Nguyễn Khắc Hà đã làm lái xe ở Viettel Lào Cai 14 năm. Vào những ngày đầu tiên, “cán bộ đường lối” này không chỉ lái xe mà còn được tham gia dựng trạm phát sóng di động, “khởi tạo thực tại mới” cho Viettel ở một tỉnh miền núi xa xôi. Cũng nhờ thế, Hà có một kho kỷ niệm khó tin về những ngày gian khó.

Ký ức về 15 ngày thần tốc và tinh thần kiên cường của người Viettel

19/04/2019, 14:15

Nguyễn Khắc Hà đã làm lái xe ở Viettel Lào Cai 14 năm. Vào những ngày đầu tiên, “cán bộ đường lối” này không chỉ lái xe mà còn được tham gia dựng trạm phát sóng di động, “khởi tạo thực tại mới” cho Viettel ở một tỉnh miền núi xa xôi. Cũng nhờ thế, Hà có một kho kỷ niệm khó tin về những ngày gian khó.

Chiến dịch 15 ngày thần tốc

Giai đoạn 2005-2006, tại Lào Cai, vùng phủ sóng mạng di động chủ yếu chỉ có VinaPhone và Viettel. Lúc bắt đầu xây dựng hạ tầng viễn thông, Viettel vừa mới lên còn VinaPhone đã hoàn thành xong việc tiến hành khảo sát và dựng cột.

Giám đốc của Viettel Lào Cai ngày ấy là ông Mai Văn Luật, chuyển công tác từ Ban chỉ huy quân sự tỉnh Lào Cai. Người lính này có cam kết với ông Tống Thành Đại, Phó Tổng giám đốc Viettel khi đó: “Nếu không lên được trạm trước đối thủ, em xin từ chức!”

Để tiến hành xây dựng trạm phát sóng, đội kỹ thuật Viettel Lào Cai phải về Hà Nội lấy vật tư. Ngày ấy chưa có đường cao tốc, phải đi quốc lộ 70 từ Lào Cai xuống Hà Nội mất nửa ngày. Nếu đường thông lái xe đi hết 12 tiếng, còn chẳng may đường tắc thì có thể kéo dài đến 1 - 2 ngày. Vật tư cũng phải dồn từ các tỉnh khác sang, như Điện Biên, Vinh (Nghệ An), và một vài tỉnh nữa mới đủ cho một trạm.

Kể từ khi nhận nhiệm vụ, toàn thể nhân viên và giám đốc chi nhánh tập trung toàn lực để làm móng. Đúng như thiết kế, đội thi công của Viettel phải mất từ 15 đến 20 ngày sau khi đổ móng trạm xong thì mới được dựng cột. Nhưng Viettel làm theo kiểu riêng để đẩy nhanh tiến độ: vừa làm móng giữa để dựng cột, vừa làm móng xung quanh (móng giằng cáp co cho khỏi đổ), tiến hành đồng bộ. Còn chuyên viên kỹ thuật thì tập trung hàn ngày hàn đêm để xong trạm. Khởi đầu chiến dịch thần tốc này, Viettel Lào Cai xong móng chỉ trong 5 ngày, chưa lên cột.

Thế nhưng, khi Viettel vừa xong móng thì thông tin báo về: Vinaphone gần như hoàn thiện mọi thứ, chuẩn bị phát sóng. Nguyễn Khắc Hà nhớ lại: “Tôi với một anh kỹ thuật đi sang xem trạm của đối thủ làm ra sao, thì họ đã lên cột cao hết rồi, ăng ten treo hết rồi. Ngó vào xem thì các anh bên ấy đang lắp thiết bị. Đồng chí kỹ thuật bên Viettel có hỏi anh bên VinaPhone: ‘Thế các anh thì bao giờ phát sóng?’, thì họ bảo ‘Ôi chắc khoảng tuần nữa. Các anh mới đang đào móng thì bao giờ mới phát được trạm?’….”

Nhận được tin, ông Mai Văn Luật quyết định: “Không được, thế này phải lên trạm ngay!”. Và đúng như chỉ đạo, trong vòng 15 ngày, Viettel đã dựng xong trạm và phát sóng. Thời điểm Viettel có sóng di động ở Lào Cai, chẳng mấy ai tin là thật bởi “không bao giờ có chuyện nhanh như thế”.

Người lái xe của đội kỹ thuật Viettel Lào Cai nói vui: “Từ ấy trở đi, đối thủ họ cũng phải để mắt đến mấy anh Viettel. Họ bảo, mấy ông biển đỏ mà cứ lảng vảng quanh ở đâu là kiểu gì cũng có cột dựng lên ở đấy” (cười).

Giải quyết xong áp lực thời gian dựng trạm phát sóng thì Viettel Lào Cai lại phát sinh những vấn đề khác, như thiết bị không đồng bộ. Cán bộ kỹ thuật ở Lào Cai phải lắp ráp các thiết bị mà các nơi khác chuyển sang nên không phải lúc nào cũng đủ. Có những lần chỉ thiếu một mô-đun quang, bằng ngón út thôi nhưng cán bộ kỹ thuật cũng phải đi xe từ Lào Cai về tận Hà Nội để nhận và phải đi cả đêm thì mới đem lên được kịp tiến độ.

Tuy chỉ là lái xe nhưng Nguyễn Khắc Hà cũng được huy động cùng anh em kỹ thuật tham gia vào tất cả các công việc vì lúc đó người Viettel rất ít. Hà chia sẻ: “Ngày ấy máy hàn quý lắm, anh em không được sờ vào đâu. Trong quá trình làm theo kiểu chiến dịch như thế thì tôi cũng chỉ phụ anh em tuốt cáp rồi vào mô-đun thôi, chứ không được cầm máy hàn. Phải ai giỏi kỹ thuật lắm thì mới được dùng”.

Chuyến ứng cứu lịch ở nơi Y Tý trắng xóa

Khi đã ổn định trạm rồi thì công việc thường ngày ở Lào Cai lại vất vả kiểu khác, khó khăn hơn nhiều so với dưới xuôi. Vào mùa mưa lũ, không riêng gì Lào Cai mà các tỉnh khác ở Tây Bắc đều phải trải qua những trận lũ khủng khiếp. Lũ ống, lũ từ trên đồi, thi nhau đổ dồn xuống, đất đá và tất cả mọi thứ đều bị cuốn trôi.

Lào Cai cũng là một trong những tỉnh chịu nhiều thiên tai nhất ở khu vực Tây Bắc. Trong khi thực hiện những công việc kỹ thuật hàng ngày, người Viettel cũng thường xuyên gặp những chuyện như thế, nhất là mùa mưa lũ. Mà đi làm thì cán bộ nhân viên Viettel ở đây lại phải đi đường núi, mưa gió hay gây sạt lở.

“Đối thủ hơn Viettel ở chỗ là họ làm trước nên có nhiều điểm đẹp hơn, nhưng cái nhanh và thần tốc thì họ lại thua. Viettel hơn họ chính ở sự quyết liệt. Nếu cứ đứt cáp thì ngay cả đêm hay mưa bão thì chúng tôi cũng xử lý ngay”, Nguyễn Khắc Hà cho biết.

Dân xung quanh chưa hiểu công việc của các cán bộ Viettel, nên hay kháo nhau: “Chả hiểu cái anh này làm cái gì mà cứ rình mất điện là chạy ra đường, đêm mưa bão cũng thấy chạy ra đường. Mất điện hay mưa bão thì ở trong nhà chứ ra đường làm gì?”.

Cuối năm 2011, thành phố Lào Cai giảm nhiệt xuống đến -2 độ. Tuyết phủ trắng Sapa và Y Tý (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai), và hôm ấy lại đứt cáp đúng ở Y Tý, chỗ rừng già - nơi lạnh nhất tỉnh Lào Cai. Các cán bộ kỹ thuật Viettel nhận được lệnh đi hàn cáp ở Y Tý và lên đường ngay trong đêm.

Lúc xe còn cách Y Tý chừng hai chục cây, bốn bề tuyết đã phủ trắng. Xe đi bị văng vì tuyết ướt nên đường trơn khủng khiếp.

Nguyễn Khắc Hà nhớ lại: “Xe khác thì người ta đi xuống rãnh hết, nhưng chúng tôi lúc đó đâu đã có kinh nghiệp lái xe trên tuyết bao giờ, mà cũng chưa bao giờ được thấy tuyết rơi nhiều thế”. Mới đầu, hai cán bộ kỹ thuật của Viettel lấy lá cây phủi, bới để dò đường đi, nhưng sau tuyết dày quá, xe không đi được nữa nên cả đội bỏ xe đi bộ. Nhưng rồi đến đi bộ cũng rất khó khăn vì tuyết ngập đến tận đầu gối.

“Chưa đi tuyết bao giờ, lúc đầu mấy anh em cảm thấy cũng thích, hay hay. Nhưng mà chỉ 2 - 3 tiếng thôi, thì bước chân đi mà như có người kéo lại, cảm giác bị thụt cực kỳ khó chịu, lại lạnh nữa..”, người lái xe trong “chuyến đi lịch sử” nhớ lại. Nhưng rồi đội kỹ thuật của Viettel cũng “bò” được đến nơi cáp bị đứt, không có một dấu chân người, tuyết trắng xóa….

Sau đêm ấy, Nguyễn Khắc Hà và đội kỹ thuật Viettel Lào Cai không còn thích tuyết như trước. Hai ngày một đêm ở trong tuyết, vừa lạnh vừa đói, đội lái xe, kỹ thuật Viettel có lúc bốc tuyết ăn…. Nhưng người lái xe trong chuyến đi ứng cứu đó kể lai câu chuyện vô cùng hào hứng, cười rất tươi. Hà vui vẻ nói: “Lúc đó, anh em đều đồng lòng nhất trí, chẳng ai bảo ai, cứ làm hết việc thì thôi chứ chưa xong việc thì ai ai cũng thấy áy náy vô cùng. Thứ nhất là tuổi trẻ, sức khỏe vô biên, mà thứ hai là tinh thần cũng mãnh liệt, tình cảm dành cho Viettel rất nhiều”.

D.T

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyển đổi số xanh Hải Phòng: Thách thức và cơ hội
1 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ngày 22.11, UBND TP.Hải Phòng và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số – Hải Phòng 2024 với chủ đề “Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ký ức về 15 ngày thần tốc và tinh thần kiên cường của người Viettel