceauşescu  làm dân chúng thất vọng (và đi tới phẫn nộ) khi ông đẩy mạnh cuộc “cách mạng xã hội chủ nghĩa” theo kiểu Mao Trạch Đông, gạt phăng những dự án sử dụng tiềm năng dầu mỏ vốn có của Rumania do giới chuyên môn đề đạt, để lao vào “các dự án gây thanh thế” hoang tưởng (cho Đảng cộng sản và cá nhân ông) mà kết quả duy nhất đạt được trong công nghiệp nặng, theo Sihanouk, là: “Rumania phải nhập khẩu dầu !” - khách sạn cùng các tư gia thiếu hẳn chất đốt, không đủ sưởi ấm qua mùa đông…

Về nông nghiệp, Sihanouk nghĩ rằng ruộng đất Rumania vốn phì nhiêu và màu mỡ có nhiều khả năng chuyển mình để trở thành một vựa lúa lớn của Đông Âu, nhưng “thật không thể nào giải thích được, Ceauşescu lại ưu tiên biến nó thành một nền nông nghiệp lạc hậu (…) Quyết định của ông thật khó hiểu đối với tôi – nhưng tình bạn của tôi đối với ông không cho phép tôi coi ông là người… mất trí”.

Về mặt gia thế của “ông bạn Ceauşescu”, Sihanouk nhận xét: những nỗi bất hạnh nhân dân Rumania phải gánh chịu không chỉ bắt nguồn từ nhà độc tài Ceauşescu của họ, mà còn từ bà vợ Elena của Ceauşescu. Bà đã chi phối quá mạnh quá trình lãnh đạo của chồng mình: “Bị bùa mê của bà, nền chuyên chế của ông (Ceauşescu) ngày càng bạo ngược. Sức mạnh nào đã giúp người đàn bà này khuất phục được ông? Than ôi, thật là một thứ quyền uy tai hại khi Elena có năng khiếu thực thi một chế độ chuyên chế, độc tài, cố chấp, một thứ chủ nghĩa cộng sản vô nhân đạo và sùng bái cá nhân” kiểu Mao !.

Không chỉ là “nhà quan sát” thảm kịch của riêng Rumania, mà hoàng thân Norodom Sihanouk do những tình cờ lịch sử, đã trở thành nhân chứng của các xung đột đổ máu ở một số nước “cộng sản” lẫn “quốc gia” trên đường lưu vong của mình, gặp gỡ và kết thân với các lãnh tụ thế giới lẫy lừng như Charles de Gaulle, Jawaharlal Nehru, Nikita Khruschchev, Achmed Sukarno, Gama Abdel Nasser, Josip Brozs Tito, Haile Selassie, Enver Hoja, Houari Boumédienne, Sékou Touré…  Đáng nhớ, Sihanouk chứng kiến mâu thuẫn trong nội bộ Đảng cộng sản Trung Quốc rồi ghi lại qua hồi ức của mình, đặc biệt liên quan đến sự thật về cái chết của thủ tướng Chu Ân Lai với những trang tài liệu độc đáo và duy nhất sẽ đề cập đến kỳ sau (còn nữa).

Giao Hưởng


 

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
4 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kỳ 36: Việt Nam - Rumania và hoàng thân Shihanouk trước "bóng ma Maoism"