Công ty TNHH Grab vừa có kiến nghị về Dự thảo Nghị định về Kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô, thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP.

Grab đề xuất bãi bỏ hàng loạt quy định tại dự thảo nghị định thay thế Nghị định 86

17/04/2019, 12:29

Công ty TNHH Grab vừa có kiến nghị về Dự thảo Nghị định về Kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô, thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP.

Grab kiến nghị nhiều nội dung tại dự thảo nghị định 86 - Ảnh: Internet

Về quy định tại Khoản 2 Điều 3 Dự thảo nghị định quy định, nếu doanh nghiệp thực hiện 1 trong 2 công đoạn sau “trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe” hoặc “quyết định giá cước vận tải” thì sẽ được coi là kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, Grab e ngại 2 khái niệm sẽ gây ra nhiều cách hiểu khác nhau trong quá trình thực thi, dẫn đến sự bất bình đẳng trong việc áp dụng các quy định pháp luật.

Theo Grab, hoạt động kinh doanh vận tải bao gồm nhiều công đoạn. Việc chỉ đưa 2 công đoạn “điều hành phương tiện, lái xe” và “quyết định giá cước vận tải” vào định nghĩa kinh doanh vận tải mà bỏ qua những công đoạn cốt lõi khác như sử dụng và quản lý xe ô tô, thuê và quản lý người lái xe, điều khiển phương tiện… là không hợp lý.

Doanh nghiệp này đề xuất cần quy định rõ ràng các khái niệm “trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe” hoặc “quyết định giá cước vận tải”; đồng thời bổ sung các công đoạn cốt lõi, đặc trưng của hoạt động kinh doanh vận tải vào khái niệm “kinh doanh vận tải bằng xe ô tô”.

Cũng theo Grab, Điều 13 Dự thảo chỉ quy định các điều kiện áp dụng cho hoạt động kinh doanh vận tải nói chung. Trong khi đó, khoản 2 Điều 3 Dự thảo lại phân chia hoạt động kinh doanh vận tải thành các công đoạn khác nhau.

“Như vậy sẽ dẫn đến khả năng một đơn vị dù chỉ thực hiện một công đoạn của hoạt động kinh doanh vận tải, nhưng vẫn phải xin phép kinh doanh và tuân thủ toàn bộ các điều kiện kinh doanh vận tải. Điều này hoàn toàn không hợp lý và không có cơ sở pháp lý”, Grab nêu và đề xuất cần quy định rõ các điều kiện kinh doanh phù hợp với các công đoạn của hoạt động kinh doanh vận tải tương ứng.

Kiến nghị quy định về hợp đồng vận chuyển, doanh nghiệp này cho rằng Điều 15 Dự thảo không ghi hợp đồng vận chuyển được quy định áp dụng cho loại hình kinh doanh vận tải nào. Do đó, có thể gây hiểu nhầm rằng hợp đồng vận chuyển này áp dụng cho tất cả các loại hình kinh doanh vận tải, kể cả xe buýt, xe taxi...

“Việc quy định về nội dung tối thiểu của hợp đồng (khoản 2 Điều 15) cũng chưa phù hợp với xu thế cải cách pháp luật. Bộ luật Dân sự đã bỏ các quy định về nội dung chủ yếu (bắt buộc phải có) của hợp đồng để đảm bảo tôn trọng quyền tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận của doanh nghiệp và người dân”, kiến nghị nêu.

Hơn nữa, doanh nghiệp này cho rằng nhiều thông tin được yêu cầu trong khoản 2 Điều 15 Dự thảo là không cần thiết, hoặc đã được niêm yết trên xe theo quy định, hoặc được các nhà cung cấp ứng dụng kết nối thu thập, lưu trữ và sẵn sàng cung cấp cho các bên liên quan khi được yêu cầu. Việc yêu cầu quá nhiều thông tin không cần thiết khiến giao diện phức tạp, gây bất tiện cho hành khách.

Công ty này cũng cho rằng Điều 16 quy định về việc thực hiện hợp đồng điện tử không hợp lý, vì chồng chéo với các quy định pháp luật hiện hành.

Luật Giao dịch điện tử và Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử đều có một chương riêng quy định về vấn đề giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử. Khoản 4 Điều này còn quy định cả trách nhiệm của người thuê vận tải, hành khách tham gia giao kết hợp đồng vận chuyển điện tử là hoàn toàn không cần thiết.

Grab đề xuất bãi bỏ toàn bộ nội dung Điều 15, Điều 16. Nếu cần thiết phải quy định về nội dung tối thiểu của hợp đồng vận chuyển để làm cơ sở bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, thì chỉ nên quy định và áp dụng đối với loại hình kinh doanh bắt buộc phải có hợp đồng bằng văn bản.

“Nội dung tối thiểu của hợp đồng chỉ bao gồm các thông tin cần thiết nhất, để hạn chế can thiệp vào hoạt động kinh doanh và quyền tự do thỏa thuận, giao kết hợp đồng của người dân và doanh nghiệp”, Grab nêu.

Cũng theo công ty này, mục tiêu của quy định về hộp đèn trên nóc xe là nhằm phục vụ cho việc nhận diện xe của khách hàng khi có nhu cầu đón, vẫy xe taxi trên đường (theo tinh thần Khoản 8 Điều 1 Thông tư 60/2015/TT-BGTVT của Bộ GTVT).

Do đó, việc áp dụng quy định gắn hộp đèn trên nóc xe taxi kết nối với hành khách qua ứng dụng (điểm b Khoản 1 Điều 6) và xe hợp đồng sử dụng hợp đồng điện tử (điểm c Khoản 1 Điều 7) là không cần thiết.

Lý do là nếu nhằm mục đích nhận diện xe kinh doanh cho cơ quan chức năng, thì tất cả các phương tiện đều đã được niêm yết phù hiệu “Xe Taxi” hoặc “Xe Hợp đồng” trên kính trước của xe như quy định pháp luật.

Nếu nhằm mục đích nhận diện xe cho hành khách thì cũng không cần thiết, vì thông tin về xe, lái xe, số điện thoại liên lạc của lái xe đã được cung cấp cho khách hàng qua ứng dụng để nhận biết xe được kết nối. Bên cạnh đó, các xe này cũng không phục vụ, đón khách vãng lai trên đường như đối với loại xe taxi bằng hình thức vẫy.

Theo đó, việc này sẽ tăng chi phí kinh doanh cho đơn vị kinh doanh vận tải. Grab đề xuất bỏ yêu cầu bắt buộc phải gắn hộp đèn trên nóc xe.

Lam Thanh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
6 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Grab đề xuất bãi bỏ hàng loạt quy định tại dự thảo nghị định thay thế Nghị định 86